Đổi mới gấp gáp, giáo viên lo lắng
Hiệu trưởng một trường THPT đóng tại quận Cầu Giấy, Hà Nội khẳng định nếu không chuẩn bị tốt về đội ngũ giáo viên, không thể nói đến sự thành công của chương trình phổ thông tổng thể mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) kỳ vọng.
Chưa hình dung được phải làm gì
Thế nhưng, các giáo viên hiện vẫn rất mơ hồ với sự đổi mới này. “Qua trao đổi, tôi cảm giác các giáo viên vẫn chưa hình dung ra được những yêu cầu của chương trình mới. Trên thực tế, chương trình mới nhưng con người cũ, cách làm cũ thì chương trình sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nếu không muốn nói là sẽ thất bại” - hiệu trưởng này thẳng thắn. Vị này cũng cho rằng với những yêu cầu mới mà dự thảo đưa ra chắc chắn cán bộ quản lý cũng như giáo viên đều vất vả hơn. Bên cạnh đó, cán bộ quản lý thì phải điều hành, tính toán thời gian hợp lý cho học hai buổi; ngoài ra còn phải sắp xếp thời khóa biểu, ngày giờ giảng dạy của giáo viên cho công bằng, hợp lý. Giáo viên thì phải đổi mới cả về phương pháp cũng như trau dồi kiến thức để đáp ứng được yêu cầu mới.
Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các địa phương chủ động đặt hàng các cơ sở đào tạo giáo viên đáp ứng nhu cầu đổi mới. Trong ảnh: Sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP HCM trong giờ học. (Ảnh: Tấn Thạnh) |
Theo dự kiến, năm học 2018-2019 sẽ triển khai chương trình mới nhưng đến thời điểm này, giáo viên vẫn chưa có thông tin cụ thể gì. Đó là chưa kể đến việc các trường ĐH, CĐ sư phạm đáng lẽ phải “đi trước một bước”, vận hành chương trình mới từ 3-4 năm về trước để kịp thời đào tạo ra đội ngũ cán bộ giảng dạy theo cách mới nhưng đến nay vẫn giẫm chân tại chỗ.
Nhiều giáo viên còn bày tỏ sự lo lắng vì chương trình mới có môn “Hoạt động trải nghiệm sáng tạo” nhưng đến giờ, giáo viên vẫn chưa hình dung được môn học này như thế nào. Băn khoăn lớn nhất của nhiều giáo viên là không biết Bộ GD-ĐT đã xây dựng xong chương trình khung chưa? Bao giờ sách giáo khoa đến tay giáo viên để được tập huấn rồi giảng dạy cho học sinh như tiến độ đặt ra?
Cân đối lại đội ngũ
Trao đổi với phóng viên về những lo lắng về khả năng tập huấn, bồi dưỡng giáo viên và chuẩn bị cơ sở vật chất để triển khai chương trình mới từ đầu năm học 2018 - 2019, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên Chương trình phổ thông tổng thể, thừa nhận đây là những lo lắng rất có cơ sở. Tiếp thu ý kiến của các chuyên gia và nhân dân, ban phát triển chương trình kiến nghị Bộ GD-ĐT triển khai chương trình mới theo từng bước. Cụ thể, trong năm học 2018- 2019, cho triển khai đại trà chương trình mới ở lớp 1; thực nghiệm ở lớp 2, lớp 6 và lớp 10.
Trong năm học tiếp theo, triển khai đại trà ở lớp 2 và lớp 6, dạy thực nghiệm lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Năm thứ ba, triển khai đại trà ở lớp 3, lớp 7, lớp 10... Đến năm học 2022-2023, chương trình mới sẽ được dạy ở tất cả các lớp. Như vậy, theo GS Thuyết, các địa phương sẽ có đủ thời gian để chuẩn bị giáo viên, trang thiết bị dạy học và cơ sở vật chất để từng bước đáp ứng yêu cầu của chương trình mới.
Cũng liên quan đến đào tạo giáo viên, ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, cho biết hiện bộ đang thực hiện quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ sư phạm một cách hợp lý, bảo đảm cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương với các trường khu vực, các trường sư phạm trọng điểm. Đồng thời tổ chức thực hiện tốt quy hoạch, các cơ sở bồi dưỡng nhà giáo phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn tới.
Trên cơ sở dự báo về nhu cầu giáo viên và căn cứ vào chương trình giáo dục phổ thông mới, bộ sẽ cân đối lại chỉ tiêu tuyển sinh, tăng chỉ tiêu đào tạo các loại hình giáo viên còn thiếu, bảo đảm đủ giáo viên cho các môn học: ngoại ngữ, âm nhạc, mỹ thuật, thể dục, nghệ thuật, công nghệ, tin học, giáo dục quốc phòng, giáo dục công dân… tạo sự cân đối trong cơ cấu đội ngũ giáo viên các cấp bậc học.
Ông Minh cũng nhấn mạnh các địa phương cần chủ động và chịu trách nhiệm cụ thể hóa các chương trình, kế hoạch của bộ trong việc triển khai thực hiện các công việc liên quan, lưu ý bố trí giáo viên đủ và đúng đối tượng để đi bồi dưỡng cũng như đào tạo lại đáp ứng yêu cầu chương trình phổ thông mới theo lộ trình quy định. Các địa phương cũng cần chủ động phối hợp, liên kết với các cơ sở đào tạo giáo viên trên địa bàn cũng như các cơ sở khác ngoài địa bàn để đặt hàng đào tạo đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu về số lượng, cơ cấu, chất lượng theo yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông của địa phương.
Tiếp thu để giảm tải GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng số lượng môn học mới không nhiều hơn các nước tiên tiến. Chương trình tổng chỉ là bộ khung; để đánh giá mức độ nặng nhẹ của chương trình, cần phải có đề cương cụ thể của các môn học. Tuy nhiên, GS Thuyết khẳng định tiếp thu ý kiến phê bình, ban phát triển chương trình dự kiến báo cáo Hội đồng Thẩm định quốc gia không tổ chức dạy môn thế giới công nghệ ở các lớp 1, 2; chỉ bắt đầu dạy tin học và tìm hiểu công nghệ từ lớp 3. Điều này cũng nhằm giảm áp lực phải trang bị phòng máy tính cho các trường tiểu học ngay từ năm đầu tiên triển khai chương trình mới. Số giờ học ở các lớp 8, 9, 10 cũng sẽ được nghiên cứu để giảm xuống dưới 30 tiết/tuần. |