Doanh số xe sang cỡ lớn ở Việt Nam tụt giảm sâu vì thuế
Theo báo cáo của VAMA, nửa đầu 2017 Lexus bán 480 xe, giảm tới 60% so với cùng kỳ 2016 (1.171 xe). Doanh số xe cỡ lớn động cơ trên 3 lít của Audi cũng giảm 20-30%. Porsche Việt Nam cho biết, trong lô xe sắp tới về giao cho khách, chỉ 2-3 chiếc lắp động cơ trên 3 lít, còn lại đều là loại 3 lít. Phần doanh số có được từ những dòng xe lớn nhất của Mercedes cũng thay bằng các phiên bản lắp động cơ nhỏ hơn.
Phong cách truyền thống của xe sang tại Việt Nam là động cơ cỡ lớn, nhưng truyền thống này đang dần thay đổi khi doanh số sụt giảm bởi tác động của nhiều yếu tố, trong đó ảnh hưởng lớn nhất đến từ thuế TTĐB.
Từ ngày 1/7/2016, Bộ Tài chính áp dụng mức thuế TTĐB mới cho ôtô, trong đó xe có động cơ trên 3 lít thay đổi "chóng mặt", từ 60% lên 90-150%. "Khách hàng đua nhau mua Lexus vào nửa đầu 2016 trước khi xe tăng giá, do đó doanh số năm nay sụt giảm sâu", vị này lý giải.Với cách đánh thuế này, giá của các mẫu trang bị động cơ trên 3 lít tăng mạnh. Đối tượng lắp xe có động cơ trên 3 lít chủ yếu là xe sang, SUV cỡ lớn và bán tải. Ảnh hưởng lớn nhất là Lexus bởi hầu hết các dòng xe đều có động cơ trên 3 lít, mẫu SUV "biểu tượng" LX570 tăng từ 5,7 tỷ lên 8 tỷ. Các mẫu xe khác tăng giá mạnh như Mercedes-Maybach S600 tăng từ 10 tỷ lên hơn 14 tỷ.
Đại diện Toyota Việt Nam cho biết, lý do sụt giảm doanh số là vì mức giá tăng quá cao. Hầu hết các dòng xe của Lexus gồm ES, GS, LS, RX, GX, LX đều tăng giá, từ khoảng 500 triệu đến hơn 2 tỷ.
Lexus là hãng xe sang ảnh hưởng nặng nề nhất vì thuế mới |
Một số dòng xe tăng giá cao là Maybach S600, GLS500, GLS63. Để chống lại ảnh hưởng tiêu cực, hãng giới thiệu các dòng xe với động cơ nhỏ hơn nhưng hàm lượng tiện nghi vẫn đầy đủ. Ví như Maybach S400 giá 7 tỷ, Maybach S500 giá 11 tỷ xuất hiện bên cạnh S600 giá 14,5 tỷ; GLS400 giá 4,4 tỷ đặt thêm "full option" như GLS500 giá 7,8 tỷ...Trái ngược với sự sụt giảm của Lexus, đối thủ sừng sỏ Mercedes lại tăng trưởng. Nửa đầu 2016 hãng này bán 1.829 xe, trong khi nửa đầu 2017 là 2.898 xe, mức tăng hơn 1.000 xe, tương đương 58%. Giám đốc một đại lý lớn của Mercedes cho biết, xe của hãng cũng phải tăng giá ở một số dòng có động cơ lớn, nhưng khắc phục kịp thời bằng các phiên bản thấp hơn.
Nhờ những thay đổi kịp thời, khách hàng tìm tới những phiên bản sử dụng động cơ nhỏ hơn bởi mức giá dễ chịu hơn nhiều. Riêng Mercedes-Maybach nhận hơn 100 đơn hàng. Thuế TTĐB ảnh hưởng lên vài dòng xe, trong khi phần lớn các dòng xe còn lại của Mercedes đều lắp ráp trong nước, động cơ 2 lít nên giá thấp, doanh số nhiều dòng như GLC còn tăng mạnh.
Tương tự Mercedes, một hãng xe sang khác là Audi cũng có những thay đổi tương tự. Nhà phân phối Audi Việt Nam cho biết, sau một năm có thuế mới, doanh số của các dòng xe có động cơ trên 3 lít giảm khoảng 20-30%, nhưng lượng xe này khá ít, vì vậy không ảnh hưởng nhiều tới lượng bán chung.
Mercedes tăng trưởng khi tập trung vào động cơ nhỏ. |
Lexus thì không vậy. Truyền thống ít thay đổi khiến hãng này không có nhiều kinh nghiệm trong các dòng động cơ cỡ nhỏ. Máy 2 lít tăng áp là "cơn gió lạ" hiếm hoi trong phổ sản phẩm, xuất hiện trên RX200t và NX200t tại Việt Nam, nhưng chừng đó là chưa đủ để thuyết phục khách hàng.Theo các chuyên gia trong ngành, các hãng xe sang từ châu Âu, đặc biệt là Đức có lợi thế hơn đối thủ từ Nhật là Lexus. Mercedes, Audi có dải động cơ rộng và tiến tới phát triển theo hướng này vì vậy khi gặp ảnh hưởng của thuế lên động cơ cỡ lớn, đại lý ở Việt Nam dễ dàng mang về những phiên bản động cơ nhỏ với mức giá phù hợp hơn cho khách hàng.
Phát triển động cơ là một trong những khoản đầu tư tốn kém nhất của nhà sản xuất, vì vậy chỉ khi thị trường thực sự có nhu cầu, hãng mới thay đổi. Chính quyền châu Âu đòi hỏi cao về mức khí thải, buộc các hãng ở đây tập trung nghiên cứu động cơ nhỏ hơn, tiêu tốn ít nhiên liệu hơn nhưng vẫn đảm bảo hiệu suất, song song phát triển động cơ hybrid, điện hay pin nhiên liệu.
Trong khi đó, các quyết định của Lexus thường phụ thuộc nhiều nhất vào thị trường trọng điểm là Mỹ, nơi khách hàng vẫn còn ưa thích xe to, khỏe. Kết hợp cùng sự bảo thủ của người Nhật, chỉ thay đổi khi nhìn thấy hậu quả nên xét trên động cơ, Lexus chưa thức thời như châu Âu.
Trước 2016, Lexus Việt Nam sợ nhất là chính mình, tức sợ các showroom bên ngoài nhập xe "full option" về cạnh tranh với xe chính hãng, vốn thường không đủ trang bị như ở thị trường Mỹ, giá lại đắt hơn. Từ 2017, nhà phân phối chính hãng còn phải lo đối phó trước tốc độ phát triển nhanh của các đối thủ, trong khi bản thân đang đi lùi.
Nhu cầu của khách hàng là không cố định mà thay đổi theo thị trường, trong đó mức giá là yếu tố then chốt, dù đó là phân khúc xe sang, nhất là khi khách hàng tiềm năng ngày càng trẻ. Mercedes, Lexus, Audi, BMW hay những Porsche, Land Rover, Volvo, Maserati... rơi vào cuộc chiến khốc liệt hơn, khi mà khoảng cách giữa xe sang và phổ thông dần thu hẹp, những thay đổi về chính sách cũng thường trực mỗi ngày.