Dồn dập thiên tai và sự cố - nông nghiệp vẫn tạo dấu ấn khởi sắc
Năm 2016, ngành nông nghiệp trải qua nhiều khó khăn, chịu thiệt hại nặng nề do diễn biến bất thường của thiên tai, thời tiết và sự cố môi trường biển. Song với sự nỗ lực, cố gắng của toàn ngành, các địa phương và người dân nên những chỉ tiêu tổng thể của ngành này đã được cải thiện một cách tích cực.
“Kỷ lục” xuất khẩu nông lâm thủy sản
Số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê cho thấy, tốc độ tăng GDP toàn ngành nông nghiệp năm 2016 đạt khoảng 1,2%; giá trị sản xuất tăng 1,44%. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản cả năm ước đạt 32,1 tỷ USD, tăng 1,7 tỷ USD so với năm 2015; thặng dư thương mại đạt khoảng 7,5 tỷ USD.
Mở rộng diện tích nuôi đã đưa kim ngạch xuất khẩu tôm cả năm 2016 ước đạt 3,2 tỷ USD. (Ảnh minh họa: KT) |
Đáng chú ý là nhờ có những giải pháp chủ động, sáng tạo và quyết liệt trong khôi phục hậu quả thiên tai, thúc đẩy sản xuất – kinh doanh những mặt hàng có lợi thế thị trường, cạnh tranh như rau quả, tôm, chăn nuôi... nên kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản có sự gia tăng mạnh.
Ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong 6 tháng đầu năm, sản lượng tôm chưa đạt 200.000 tấn. Tuy vậy, từ tháng 6 trở đi, ngành thủy sản đã tập trung đẩy mạnh việc thả nuôi tôm thẻ chân trắng và tôm sú, diện tích thả nuôi được mở rộng lên 700.000 ha.
“Việc mở rộng diện tích thả nuôi đã khiến sản lượng tôm tăng vọt, đạt 650.000 tấn trong 6 tháng cuối năm. Nhờ đó, xuất khẩu tôm cả năm nay ước đạt 3,2 tỷ USD. Cá tra cũng khởi sắc nhờ giá và đạt giá trị xuất khẩu trên 1,7 tỷ USD. Tính chung toàn ngành thủy sản xuất khẩu đạt khoảng 7 tỷ USD”, ông Luân cho hay.
Trong khi đó, chăn nuôi cũng được coi là ngành có sự “bùng nổ” trong năm nay với tổng đàn lợn tăng lên 29,1 triệu con, đàn gia cầm tăng lên 364,5 triệu con. Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) - ông Hoàng Thanh Vân cho biết, trong năm vừa qua, nước ta đã xuất khẩu được 600.000 tấn lợn hơi sang Trung Quốc với giá trị hơn 1 tỷ USD.
“Tuy nhiên việc xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi vẫn chưa bền vững do chủ yếu thực hiện xuất khẩu qua con đường tiểu ngạch. Nếu làm căn cơ, riêng ngành chăn nuôi có thể đảm bảo xuất khẩu tới 2 triệu tấn lợn sang thị trường Trung Quốc”, ông Vân khẳng định.
Đặc biệt là năm 2016 đã đánh dấu sự phát triển vượt bậc trong xuất khẩu rau quả. Lần đầu tiên xuất khẩu rau quả “vượt qua mặt hàng gạo“ khi kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt 2,4 tỷ USD, tăng 31,2% so với năm 2015.
Ngoài ra, nhiều mặt hàng cũng có kim ngạch tăng cao như cà phê tăng 25,5%, hạt điều tăng 18,3%, hạt tiêu tăng 12,7% đã giúp ngành nông nghiệp tiếp tục duy trì được 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1,0 tỷ USD trở lên.
An toàn thực phẩm là ưu tiên hàng đầu
Theo Bộ NN&PTNT, lĩnh vực đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là ưu tiên hàng đầu hiện nay. Tính đến nay, cả nước đã xây dựng được 4.000 chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn. Trong đó, đã phối hợp chặt chẽ với UBND TP Hà Nội và TP HCM tiếp tục triển khai chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn.
Khẳng định về điều này, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho biết, trong năm 2016, riêng công tác truyền thông đã cân bằng được thông tin giữa các cơ sở sản xuất sạch và những cơ sở vi phạm. Điển hình như năm 2016, Bộ NN&PTNT đã phối hợp triển khai chương trình truyền thông Địa chỉ xanh- Nông sản sạch tạo được sự lan tỏa rất tốt.
Ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT thông tin, trong năm vừa qua, lực lượng thanh tra chuyên ngành đã xử lý vi phạm được số tiền là 6 tỷ đồng liên quan đến lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm.
“Cái được lớn nhất của năm vừa qua là đã đẩy lùi được chất cấm Salbutamol và Vàng Ô. Tới đây chúng tôi cũng tham mưu để đưa chất Cystemine vào danh mục chất cấm”, ông Việt cho biết.
Với những kết quả khả quan trong nhiều lĩnh vực, ngành nông nghiệp trong cả năm 2016 vẫn đạt mức tăng trưởng, góp phần vào tăng trưởng chung của cả nước, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và đảm bảo an sinh xã hội của đất nước.
Để khắc phục những bất cập còn tồn tại, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám đề nghị, cần tìm cách đàm phán để xuất khẩu chính ngạch đối với sản phẩm chăn nuôi sang thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, cũng phải tìm cách giảm giá thành chăn nuôi, nếu không sẽ mất thị trường do giá quá cao.
Đối với vấn đề an toàn thực phẩm, ông Tám cho rằng, cần phải có chiến lược hoặc chương trình giám sát liên quan đến vật tư đưa vào nông nghiệp, đồng thời giảm dư lượng kháng sinh với tôm, hướng dẫn cho thân thiện môi trường./.
Trong bối cảnh những khó khăn thách thức được dự báo vẫn chưa giảm hơn so với năm 2016, năm 2017 ngành nông nghiệp hướng đến mục tiêu tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản đạt 2,5-2,8%; Tốc độ tăng giá trị sản xuất của ngành đạt 2,8-3,1%; Kim ngạch xuất khẩu đạt 31,5 tỷ USD; Tỷ lệ che phủ rừng 41,45% và tỷ lệ xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới lên tới 28-30%./.