Đội tuyển Việt Nam còn nguyên nhược điểm từ AFF Cup 2016
Đầu tiên phải nói rằng Afghanistan không phải là đội mạnh, nếu không muốn nói rằng họ chơi bóng khá nghiệp dư. Sự nghiệp dư của đội bóng vùng Trung Á được thể hiện qua cách họ liên tục phạm lỗi với cầu thủ Việt Nam ngay trước khu vực 16m50 của họ.
Đây là điều tối kỵ trong bóng đá hiện đại, bởi các pha phạm lỗi ở khu vực nêu trên chắc chắn sẽ gây nguy hiểm cực lớn đến khung thành của đội nhà, ngược lại sẽ mở ra cơ hội ghi bàn cho đối phương.
Bằng chứng là đội tuyển Việt Nam có bàn thắng duy nhất của mình trong trận từ một tình huống như thế: Khai thác việc Afghanistan phạm lỗi trước vùng cấm địa.
Lối chơi của đội tuyển Việt Nam trước Afghanistan không đa dạng (ảnh: N.Đ) |
Tuy nhiên, hiệu suất khai thác các tình huống dạng trên của đội tuyển Việt Nam nhìn chung vẫn còn thấp, chỉ ghi được 1 bàn trong khoảng nửa tá pha đá phạt xung quanh khu vực 16m50 của đối phương. Đấy cũng là điểm yếu nói chung trong việc tận dụng cơ hội của đội tuyển Việt Nam lâu nay.
Một số điểm yếu khác cũng chưa được khắc phục, dù từng bộc lộ ở AFF Cup 2016, và chúng ta đã có nguyên bài học thất bại từ giải đấu ấy.
Đầu tiên là sự yếu kém trong tranh chấp bóng bổng, cả trong tấn công lẫn phòng ngự. Bàn thua của đội tuyển Việt Nam đến từ một pha phá bóng không tốt trong tình huống không chiến trước Afghanistan: Hậu vệ phá bóng ra đúng ngay tầm sút của đối phương.
Mà không chỉ trong phòng ngự bóng bổng, trong tấn công bóng bổng, đội tuyển của HLV Nguyễn Hữu Thắng cũng gần như bế tắc.
Hàng tiền đạo quá nhỏ con cũng khiến đội tuyển Việt Nam gần như vô hại trong các pha bóng bổng (ảnh: N.Đ) |
Đúng là thể hình của các cầu thủ Việt Nam kém hơn đối thủ, nhưng thời HLV Miura, đội tuyển Việt Nam không kém đến mức như thế. Thời HLV Miura, đội tuyển Việt Nam cũng đá nhiều trận với các đội bóng Tây Á, Đông Á và Trung Á, như Iran, Kyrgyzstan, Nhật Bản, CHDCND Triều Tiên, nhưng bóng bổng không phải là nỗi ám ảnh của đội tuyển Việt Nam lúc đó.
Thật ra thì bóng đá nội cũng khan hiếm trung vệ và trung phong có thể hình để đảm bảo việc tranh chấp bóng tầm cao, nhưng tiếc là họ không được gọi vào đội tuyển hiện nay, khiến cho đội tuyển càng bất lợi về thể hình.
Bên cạnh đó, việc chơi bóng tầm cao có được cải thiện hay không còn phụ thuộc vào việc tập luyện và làm quen của các đội bóng xung quanh những pha bóng như thế này (ví dụ như khi đối phương thực hiện các tình huống đá phạt, hậu vệ phải kèm người ra sao? Khi đối phương chuẩn bị tạt bóng bổng, hậu vệ biên phải áp sát như thế nào để các quả tạt của đối thủ bớt chuẩn xác?) Riêng sự thể hiện của đội tuyển Việt Nam ở trên sân cho thấy họ không quen chơi bóng bổng.
Điểm yếu khác chính là lối chơi của đội tuyển Việt Nam không đa dạng. Trước Afghanistan, đội tuyển hầu như chỉ đá nhỏ, bó hẳn vào trung lộ, mà thiếu đi các phương án phụ.
Đá nhỏ là phù hợp, nhưng quá rập khuôn, mà thiếu các đường chuyền chuyển hướng tấn công, thiếu những pha đảo cánh đột ngột thì tính đột biến chắc chắn mất đi.
Bên cạnh đó, do thiếu luôn các phương án dứt điểm từ xa, nên đội tuyển coi như cũng “chấp” luôn đối phương thêm một phương án tấn công khác, sau khi đã “chấp” các tình huống giãn biên và lật cánh đánh đầu.
Đội tuyển Việt Nam thất bại tại AFF Cup 2016 vì không đa dạng cả về lối chơi lẫn con người. Giờ, sau vài tháng, sự rập khuôn đấy lại lặp lại trong cách chơi của chính đoàn quân trong tay HLV Nguyễn Hữu Thắng!
Kim Điền