Doanh nghiệp, doanh nhân phải luôn đóng vai trò tiên phong trên mặt trận kinh tế
Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại buổi gặp gỡ (ảnh:VL) |
Cùng tham dự có Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Đinh La Thăng, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh; Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong; Chủ tịch HĐND TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm; Phó Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Võ Thị Dung; Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Hoàng Năng cùng lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện của Thành phố.
Tại buổi gặp gỡ, các đại biểu doanh nghiệp, doanh nhân cho rằng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đề ra đã kịp thời đáp ứng nguyện vọng của doanh nghiệp và người dân. Quá trình cải cách thủ tục hành chính luôn nhận được sự đồng tình, hoan nghênh từ các doanh nghiệp, doanh nhân. Tuy nhiên, vướng mắc hiện nay là khâu tổ chức thực hiện một số chủ trương, chính sách còn chậm, thậm chí có khi triển khai còn trường hợp làm sai lệch so với tinh thần nội dung của chính sách. Đại diện các doanh nghiệp, doanh nhân, ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân TP.Hồ Chí Minh kiến nghị với Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ trước khi ban hành quyết định, những vấn đề liên quan đến người dân nói chung và doanh nghiệp nói riêng, đặc biệt là chủ trương chính sách phát triển kinh tế nên tham khảo ý kiến của các đối tượng chịu tác động từ dưới lên để tạo sự đồng thuận cao, quyết tâm thực hiện đưa nghị quyết vào đời sống xã hội. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng kiến nghị cần có các luật và hệ thống cơ chế, chính sách kinh tế, tạo hành lang thông thoáng để doanh nghiệp, doanh nhân có cơ hội phát triển; sửa đổi quy định về làm ngoài giờ để có thể giúp người lao động tăng thêm thu nhập; cải cách chính sách thuế, thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư, cơ chế một cửa; đẩy mạnh truyền thông về an toàn thực phẩm, nhất là sản phẩm có uy tín của các doanh nghiệp trong nước, để đảm bảo niềm tin của người tiêu dùng ... Phát biểu tại buổi gặp gỡ, Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết thời gian qua, TP.Hồ Chí Minh đã ban hành hàng loạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và bước đầu đã phát huy hiệu quả. Thành phố đã xây dựng được cộng đồng doanh nghiệp với nhiều loại hình, đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong cũng cho rằng, bước vào giai đoạn phát triển mới: môi trường đầu tư ở Thành phố vẫn chưa thật sự thuận lợi cho doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Chủ tịch Nguyễn Thành Phong khẳng định thời gian tới TP.Hồ Chí Minh sẽ tập trung huy động mọi nguồn lực tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tạo điều kiện cho các nhà đầu tư. Bên cạnh đó là tạo môi trường kinh doanh công bằng thân thiện, khuyến khích đầu tư, xây dựng chính quyền điện tử và Thành phố thông minh. Nhân kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã gửi lời chúc mừng tới toàn thể cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân cả nước, các đại biểu doanh nghiệp, doanh nhân TP. Hồ Chí Minh. Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, doanh nghiệp, doanh nhân là bộ phận chủ yếu tạo ra của cải, vật chất cho xã hội; có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế; có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế ... Chủ tịch nước Trần Đại Quang chỉ rõ, tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (TPP, FTA Việt Nam - EU, Cộng đồng kinh tế ASEAN...) đã mở ra không gian phát triển mới cho nền kinh tế. Tiến trình này tạo cho doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam cơ hội tiếp cận hơn 80% thị trường thế giới với thuế xuất bằng 0%; tranh thủ các nguồn lực về đầu tư, công nghệ và quản lý, quản trị tiên tiến; tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu… Tuy nhiên, đi cùng với đó là không ít khó khăn, thách thức: Sức ép cạnh tranh sẽ gay gắt hơn trên cả ba cấp độ quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm; Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam phải đối mặt với những thách thức to lớn; đặc biệt trong trung hạn và dài hạn, số lao động phổ thông sẽ chịu tác động mạnh mẽ của quá trình tự động hóa đang tăng tốc ở các nước phát triển; Việc thực hiện các tiêu chuẩn lao động quốc tế, nhất là sự ra đời và hoạt động của các tổ chức của người lao động nếu không được kiểm soát và quản lý chặt chẽ có thể sẽ làm méo mó các quan hệ lao động, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Chủ tịch nước trao đổi với các đại biểu (ảnh:VL) |
Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, đứng trước những khó khăn, thách thức này, Đảng, Nhà nước đã, đang và cam kết sẽ tiếp tục có nhiều chủ trương, chính sách cụ thể nhằm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; giữ vững ổn định chính trị - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường lành mạnh và động lực cho phát triển kinh tế; bổ sung, hoàn thiện và triển khai các chính sách hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, doanh nhân, nhất là doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo, không ngừng phát triển, tham gia vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu…
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng lưu ý trong thời gian tới, các doanh nghiệp, doanh nhân cần tập trung quan tâm một số nhiệm vụ, giải pháp như: tích cực và chủ động hơn nữa trong hội nhập quốc tế; xây dựng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh, năng động, sáng tạo, cạnh tranh, không ngừng phát triển, tham gia vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu… Cùng đó, đội ngũ doanh nhân Việt Nam phải thực sự là “những người lính tiên phong trên mặt trận kinh tế”; nuôi dưỡng khát vọng vươn lên của doanh nhân Việt Nam; tiếp tục phát huy nội lực và lợi thế so sánh, tranh thủ ngoại lực, nguồn vốn, công nghệ mới, kinh nghiệm quản trị tiên tiến. Đối với TP.Hồ Chí Minh, cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Thành phố phải luôn đóng vai trò tiên phong, là hạt nhân phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong nước,đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa; thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội các tỉnh phía Nam, phát huy tốt lợi thế của Thành phố trong phát triển vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Để đón đầu cơ hội, vượt qua thách thức, hội nhập thành công, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị lãnh đạo TP.Hồ Chí Minh phải chỉ đạo quyết liệt việc giải quyết những kiến nghị thuộc thẩm quyền của cấp ủy, chính quyền Thành phố. Đồng thời, Chủ tịch nước cũng ghi nhận những kiến nghị liên quan đến các bộ, ngành Trung ương và cho biết sẽ phản ánh kịp thời tới Quốc hội, chỉ đạo các bộ, ngành sớm có những sửa đổi, bổ sung, giải quyết kiến nghị và thông báo cho doanh nghiệp .