Đồng Nai: Lo ngại mang bệnh từ những cơ sở tái chế bao bì gây ô nhiễm
Nhiều năm qua, một số cơ sở tái chế bao bì hoạt động ngay sát bên khu vực dân cư sinh sống tại xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, phát tán mùi hôi và chất thải ra nguồn nước. Đáng nói là dù các cơ sở này đã từng bị xử phạt hành chính vì gây ô nhiễm môi trường và buộc phải có biện pháp khắc phục nhưng vẫn tiếp tục hoạt động và chưa biết bao giờ mới chịu di dời.
Nhà máy tái chế bao bì xả khỏi đen, phát tán mùi hôi trong không khí |
Cư dân ấp 3, xã Phước Thái bức xúc cho biết, các cơ sở này hoạt động đã nhiều năm. Mùi hôi, khét nồng từ quá trình nấu nhựa tỏa ra khắp vùng, cả ngày cả đêm, nhưng ban đêm thì càng nồng nặc. Ai nấy đều lo ngại nếu hít phải mùi từ nấu nhựa tái chế lâu ngày sẽ sinh bệnh tật.
“Ai người ta cũng rất là lo. Cái mạch nước lâu ngày nó sẽ ngấm xuống. Dân ở đây người ta khoan giếng không có sâu, hai chục mét, mười mấy không à. Chất thải nó rút nhanh xuống mạch nước, như vậy là ảnh hưởng trực tiếp tới cái nguồn nước mình ăn uống hàng ngày, tắm rửa. Dân lao động không à, tiền đâu mà trị bệnh ung thư, mà lại không trị được nữa”, một phụ người dân gần đó cho biết.
Chưa kể, thời gian gần đây, một vài cơ sở tập kết các loại bao bì đã qua sử dụng rồi giặt giũ trước khi đưa vào lò tái chế ngay giữa ấp, gây bụi mù mịt, cũng không ai biết những bao bì đó trước đây đựng thứ gì, có độc hại hay không.
Với sự giúp sức từ một người dân, phóng viên tiếp cận khu vực phía sau các nhà máy tái chế nhựa và chứng kiến những cột khói đen ngòm, khét lẹt, dòng nước thải đặc sệt được gom vào hồ chứa, sau đó rỉ ra con suối Huỳnh Mai – Cổng 69 (con suối này đổ ra sông Thị Vải – PV). Nước rỉ ra lẫn với một thứ mùn màu trắng mà theo người dân là bột phát sinh trong quá trình nghiền bao tải.
Khu vực hồ chứa của một cơ sở tái chế |
Một người làm nghề rà cá ở khu vực suối này cho hay, mấy năm nay lượng cá đánh được giảm rất nhiều mà nguyên nhân theo ông là do ô nhiễm: “Hồi xưa là nước trong lắm, sạch lắm còn bây giờ nước thải nó ô nhiễm hơi bị nhiều. Nước thải đi vòng quanh quanh tới đây. Hồi xưa đi bắt được nhiều cá chứ giờ không có. Ô nhiễm quá cá chết hết à”.
Đã từng bị xử phạt
Ủy ban nhân dân xã Phước Thái, huyện Long Thành xác nhận, trên địa bàn có một số cơ sở hoạt động trong lĩnh vực gia công, tái chế bao bì. Năm 2015, các cơ sở này đã từng bị Ủy ban nhân dân huyện Long Thành xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai và bảo vệ môi trường.
Cụ thể, tháng 6/2015, hộ kinh doanh Vũ Đức Kiên bị phạt 14 triệu đồng, tạm đình chỉ hoạt động 3 tháng, buộc xây lắp công trình xử lý môi trường theo quy định; hộ kinh doanh Đào Thị Hoa và cơ sở của ông Vũ Xuân Kỷ cùng bị phạt 2.5 triệu đồng, đình chỉ hoạt động 9 tháng, buộc thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường; tháng 10/2015 bà Vũ Thị Ruyến bị phạt tổng số tiền 4 triệu đồng với 2 hành vi: chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang xây dựng nhà xưởng tái chế bao bì (phạt 1.5 triệu đồng) và hoạt động gia công tái chế bao bì không có cam kết bảo vệ môi trường (phạt 2.5 triệu đồng), bị đình chỉ hoạt động 9 tháng và buộc thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm.
Ông Trần Xuân Thám, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phước Thái cho biết, thẩm quyền xử phạt thuộc cấp huyện, còn chính quyền xã chỉ nắm bắt tình hình dựa trên đơn thư khiếu nại của người dân, sắp tới sẽ tiếp tục cho kiểm tra, nếu các cơ sở tái vi phạm sẽ kiến nghị huyện có biện pháp xử lý.
“Địa phương thì chúng tôi chỉ là báo cáo kiến nghị cấp trên, cương quyết xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường. Cái này thì lâu nay chúng tôi cũng đang làm rồi, làm nhiều lần rồi chứ không phải bây giờ các anh xuống phản ánh tụi tôi mới làm. Điển hình là trước đây tôi kiến nghị lên cấp huyện xử phạt, ngưng hoạt động của ba cở sở này rồi. Còn các cơ sở nào khác ô nhiễm thì chúng tôi cũng kiến nghị lên cấp trên xử lý chứ chúng tôi không có bao che gì hết, nhưng chúng tôi chưa nhận được sự phản ánh của bà con”, ông Thám cho biết.
Về vấn đề di dời các cơ sở tái chế gây ô nhiễm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phước Thái Trần Xuân Thám cho biết, chính quyền xã đã có yêu cầu các cơ sở tái chế bao bì trên địa bàn có lộ trình di dời ra khỏi khu vực đông dân cư, nhưng lộ trình cụ thể như thế nào thì xã cũng không xác định được vì không có thẩm quyền./.