Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông: Lý tưởng nhưng khó khả thi
Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể với rất nhiều điểm mới từ khái niệm cho đến nội dung. Đa phần các chuyên gia giáo dục, đại diện các trường đều tỏ ra phấn khởi với mô hình đổi mới này. Thế nhưng, không ít người vẫn hoài nghi về tính khả thi của chương trình đổi mới.
Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể có rất nhiều điểm mới so với chương trình hiện hành. Theo đó, từ bậc tiểu học đến trung học phổ thông, nhiều môn học mới xuất hiện, nhiều chuẩn đánh giá mới được đưa ra dựa theo 6 phẩm chất cần có và 10 năng lực cốt lõi của học sinh.
Giao quyền xét tốt nghiệp cho các trường trung học phổ thông là điểm mới đặc biệt trong dự thảo chương trình. Theo nội dung dự thảo, việc xét tốt nghiệp sẽ phụ thuộc vào đánh giá định kỳ do trường trung học phổ thông tổ chức thực hiện. Học sinh sau khi hoàn thành các môn học, tích lũy đủ kết quả đánh giá theo quy định của Bộ GD-ĐT sẽ được cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông chứ không phải thi như hiện nay.
Thạc sĩ Hồ Sỹ Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Mầm non và Phổ thông, Trường Đại học Sư phạm TP HCM rất đồng tình với điểm đổi mới này của dự thảo.
“Điều này đúng với xu hướng giao quyền quản lý chất lượng và chịu trách nhiệm về chất lượng cho các trường trung học phổ thông. Muốn làm được điều này đòi hỏi các trường, đặc biệt là cán bộ quản lý phải hiểu về công tác quản lý chất lượng. Làm được điều này mới đảm bảo được khâu xét tốt nghiệp. Nếu không, chúng ta không thể tin tưởng vào chất lượng đánh giá thông qua một vài kỳ thi”- Thạc sĩ Hồ Sỹ Anh nói.
Thạc sĩ Hồ Sỹ Anh cho rằng, việc quản lý, kiểm soát chất lượng giáo dục phải thực hiện theo đúng quy trình và cần được đảm bảo, cải tiến liên tục chứ không theo phong trào.
Trong khi đó, bà Võ Ngọc Thu, nguyên Trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo quận 5 lại quan tâm đến vấn đề phân luồng học sinh trong chương trình mới. Theo bà Thu, công tác phân luồng cần được quan tâm nhiều hơn trong quá trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Nếu cần, có thể phân luồng từ bậc tiểu học như cách mà nhiều nền giáo dục tiên tiến đã áp dụng thành công. Làm được vậy sẽ hạn chế thấp nhất tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” hiện nay cũng như tạo được lòng tin trong phụ huynh, học sinh.
“Phân luồng ở đây có nghĩa là định hướng cho học sinh về nghề nghiệp, về nghiên cứu. Từ chỗ định hướng đó, khi lên tới bậc trung học cơ sở, các em học sinh sẽ tự tin chọn được ngành nghề hợp với sở thích bản thân. Khi chọn được ngành nghề hợp với sở thích rồi, nếu có lên được bậc trung học phổ thông, các em sẽ vẫn tập trung vào định hướng của mình”- bà Ngọc Thu bày tỏ.
Phấn khởi trước những đổi mới mà dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đề cập, thế nhưng, theo ông Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng trường THPT Nhân Việt, trong điều kiện hiện nay, việc đổi mới đồng bộ và mạnh mẽ như vậy rất khó khả thi:“Cá nhân tôi đánh giá rất cao nội dung dự thảo. Tuy nhiên, là một nhà quản lý từ cơ sở giáo dục, tôi thấy có những lo lắng, băn khoăn về tính khả thi cũng như tính thực tiễn khi áp dụng chương trình này. Tôi sợ rằng, với định hướng tốt như vậy nhưng quá trình chuẩn bị cập rập thì sẽ không kịp cho các cơ sở chuẩn bị về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị”.
Ông Bùi Gia Hiếu phân tích, bên cạnh những hạn chế về cơ sở vật chất, sự quá tải trong quy mô trường lớp, chất lượng đội ngũ giáo viên ở các cơ sở giáo dục chưa đồng đều là nguyên nhân khiến đề án đổi mới gặp nhiều khó khăn. Vì thế, nếu triển khai vào năm học 2018-2019, việc đảm bảo chất lượng giáo trình cũng như định hướng nội dung đổi mới cho các trường sẽ khó khả thi.
Bộ GD-ĐT cho biết sẽ ghi nhận ý kiến đóng góp về dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đến hết ngày 27/4. Sau đó, ban soạn thảo sẽ tiếp thu, chỉnh sửa dự thảo lần cuối./.