Doanh nghiệp Nhà nước cần tiên phong trong cách mạng công nghiệp 4.0
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN) |
Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương, chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp và thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Sau 10 năm thành lập, Đảng bộ Khối có 35 đảng bộ với trên 1.100 tổ chức cơ sở đảng và gần 81.000 đảng viên.
Những năm qua, các doanh nghiệp, ngân hàng trong khối luôn thể hiện tốt vai trò là công cụ để Đảng, Nhà nước điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an ninh xã hội, tăng cường quốc phòng an ninh.
Hàng năm, các doanh nghiệp Trung ương đóng góp 1/3 ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho gần 1 triệu lao động. Trong 10 năm, các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng đã dành gần 31.000 tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội trên khắp cả nước.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Thủ tướng nêu rõ, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng bộ Khối doanh nghiệp Trung ương là giữ doanh nghiệp Nhà nước phát triển và hoàn thành nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước giao.
Thủ tướng đánh giá cao 10 năm qua, Đảng bộ Khối doanh nghiệp Trung ương đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển đất nước. Các doanh nghiệp Nhà nước đóng tỷ lệ cao vào GDP với 26-30%, là công cụ quan trọng của Nhà nước để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng.
Nêu lên một số bất cập, tồn tại của Đảng bộ khối doanh nghiệp Trung ương thời gian qua, Thủ tướng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của công tác cán bộ. Thủ tướng cho rằng, công tác cán bộ đúng, chính xác, cán bộ không hư hỏng thì doanh nghiệp sẽ thành công. Do đó, các doanh nghiệp cần rút ra bài học trong công tác quản lý đầu tư và quản lý vốn, tránh tình trạng vay vốn lớn, đầu tư dàn trải nhưng quản lý không tốt dẫn đến hậu quả xấu.
Cùng với đó là những bài học về năng suất lao động thấp so với thế giới và so với các loại hình doanh nghiệp khác ở nước ta; bài học về xây dựng thương hiệu, công tác quản trị doanh nghiệp. Với việc đang nắm giữ lượng vốn Nhà nước lớn, Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp phải nâng cao tinh thần trách nhiệm với Đảng, với dân.
Nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của kinh tế Nhà nước, Thủ tướng nêu thực tế thế giới, dù đi theo đường lối kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hay đường lối kinh tế thị trường ở các nước tư bản phát triển thì kinh tế nhà nước luôn chiếm một tỷ lệ ít nhất từ 15-35% GDP.
Tỷ lệ đóng góp lớn của doanh nghiệp Nhà nước vào GDP là để đảm bảo phát triển, cân đối, ổn định của nền kinh tế. Kinh tế nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước không chỉ để khắc phục khiếm khuyết của thị trường mà còn là yêu cầu tất yếu để đảm bảo xây dựng thành công nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nêu lên tầm quan trọng đó, Thủ tướng yêu cầu doanh nghiệp Nhà nước cần chủ động vươn lên, sắp xếp, đổi mới, nâng cao năng suất lao động, tiếp tục thực hiện là đưa giá một số mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu,…theo thị trường.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, Thủ tướng cho rằng, các doanh nghiệp Nhà nước phải đi tiên phong trong cuộc cách mạng này để hội nhập quốc tế.
Nhấn mạnh khoa học công nghệ là vấn đề lớn trong công tác lãnh đạo của Đảng và đối với từng doanh nghiệp, Thủ tướng cho rằng, nếu bỏ qua yếu tố này thì các doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực kinh doanh đều thất bại. Do đó, khoa học công nghệ là “then chốt”.
Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp phải nâng cao vai trò và năng lực cấp ủy trong lãnh đạo và thực hiện nhiệm vụ chính trị, theo đó, công tác Đảng phải đi trước, chủ động và đổi mới trong công tác xây dựng Đảng; xây dựng đảng trong sạch, vững mạnh, chống 27 biểu hiện suy thoái mà Nghị quyết Trung ương 4 đã chỉ rõ. Đặc biệt, doanh nghiệp Nhà nước phải triệt để tiết kiệm.
“Doanh nghiệp Nhà nước phải tiết kiệm mọi khâu để giảm giá thành sản phẩm. Tiết kiệm hiện nay trở thành vấn đề rất lớn mà Đảng ta, Chính phủ ta đặt vấn đề rất lâu mà chưa thành hiện thực. Tình trạng khởi công, hoa tươi, tổ chức hình thức vẫn còn rất nhiều, nhất là trong cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước.”
Đi liền với đó, trong thời đại mới, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục nâng cao năng lực quản trị và tầm nhìn chiến lược trong phát triển. Đây là vấn đề rất quan trọng đối với doanh nghiệp Nhà nước hiện nay chứ không phải “ăn xổi, ở thì”, nhìn trước mắt mà không nhìn lâu dài trong phát triển.
Thủ tướng nhấn mạnh đến yêu cầu phải chọn người tài trong quản lý điều hành, không chọn người nhà, người thân quen, cục bộ địa phương trong bộ máy doanh nghiệp Nhà nước và trong Đảng bộ.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu nêu cao tinh thần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; ngăn ngừa các hành vi làm chứng từ giả để rút tiền Nhà nước.
Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước cần luôn nghiên cứu, rèn luyện để có tư duy, tầm nhìn chiến lược trong quản lý điều hành trước bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, trước xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng và thị trường nội địa 100 triệu dân.
Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp Nhà nước không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm để có thể đáp ứng và đảm bảo được nhu cầu thị trường. Nhấn mạnh doanh nghiệp nhà nước phải năng động, sáng tạo, quyết liệt, Thủ tướng cho rằng, khi tâm sáng, trách nhiệm cao mà không dám làm gì thì cũng sẽ không có gì./.