Doanh nghiệp chưa tích cực trong cam kết chống tham nhũng
Các doanh nghiệp tại Việt Nam mặc dù được đánh giá là có khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về minh bạch, tuy nhiên, việc thực hiện công bố thông tin về chương trình phòng, chống tham nhũng nội bộ của 30 doanh nghiệp lớn nhất được đánh giá còn thấp.
Đây là một trong những thông tin được đưa ta tại “Báo cáo đánh giá thực tiễn công bố thông tin của doanh nghiệp: Đánh giá 30 doanh nghiệp lớn nhất tại Việt Nam” do Tổ chức Hướng tới minh bạch tại Việt Nam tổ chức sáng 26/4 tại Hà Nội.
(Ảnh: Hải Bình/Báo Đấu thầu) |
Báo cáo đã đánh giá thực tiễn công bố thông tin của 30 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, bao gồm 10 doanh nghiệp nhà nước, 10 doanh nghiệp niêm yết và 10 doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Theo báo cáo, đối với việc thực hiện công bố thông tin về chương trình phòng, chống tham nhũng, điểm trung bình của 30 doanh nghiệp được đánh giá chỉ đạt 10%, các doanh nghiệp Nhà nước chỉ đạt điểm trung bình là 2%; 7 trong tổng số 30 doanh nghiệp công khai các cam kết tuân thủ các quy định pháp luật liên quan, bao gồm Luật phòng, chống tham nhũng.
Bên cạnh đó, chỉ có 4 trong tổng số 30 doanh nghiệp công khai cam kết của lãnh đạo ủng hộ, phòng chống tham nhũng. Liên quan đến minh bạch trong cấu trúc và tỷ lệ sở hữu doanh nghiệp, một số doanh nghiệp Việt Nam đạt điểm khá cao, đặc biệt có 2 doanh nghiệp đạt điểm tối đa 100%. Điều này cho thấy doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về minh bạch.
Nhiều ý kiến cho rằng, tham nhũng đã và đang đe dọa tới sự phát triển bền vững của nền kinh tế, xói mòn tinh thần kinh doanh liêm chính, cản trở cạnh tranh lành mạnh và làm suy giảm chất lượng của nền kinh tế thị trường. Việt Nam muốn đẩy lùi tham nhũng một cách hiệu quả, cần phải có sự tham gia tích cực và chủ động của toàn xã hội, đặc biệt là của chính cộng đồng doanh nghiệp.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhấn mạnh, công tác phòng chống tham nhũng là một vấn đề lớn ở Việt Nam mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ rất quan tâm và có nhiều chương trình để cải thiện. Đây không hoàn toàn chỉ là trách nhiệm từ phía các cơ quan chính quyền mà còn có phần rất lớn từ các doanh nghiệp.
"Bản thân các doanh nghiệp cũng phải có văn hóa kinh doanh liêm chính. Đây cũng là những tiêu chuẩn quan trọng của tiêu chuẩn thế giới. Vì vậy, những nghiên cứu hôm nay cũng là cách thức để chúng ta nhận diện, cải thiện và đồng hành cùng với văn hóa liêm chính" - ông Tuấn nói./.