Đồng bào Nam bộ với Ngày Toàn quốc kháng chiến
Đất nước giành được độc lập chưa bao lâu, ngày 23/9/1945, đồng bào Nam bộ bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ chống thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta. Ngày 19/12/1946, đáp lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, cả Nam bộ tiếp tục kề vai, sát cánh, đoàn kết một lòng cùng đồng bào cả nước anh dũng chiến đấu chống kẻ thù xâm lược.
Bản thảo "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh (Ảnh: bqllang.gov.vn) |
70 năm trôi qua, bà Tôn Thị Đức, cán bộ lão thành cách mạng của Thành phố Hồ Chí Minh vẫn nhớ như in lúc bà mới 15 tuổi, đang theo học trường Tây tại Mỹ Tho (Tiền Giang) và đọc được lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ từ tờ báo Tổ quốc.
“Đọc lời kêu gọi của Bác Hồ trên báo Tổ Quốc của chiến khu 8, tôi thấy lời kêu gọi của Bác thật cảm kích, rồi chuyền tay chị em cùng nhau đọc, khoái chí lắm. Thế rồi ông anh đi kháng chiến trước”, bà Đức nhớ lại.
Theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người anh trai duy nhất trong nhà đi kháng chiến, rồi các chị, em bà cũng lần lượt bỏ các suất học bổng ở trường Tây (Mỹ Tho) và Gia Long (Sài Gòn) theo cách mạng. Không chỉ có gia đình bà mà cả Nam bộ, khí thế cách mạng đã sục sôi từ ngày 23/9/1945, đến thời điểm 19/12/1946 lại càng sục sôi hơn. Cả nhà bà Đức từ cha mẹ, anh, chị em và cả bà từng bị địch bắt, tra tấn, tù đày, nhưng vẫn kiên trung một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ.
Bà Đức bảo chính lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm thay đổi biết bao phận người, khiến ai cũng nung nấu lòng căm thù giặc cướp nước, hun đúc tinh thần yêu nước quật cường, không sợ hy sinh, không sợ gian khó, chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Còn với ông Nguyễn Văn Tòng, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa-Thông tin Thành phố Hồ Chí Minh, đảng viên 70 năm tuổi Đảng, ngay từ ngày Nam bộ kháng chiến, ông - một học sinh trung học Pháp, rời trường Tây theo cách mạng. Ông vào Đồng Tháp Mười, theo học lớp chính trị ngắn hạn để đào tạo chính trị viên, bắt đầu tiếp thu lý luận cách mạng đầu tiên của Đảng. Ngày Bác Hồ kêu goi Toàn quốc kháng chiến, nhiều học sinh học trường Tây cùng nhau tập hợp lại thành đội vũ trang tuyên truyền, dưới sự chỉ huy của các chiến sĩ cộng sản kêu gọi nhân dân đánh Pháp. Đồng bào thấy học sinh học trường Tây nhưng lại đi đánh Pháp cai trị nên rất cảm kích đi theo rất đông. Vũ khí mang theo đủ loại. Ai có gì dùng nấy, từ vật dụng thô sơ, như: cuốc, thuổng, dao, gậy tầm vông cho đến những cây súng lấy được từ các trận đánh với quân Pháp.
Ông Tòng kể: Hồi đó Nam bộ đã cầm súng đánh giặc rồi và đã có những trận thắng lớn kìm được chân Pháp, lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh lại một lần nữa truyền thêm sức mạnh cho quân và dân Nam bộ trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.
Ông Tòng nói: “Toàn quốc kháng chiến, lời kêu gọi của Bác Hồ tới từng người. Chúng tôi tiếp thu rất tốt, thấy nhiệm vụ của mình là tiếp tục phát huy kháng chiến ở Nam bộ và ráng đánh quân Pháp ở Nam bộ để kìm chân Pháp, không cho chúng đưa quân ra Hải Phòng, không cho chúng đưa quân ra Hà Hội”.
Tiến sĩ Sử học Ngô Chơn Tuệ, người nghiên cứu sâu về giai đoạn lịch sử này đã khẳng định: Nam bộ đã kháng chiến từ ngày 23/9/1945 bởi vì thực dân Pháp muốn cướp Nam bộ trước, từ đó tách Nam bộ ra khỏi Việt Nam theo chính sách chia để trị. Sau khi đặt lại ách thống trị ở Việt Nam, thực dân Pháp sẽ chia Việt Nam thành 3 kỳ để cai trị như trước chiến tranh. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Bác Hồ đã biết rõ dã tâm của thực dân Pháp. Vì vậy, cả nước cùng chung sức với nhân dân Nam bộ kháng chiến chống kẻ thù xâm lược. Những người con miền Bắc lúc ấy đã được gửi vào Nam chiến đấu. Các nhà sư đã cởi áo cà sa, khoác chiến bào vào Nam quyết tâm tiêu diệt kẻ thù. Việt kiều ở Campuchia, Lào, Thái Lan đã gửi con em về Nam sát cánh với đồng bào Nam bộ. Không thể nhân nhượng mãi với kẻ thù, cả nước đứng lên, ngày 19/12/1946, đồng bào Nam bộ đã cùng chung ý chí quyết tâm: “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Tiến sĩ Ngô Chơn Tuệ đánh giá: “Lời kêu gọi của Bác Hồ đã tiếp thêm sức mạnh cho nhân dân Nam bộ. Đây là một sức mạnh không gì bằng. Toàn dân tộc Việt Nam đã quyết đem tinh thần, tính mạng và tài sản để bảo vệ nền độc lập, thống nhất của Tổ quốc. Nhân dân Việt Nam quá hiểu giá trị của độc lập và thống nhất sau hơn tám mươi năm dài nô lệ. Sức mạnh của toàn dân tộc đã nhân gấp lên vạn lần”.
Ngày Toàn quốc kháng chiến và lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở đầu cho cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược của toàn dân tộc. 70 năm trôi qua, phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc, ý chí cách mạng, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đồng bào Nam bộ và toàn dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng tiếp tục vững bước trên con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội, con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn./.