“Đội tuyển Việt Nam chỉ đáng khen về tinh thần, còn chuyên môn thì không”
Ông đánh giá đội tuyển Việt Nam trong trận đấu này như thế nào, thưa ông?
Đầu tiên, phải nói là các cầu thủ rất ngoan cường. Trong cuộc đời mấy chục năm theo dõi bóng đá của tôi, đây có lẽ là một trong những trận đấu lạ lùng nhất lịch sử mà tôi được xem. Nó lạ lùng ở chỗ 1 đội bóng bị thiếu 1 người, phải dùng hậu vệ làm thủ môn bất đắc dĩ lại ghi liên tiếp 2 bàn thắng, thắng ngược đối phương 2-1 (chỉ tính trong 90 phút chính thức).
Nhưng đấy là về mặt tinh thần, còn về cách chơi, chúng ta lại có quá nhiều pha xử lý thiếu kinh nghiệm, yếu bản lĩnh. Tôi cho rằng đội tuyển Việt Nam sẽ không đến nỗi phải thua nếu các cầu thủ tỉnh táo hơn, biết chọn cách xử lý tinh tế hơn.
Vậy thì những sai lầm trong phòng ngự là do tâm lý hay do kỹ thuật của cầu thủ?
Đội tuyển Việt Nam bất ngờ ghi 2 bàn sau khi chơi thiếu người... |
Theo tôi chủ yếu là do tâm lý. Tâm lý chúng ta quá yếu, bản lĩnh cũng vậy. Điều này xuất phát từ việc chúng ta thiếu va chạm đích thực trong các trận giao hữu trước giải. Hầu hết các đội bóng mà đội tuyển Việt Nam đá giao hữu trước AFF Cup đều ở tầm thấp, hoặc các đội bóng trẻ. Chuyến tập huấn tại Hàn Quốc cũng không đủ chất lượng.
Ngược lại, các đội bóng vào sâu ở giải này, như Indonesia và đặc biệt là Thái Lan đều có những trận giao hữu với các đội tượng mạnh hơn. Nhất là Thái Lan, họ chuẩn bị cho giải bằng các trận đấu với những CLB mạnh từ châu Âu, hoặc những trận trong khuôn khổ vòng loại World Cup có chất lượng rất cao. Với đội tuyển Việt Nam, trong suốt quá trình đá giao hữu trước giải, thật ra chỉ có trận đấu với CHDCND Triều Tiên là đối tượng có tên tuổi. Tuy nhiên, ngay cả CHDCND Triều Tiên lúc đó cũng có vấn đề về chất lượng.
Có một đặc điểm ở trận bán kết lượt về, đó là khi không có gì để mất, đội tuyển lại chơi khá bốc, nhưng đến lúc có cái để mất rồi, đội lại đá không hay, theo ông do đâu?
Khi không còn gì để mất, gì dựa vào thế chân thường, đội tuyển đá với tâm lý kiểu người vượt khó, tức là bất chấp mọi trở ngại, để vươn tới đích. Nhưng lúc chạm đích rồi thì lại có điều để mà mất, thế là lại quay về với những yếu kém như cũ, nhất là yếu về tâm lý và yếu trong khả năng xử lý tình huống.
... nhưng nhìn chung, lối chơi của đội vẫn khá bế tắc |
Còn về Indonesia thì sao, họ thi đấu như thế nào trong trận lượt về?
Theo tôi, Indonesia cũng gây thất vọng trong trận lượt về. Tôi cũng khá khó hiểu cách bày binh bố trận của ông Riedl. Tôi không rõ ông ấy chỉ đạo như thế nào mà các cầu thủ Indonesia đá như người mất hồn, còn lối chơi thì không rõ ràng. Lượt đi họ dũng mãnh bao nhiều thì lượt về họ uể oải bấy nhiêu.
Có lẽ Indonesia mà chúng ta vừa chứng kiến là một trong những đội bóng hiếm hoi trên thế giới chơi hơn người, khung thành của đối phương lại không còn người chuyên trách trấn giữ, mà lại không thể hiện được ưu thế về người, ưu thế về việc khai thác điểm yếu trong khung thành đối thủ. Như tôi đã nói, nếu đội tuyển Việt Nam tỉnh táo nhận ra các nhược điểm của Indonesia thì chúng ta không đến nỗi thua trận này.
Có nghĩa là đội tuyển Việt Nam cũng gây thất vọng về chuyên môn?
Thất vọng hay không thất vọng, lối chơi hợp lý hay không hợp lý, việc sử dụng nhân sự ở đội tuyển có đúng hay không đúng thì kết quả cũng đã rồi, và chúng ta phải chấp nhận chuyện cần phải thay đổi trong thời gian tới, để đội tuyển được tốt hơn.
Qua 2 lượt trận bán kết với Indonesia, rõ ràng đội tuyển Việt Nam gặp trục trặc trong khâu vận hành lối chơi, về khả năng tập trung và cả về mặt thể lực. Tôi nhắc lại chuyện HLV Riedl của Indonesia mắc rất nhiều sai lầm ở trận lượt về, thật sự họ chỉ chơi đúng với tư thế của đội hơn người trong hiệp phụ, còn trong 2 hiệp chính, họ đá rất rối, nhưng đội tuyển Việt Nam vẫn thua chung cuộc.
Xin cảm ơn ông!