Đủ điều kiện xóa sổ xăng RON 92 từ năm 2018
Triển khai thay thế nhiên liệu truyền thống bằng nhiên liệu sinh học trên diện rộng, phạm vi toàn quốc cần tính kỹ đến việc đẩy mạnh truyền thông, nâng cao hiểu biết của người tiêu dùng cũng như phân tích đầy đủ các lợi ích đem lại cho xã hội, cộng đồng. Nhận định được đưa ra tại Hội thảo “Sử dụng nhiên liệu sinh học – Giải pháp phát triển bền vững”, do Bộ Công Thương tổ chức ngày 17/10, tại Hà Nội.
Xăng sinh học thay xăng khoáng đã cận kề
Ngày 6/6 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chỉ đạo: Kể từ ngày 1/1/2018, chỉ cho phép sản xuất kinh doanh xăng E5 RON92 và xăng khoáng RON 95 trên phạm vi toàn quốc.
Tại Hội thảo hôm nay, ông Trần Ngọc Năm, Phó TGD Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, hiện nay sản lượng bán E5 đang chiếm khoảng 7% tổng lượng bán ra của Petrolimex (khoảng 3 triệu tấn/năm). Petrolimex cam kết đảm bảo đủ lượng xăng E5 cung cấp cho thị trường. Trong trường hợp doanh nghiệp Tùng Lâm và 1 số nhà máy nhiên liệu sinh học ethanol trong nước không đủ nguồn, Bộ Công Thương cho phép các doanh nghiệp đầu mối được nhập khẩu ethanol (E100) để phối trộn..
Hội thảo sử dụng nhiên liệu sinh học – Giải pháp phát triển bền vững. |
“Nguồn ethanol từ Hàn Quốc, Philippines đã được Pettolimex tính đến. Tuy nhiên, mức chênh lệch giá giữa xăng E5 và xăng khoáng hiện tại chỉ từ khoảng 300 - 500 đồng/lít là chưa khuyến khích người tiêu dùng. Cùng với đó, công tác tuyên truyền cũng chưa đầy đủ, rộng rãi. Hiện tại, người tiêu dùng mới mua xăng E5 vì giá thấp hơn chứ chưa thực sự vì mục tiêu môi trường”, ông Năm cho biết.
Đại diện một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu cũng cho rằng, để khuyến khích người tiêu dùng (NTD) sử dụng xăng E5, cần có chính sách giá xăng E5 tốt hơn. Theo đó, cần giảm thuế môi trường và có chính sách hỗ trợ giá để xăng E5 có mức tăng thấp hơn xăng truyền thống từ 1.000-1.500 đồng/lít.
Đảm bảo nguồn cung xăng E5
Các doanh nghiệp cũng chung nhận định, khi nhu cầu ethanol phối trộn E5 tăng cao từ 1/1/2018, Chính phủ cần chủ động nguồn cung trong nước. Theo đó, ngoài doanh nghiệp Tùng Lâm, cần đưa nhanh việc hoạt động trở lại của các nhà máy nhiên liệu sinh học đang gặp khó khăn, đồng thời phải có quy hoạch vùng nguyên liệu để sản xuất ethanol bền vững trong nước.
Trước thông tin nếu nhập khẩu ethanol từ nước ngoài, nguồn ethanol nhập khẩu sẽ áp dụng tăng thu thêm để chênh lệch khoảng 5-7% so với nguồn ethanol sản xuất trong nước, các doanh nghiệp cho rằng cần có cơ sở đồng bộ để ưu ưu tiên sản xuất trong nước nhưng cũng phải đảm bảo tính cạnh tranh của thị trường.
Ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ đã thành lập đoàn kiểm tra tiến độ của các nhà máy nhiên liệu sinh học. Hiện tại 2 nhà máy sản xuất của Tùng Lâm có công suất 160.000 tấn/năm đang đáp ứng đủ nhu cầu trong nước. 2 nhà máy Dung Quất và Bình Phước đang được gấp rút các phương án để hoạt động trở lại.
Theo ô Lưu Quang Thái, Chủ tịch Hiệp hội năng lượng sinh học Việt Nam, nếu triển khai tích cực, đến hết Quý I/2018, 2 nhà máy nhiên liệu sinh học của PVN sẽ có thể trở lại hoạt động. Với công suất mỗi nhà máy là 80.000 tấn/năm sẽ cung cấp thêm 160.000 tấn/năm, cùng với phương án nhập khẩu athanol sẽ cơ bản đáp ứng được nhu cầu xăng E5 trong nước.
Khẳng định chất lượng của nguồn nhiên liệu sinh học thay thế nhiên liệu truyền thống, ông Nguyễn Nam Hải - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ KH&CN) cho biết, "Từ năm 2015, Việt Nam đã có đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn về nhiên liệu sinh học đối với xăng E5 trên thị trường”.
Cùng với đó, ông Phạm Hữu Tuyên, Viện Cơ khí động học, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội thông tin, qua các kết quả thử nghiệm cho thấy, việc sử dụng xăng E5 giúp cải thiện công suất động cơ, suất tiêu hao nhiên liệu, giảm đáng kể phát thải.
Xăng E5 và RON 92 tiêu chuẩn tương tự nên NTD mua xăng đổ lẫn 2 loại xăng này không làm ảnh hưởng tới động cơ.
Nhận thức người tiêu dùng quyết định thành công
Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, cần thiết đưa việc sử dụng nhiên liệu sinh học vào Luật. Hiện tại các quốc gia như Philippines đã đưa nhiên liệu sinh học vào luật từ năm 2006. Năm 2009 bán đồng loạt xăng E5 và 2010 đã bán rộng rãi E10. Tại Thái Lan hiện nay đã bán tới xăng E20 và một số nước EU như Đức cũng đưa nhiên liệu sinh học vào luật và áp dụng việc tiêu thụ E5 vì mục tiêu môi trường.
Theo tính toán của các chuyên gia, nhu cầu tiêu thụ xăng trong cả nước hiện lên tới khoảng 6 triệu tấn/năm. Do đó, nếu việc tuyên truyền không tốt, không có giá tốt thì NTD vẫn còn 1 lựa chọn khác khi xăng RON 95 vẫn được bán song song với xăng E5.
Ông Hoàng Minh Phương, Phó Cục trưởng Cục Thông tin cơ sở (Bộ TT&TT) nêu rõ, cơ quan này sẽ huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia vận động truyền thông, khuyến khích cộng đồng sử dụng nhiên liệu sinh học bằng các hình thức truyền thông phong phú, đa dạng phù hợp với dân trí của từng nhóm đối tượng, vùng miền…
Theo đó, các cơ quan truyền thông cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, từng hộ gia đình, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội về việc sử dụng nhiên liệu sinh học. Qua đó góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giảm dần sự lệ thuộc vào xăng khoáng qua đó tích cực cải thiện môi trường, giảm thiểu phát thải khí nhà kính theo đúng cam kết của Chính phủ./.
Theo Bộ Công Thương, nhằm góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường, giảm thiểu khí nhà kính và tạo đầu ra ổn định cho nông sản, ngày 20/11/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 177/2007/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025; Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg ngày 22/11/2012 về việc phê duyệt ban hành lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống.
Sau gần 10 năm triển khai Quyết định 177 và 5 năm thực hiện Quyết định 53, Bộ Công Thương đã chủ động, tích cực phối hợp cùng các Bộ ngành, địa phương trên cả nước xây dựng, hoàn chỉnh cơ bản hệ thống cơ chế chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, đáp ứng cơ bản yêu cầu quản lý cũng như tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp./.