Du khách Nhật bị “chém” 2,9 triệu đồng cho cuốc xích lô 5 phút: Nguy hiểm cho ngành du lịch
Cụ thể, chiều 3/8 ông Oki Toshiyuki đi dạo quanh khu vực trung tâm quận 1 thì có một người đạp xích lô đẩy xe theo mời đi. Khi gần đến chợ Bến Thành, cụ Oki Toshiyuki đồng ý thuê người đàn ông này chở về khách sạn Liberty Central Saigon Riverside trên đường Tôn Đức Thắng.
Khi tới nơi cụ Oki Toshiyuki trả cho người đàn ông 500 ngàn đồng, tuy nhiên anh này tỏ ý đòi thêm. Dù vậy, khi cụ Oki chưa kịp rút thêm tiền thì bị người đàn ông bất ngờ thò tay vào bóp lấy thêm các tờ tiền mệnh giá 500 và 200 ngàn rồi bỏ đi.
Dù là nạn nhân bị “chặt chém” nhưng du khách lớn tuổi này vẫn cho rằng, lỗi là của mình vì đã không hỏi giá trước khi lên xe.
Xích lô chở khách du lịch tại nhà thờ Đức Bà (thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: Phú Thọ |
Trao đổi với Pv Dân trí, bà Nguyễn Thị Khánh, PCT Hiệp hội Du lịch TPHCM cho biết, đã nắm được sự việc qua báo chí. Theo bà Khánh đây là sự việc xấu xí, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh điểm đến Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
“Sự việc này người bình thường cũng thấy quá đáng. Bản thân chúng tôi và các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch cũng đang rất bức xúc”, bà Khánh nói.
PCT Hiệp hội Du lịch TPHCM cũng cho biết, trước đây bộ phận quản lý có làm việc với hợp tác xã xích lô, nếu xảy ra các trường hợp tiêu cực thì phải có biện pháp chế tài, xử lý nghiêm.
Với vụ việc cụ thể này, bà Khánh đề nghị, các cơ quan chức năng có thẩm quyền ở địa phương cần sớm vào cuộc, quyết liệt xử lý để tránh tái diễn hiện tượng “chặt chém” du khách gây phản cảm như trên.
PGS.Ts Phạm Trung Lương, Nguyên phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch cho biết, bản thân ông cảm thấy rất buồn, xấu hổ mỗi lần đọc thông tin về các vụ việc “chặt chém”, “chèo kéo” du khách nước ngoài ở Việt Nam.
Đối với vụ việc người lái xích lô thu của du khách Nhật 2,9 triệu đồng, cho quãng đường di chuyển khoảng 5 phút, ông Lương cho rằng cần phải bị xử lý nghiêm, thậm chí khởi tố người lái xích lô nếu có dấu hiệu lừa đảo, trấn lột du khách.
“Những người bán hàng thường lợi dụng tâm lý chủ quan, ngại hỏi giá trước của khách để tính thêm tiền, thổi giá sản phẩm cao gấp nhiều lần so với thực tế. Trong đó, những vị khách ngoại quốc thường là đối tượng dễ bị “chặt chém” nhiều nhất. Đây thực sự là những câu chuyện buồn không chỉ với khách nước ngoài mà với cả phần lớn người dân Việt Nam, những người luôn mong muốn và hy vọng hình ảnh đất nước trở nên đẹp đẽ, ấn tượng trong mắt bạn bè thế giới”, ông Lương nói.
Chuyên gia này cũng cho rằng, nhìn nhận một cách khách quan, bán hàng chộp giật, chặt chém du khách, móc túi, cướp giật… vẫn có ở một số nước du lịch phát triển như: Pháp, Ý… Mỗi nước đều có những vấn đề riêng trong phát triển du lịch nhưng điều quan trọng là họ tìm ra giải pháp và thực thi nó một cách hiệu quả trong thực tế.
Ở Việt Nam, ông Lương cho rằng, các cơ quan du lịch, quản lý địa phương có thể thực hiện, hỗ trợ cung cấp thông tin, cảnh báo du khách để họ tránh gặp phải trải nghiệm không tốt.
“Ví dụ, có thể xây dựng các app tính tiền tự động tương ứng với quãng đường di chuyển khi khách tham gia các phương tiện như taxi, xích lô, xe ôm… Ngoài ra, cần có các quầy hỗ trợ thông tin tại các nhà ga, bến tàu, sân bay cho du khách. Khi phát hiện trường hợp lừa đảo, chặt chém cần phải xử lý nghiêm, quyết liệt”, ông Lương nói.