Đội tuyển Nhật Bản: Thực dụng của Mourinho, sắc sảo của Zidane
“Thật khó tin là đội bóng ở đẳng cấp cao như Nhật Bản lại chịu lép vế như vậy ở trận gặp Saudi Arabia. Trước đây, ngay cả khi đối đầu với Bỉ, họ cũng chưa bao giờ kiểm soát bóng ít đến như thế” - tờ Sohu của Trung Quốc đã lên tiếng chê bai lối chơi của đội tuyển xứ Mặt trời mọc.
Nhật Bản chỉ kiểm soát 23,7% trận đấu với Saudi Arabia nhưng vẫn chiến thắng |
Nhưng có một điều quan trọng nhất là đội tuyển Nhật Bản mới là người chiến thắng trước Saudi Arabia. Thậm chí, đại diện Tây Á (được xếp vào nhóm 5 đội mạnh nhất châu Á) không có nổi cơ hội đáng chú ý ở trận đấu vừa qua.
Ở World Cup 2018, đội tuyển Nhật Bản dưới thời HLV Akira Nishino đã chơi tấn công đẹp mắt. Ở góc độ nào đó, họ tấn công tới mức ngây thơ, khi vẫn dồn lên ngay cả khi dẫn trước Bỉ với tỷ số 2-0. Tuy nhiên, tới thời HLV Moriyasu Hajime, Nhật Bản lại trở thành đội bóng thực dụng tới tàn nhẫn.
Như ở trận gặp Saudi Arabia, đội bóng này chỉ kiểm soát bóng 23,7%. Tỷ lệ ấy chẳng khác gì CLB “tí hon” đối đầu với người khổng lồ. Trước đó, Nhật Bản cũng thể hiện lối chơi tương tự trong trận đấu với Uzbekistan ở vòng bảng (cầm bóng 43%).
Thực tế, nhắc đến HLV Moriyasu Hajime thì cần nói về đội Olympic Nhật Bản ở Asiad 2018 vừa qua. Khi ấy, vị chiến lược gia này đã cầm đội U21 Nhật Bản (không có thành viên nào dự Asian Cup 2019) thẳng tiến tới trận chung kết và chỉ chấp nhận thua Olympic Hàn Quốc sau 120 phút thi đấu. Nên nhớ, Olympic Hàn Quốc là tập thể rất mạnh với Son Heung Min, Hwang Hee Chan, Hwang Ui Jo hay Lee Seung Woo.
Lối chơi của Olympic Nhật Bản chẳng khác gì đội tuyển Nhật Bản ở thời điểm này. Có nghĩa rằng, họ chủ động nhường quyền kiểm soát bóng cho đối thủ và chơi phòng ngự. Đây là lối chơi khiến nhiều người gợi nhớ tới HLV Mourinho. Nó thực sự đáng sợ trong thời kỳ đỉnh cao của “Người đặc biệt”, khi ông tìm được nhân tố tốt nhất phục vụ lối chơi của mình.
Bản thân HLV Moriyasu Hajime đang có được điều đó. Ông sở hữu trong tay những hậu vệ đẳng cấp châu Âu như Takehiro Tomiyasu (Sint-Truiden), Maya Yoshida (Southampton), Yuto Nagatomo (Galatasaray) hay Hiroki Sakai (Marseille). Án ngữ ngay tuyến trên hàng thủ này là cặp tiền vệ trung tâm Wataru Endo và Gaku Shibasaki, những người tranh chấp tốt và điều phối bóng tuyệt vời.
Trong khi đó, những cầu thủ ở tuyến trên như Genki Haraguchi, Ritsu Doan hay Yoshinori Muto (hoặc Yuya Osako) đều là những cầu thủ có tốc độ và kỹ thuật cực tốt. Tương tự, những cầu thủ dự bị như Junya Ito, Takashi Inui (ngôi sao sáng ở World Cup 2018) cũng có phẩm chất tương đồng.
Nhật Bản đang có sự kết hợp giữa lối chơi thực dụng của HLV Mourinho và sự sắc sảo của HLV Zidane |
Để ý thấy, ở giải đấu năm nay, không có đội bóng này chuyển trạng thái từ phòng ngự sang tấn công (và ngược lại) nhanh như đội tuyển Nhật Bản. Việc sở hữu chân chuyền tốt và những cầu thủ tốc độ, khiến Nhật Bản luôn đáng sợ khi thay đổi trạng thái. Saudi Arabia đã không ít lần lâm vào tình thế khó, trước những pha phản công thần tốc của Nhật Bản.
Việc sở hữu nhiều cầu thủ thi đấu ở đẳng cấp cao châu Âu cho phép Nhật Bản sử dụng lối chơi như vậy, mà không gặp bất kỳ trở ngại nào. Đội bóng của HLV Moriyasu Hajime có thể kiểm soát bóng ít hơn nhưng không có nghĩa là họ chịu trận một cách lép vế.
Không quá khi nói rằng đội tuyển Nhật Bản sắc sảo như Real Madrid dưới thời Zidane hay đội tuyển Pháp thời Deschamps (nếu đưa về cùng hệ quy chiếu giữa châu Âu và châu Á). Không phải trận đấu nào, họ cũng thi đấu xuất sắc nhưng gần như đó là những tập thể rất khó bị đánh bại.
Đôi khi Nhật Bản chỉ cần đúng 1 tình huống cố định để tạo nên sự khác biệt như trận gặp Saudi Arabia. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng họ không biết tấn công. Còn nhớ, ở trận gặp Uzbeksitan, chỉ sau 3 phút dồn lên, Nhật Bản đã có bàn thắng gỡ hòa. Tương tự là trận gặp Turkmenistan, sau khi bị dẫn trước ở hiệp 1, đội bóng này đã ghi liên tiếp 3 bàn đầu hiệp 2.
Yếu tố giúp Real Madrid và đội tuyển Pháp thành công chính là việc họ luôn kiểm soát được tình hình, ngay cả khi lép vế. Sau đó, họ chỉ cần khoảnh khắc lơi lỏng của đối thủ để tung ra đòn trừng phạt. Nhật Bản chính là hiện thân của hai đội bóng này ở cấp độ châu Á.
Rõ ràng, không phải thấy Nhật Bản chơi phòng ngự để nói rằng họ không nguy hiểm. Cũng như không thể nhìn thấy sư tử già trụi lông mà coi thường. Đôi khi, ở trạng thái “yếu đuối” nhất chính là lúc mà họ đáng sợ nhất.
Đội tuyển Việt Nam cần thực sự cẩn trọng nếu không sẽ “mắc bẫy” của Nhật Bản, đội bóng được cho là đáng sợ nhất ở Asian Cup 2019.