Doanh nghiệp trong và ngoài nhà nước cần cách tiếp cận kinh doanh mới
Sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong phát triển kinh tế xã hội hằng năm, nhằm nâng cao hiệu quả tái cơ cấu DNNN, chú trọng thực chất và hiệu quả song song với nhiệm vụ tạo hệ sinh thái hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân hiệu quả.
Đây là nhận định được đưa ra tại Hội thảo “Đổi mới doanh nghiệp nhà nước và phát triển kinh tế tư nhân” do Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh phối hợp với Trung tâm Thông tin Kinh tế (Ban Kinh tế Trung ương) cùng các đơn vị liên quan tổ chức chiều 30/5 tại Hà Nội.
Hội thảo “Đổi mới doanh nghiệp nhà nước và phát triển kinh tế tư nhân” đưa ra cách thức tiếp cận kinh doanh theo hướng phát triển mới. |
Tại Hội thảo, tham luận của những chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam, đại diện các đơn vị quản lý, các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân cũng như các học giả đã tạo ra không khí thảo luận đa chiều và sâu sắc về vấn đề đối mới DNNN cũng như phát triển kinh tế tư nhân.
Từ đó kết quả của Hội thảo này sẽ giúp các nhà quản lý nhà nước hoàn thiện hơn trong các thể chế, đồng thời giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về cách thức tiếp cận kinh doanh theo hướng phát triển mới.
Theo TS. Phạm Minh Điển, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương), trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành, lãnh đạo tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp quan trọng về phát triển kinh tế, trong đó chú trọng vấn đề cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, khuyến khích, tạo điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển.
Cụ thể là tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã thống nhất ban hành 3 Nghị quyết quan trọng về kinh tế, đó là "Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa"; "Tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước"; "Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa".
TS. Phạm Minh Điển cho biết, từ chỗ cả nước có hơn 12.000 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, đến năm 2001 đã giảm xuống còn 5.655 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, đến tháng 10/2016 chỉ còn 718 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.
Tuy nhiên, theo TS. Phạm Minh Điển, cho đến nay, khối DNNN vẫn chưa thực hiện được vai trò là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước, chưa thực hiện được nhiệm vụ dẫn dắt, tạo động lực phát triển đối với nền kinh tế.
“Nhìn chung, hiệu quả kinh doanh và đóng góp của phần lớn doanh nghiệp nhà nước còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực Nhà nước đầu tư. Nhiều doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ, thất thoát, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực…”, TS. Phạm Minh Điển nêu rõ.
Cũng trong những năm qua, nhiều Nghị quyết của Đảng đã nêu rõ chủ trương phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam cả về số lượng, chất lượng, thực sự là một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế. Tất cả những điều này đã khẳng định đường lối, chính sách nhất quán của Đảng đối với kinh tế tư nhân trong kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Quốc hội, Chính phủ đã thể chế hóa chính sách của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân với phương châm vừa tạo điều kiện thuận lợi vừa điều tiết, hướng dẫn phát triển theo đúng định hướng. Một trong các nhiệm vụ của cơ cấu lại nền kinh tế trong 5 năm tới là Nhà nước sẽ thúc đẩy hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, cùng với sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV) trong nước.
Từ định hướng này, thời gian qua khu vực kinh tế tư nhân đã tăng nhanh về số lượng và từng bước nâng cao chất lượng, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, xã hội của đất nước. Đến nay, cả nước đã có khoảng 60 vạn doanh nghiệp tư nhân và hàng triệu hộ kinh doanh cá thể phi nông nghiệp nắm quyền tự do làm ăn sinh sống đã có đóng góp quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế, đang còn ẩn dấu nhiều tiềm năng lớn.
PGS.TS. Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT) cho rằng, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước trong nhiều năm qua đóng góp tương đối ổn định vào tăng trưởng GDP, tạo ra được nhiều việc làm nổi trội qua các năm, từ đó thu hút nguồn vốn đầu tư của toàn xã hội đã tăng lên đáng kể.
Điểm nổi trội của doanh nghiệp tư nhân trong nhiều năm qua theo PGS.TS. Hồ Sỹ Hùng chủ yếu vẫn là giải quyết việc làm và góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận của khối kinh tế tư nhân trong nhiều năm vẫn chưa có sự chuyển biến tích cực như mong muốn.
“Tỷ suất lợi nhuận khu vực kinh tế tư nhân nhiều năm qua tương đối thấp. Trong đó quy mô doanh nghiệp của khối này chủ yếu là nhỏ và vừa nên không có sự cải thiện qua nhiều năm. Việc đầu tư vào công nghệ đạt thấp trong khi tài sản cố định bình quân chỉ vào khoảng 7-8 tỷ đồng/doanh nghiệp”, PGS.TS. Hồ Sỹ Hùng nhận định.
Theo PGS.TS. Hồ Sỹ Hùng thì qua nghiên cứu trực tiếp từ các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, rào cản hạn chế lớn nhất đối với khu vực kinh tế tư nhân, mà cụ thể là các doanh nghiệp nhỏ và vừa là sự bất cập giữa các Luật.
Trong đó có những vướng mắc trong thủ tục và quy trình đầu tư, công tác bảo vệ môi trường, sở hữu đất đai cũng như nhiều chính sách chưa thực sự hiệu quả trong liên thông giải quyết thủ tục hành chính dẫn đến nhiều cơ quan cùng quản lý và giải quyết một vấn đề đã dẫn đến sự chồng chéo, gây cản trở cho quá trình đầu tư và phát triển của khối kinh tế tư nhân./.