Đổi mới, ứng dụng Khoa học và công nghệ - đòn bẩy để doanh nghiệp phát triển bền vững
Việc sản xuất vật liệu không nung thay thế gạch đất sét nung là chủ trương đúng đắn của Chính phủ và cũng là xu hướng tất yếu của xây dựng trong tương lai. Nắm bắt được xu hướng đó, Nhà máy xi măng Lưu Xá đã mạnh dạn đầu tư và đề xuất được hỗ trợ trong việc phát triển sản xuất gạch không nung tại đơn vị. Hiện nhà máy đang sở hữu dây chuyền sản xuất gạch không nung hiện đại nhất trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, với công suất thiết kế 40 triệu viên gạch/năm. Đơn vị đã sản xuất được khoảng 7 triệu viên gạch không nung bán ra thị trường.
Dây chuyền sản xuất gạch không nung tại Nhà máy xi măng Lưu Xá |
Với tổng vốn đầu tư khoảng 15 tỷ đồng, dây chuyền sản xuất gạch không nung tự động của nhà máy được lắp đặt đồng bộ, hiện đại đã tiết kiệm chi phí và thời gian sản xuất cũng như nhân công lao động mà chất lượng sản phẩm vẫn được đảm bảo với hiệu quả kinh tế cao. Ông Nguyễn Trung Cẩn, Phó Giám đốc Nhà máy cho biết: “Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất là 1 trong những vấn đề được nhà máy xi măng Lưu Xá đặc biệt quan tâm, chú trọng. Hiện nhà máy đã nhận chuyển giao hoàn thiện công nghệ của dây chuyền sản xuất gạch không nung, đảm bảo sản xuất ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn ISO 6477:2011. Bên cạnh đó, nhà máy cũng có 1 phòng thí nghiệm, kiểm định chất lượng, đảm bảo đưa đến tay người tiêu dùng những sản phẩm hoàn thiện và tốt nhất”. Với sự đầu tư này, sản phẩm gạch không nung của Nhà máy xi măng Lưu Xá đã được nhiều đơn vị, cá nhân tin dùng, tạo hiệu quả kinh doanh cao cho đơn vị.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, kinh doanh để phát triển, đó không chỉ là mục tiêu của Nhà máy xi măng Lưu Xá mà còn của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện nay. Bên cạnh mở rộng sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả kinh tế thì danh hiệu doanh nghiệp khoa học công nghệ luôn là đích hướng tới của các doanh nghiệp, nhất là khi Thái Nguyên mới chỉ có 3 doanh nghiệp khoa học công nghệ. Tuy nhiên để đạt được mục tiêu này, các doanh nghiệp cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn. Chia sẻ về những khó khăn này, Tiến sỹ Trần Đức Hạnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn BMG cho biết: “Công ty đã gặp nhiều khó khăn trong vấn đề tiếp cận công nghệ và phần lớn phải tự tìm tòi để hoàn thiện các thủ tục cũng như chuyển giao khoa học công nghệ mới vào ứng dụng trong sản xuất”.
Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp Hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên |
Còn với ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp Hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên thì chia sẻ: “Doanh nghiệp và bà con nông dân Thái Nguyên luôn khát khao được tiếp cận với khoa học công nghệ mới. Bên cạnh sự chủ động của họ trong nghiên cứu và tự tìm cách tiếp cận, ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất, thì UBND tỉnh và Sở Khoa học và Công nghệ cần tăng cường thông tin, tuyên truyền để các doanh nghiệp và bà con nông dân dễ dàng hơn trong việc tiếp cận khoa học công nghệ mới. Từ đó mới tạo ra các sản phẩm có chất lượng tốt, mở rộng sản xuất kinh doanh."
Một tín hiệu vui cho các doanh nghiệp đó là hiện nay nhiều nhà đầu tư cũng có nhu cầu chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp Thái Nguyên nói riêng. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để các doanh nghiệp trong nước có điều kiện tiếp cận dễ dàng hơn với công nghệ hiện đại trên thế giới. “Chúng tôi rất mong muốn hợp tác để cùng phát triển. Đây là 1 việc tốt bởi vậy chúng tôi sẵn sàng chuyển giao công nghệ hoặc triển khai hoạt động nghiên cứu theo nhu cầu của các doanh nghiệp”…. ông Kim Jee Hyo, Công ty Omnisystem, một doanh nghiệp Hàn Quốc đang có dự án đầu tư tại Thái Nguyên cho biết. Tuy nhiên cũng đặt ra yêu cầu đối với các doanh nghiệp trong nước đó là sự chủ động, sáng tạo trong chuyển giao, ứng dụng công nghệ vào thực tế làm sao đạt hiệu quả tốt nhất.
Theo thống kê của sở Khoa học và Công nghệ, từ năm 2011 đến nay, Thái Nguyên đã hỗ trợ hơn 200 đề tài, dự án để chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất cho các đơn vị. Đó vẫn là những con số khiêm tốn so với nhu cầu thực tế…Chính vì vậy bên cạnh sự nỗ lực của các doanh nghiệp, tỉnh Thái Nguyên đang đẩy mạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp “Kết nối ứng dụng, đổi mới, phát triển công nghệ - chủ động hội nhập và phát triển bền vững”. Đây cũng là chủ đề của Sự kiện trình diễn và kết nối cung – cầu công nghệ đang được tỉnh tích cực chuẩn bị và sắp diễn ra trên địa bàn thành phố Thái Nguyên. Sự kiện này sẽ là cơ hội thuận lợi giúp các doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất, là đòn bẩy để doanh nghiệp phát triển bền vững ./.