Đoàn kết xây dựng đời sống mới
Người dân xóm Lát Đá, xã Vinh Sơn (T.P Sông Công) đã chuyển từ trồng chè trung du sang trồng chè giâm cành với diện tích trên 15ha. |
Cho xe bon bon chạy theo những chuyến xe chở nông sản trên tuyến đường bê tông chạy qua những rừng cây, đồi chè xanh mướt mới cảm nhận được cuộc sống nơi đây đang chuyển biến tích cực. Ông Trần Văn Quốc, Trưởng xóm Lát Đá chia sẻ với chúng tôi: Những năm mới chuyển về đây sinh sống, người dân quanh năm chỉ biết trồng lúa, nuôi thêm con gà, con lợn để cải thiện thu nhập. Một số hộ san đất đồi để trồng giống chè trung du, mỗi vụ bán được 10-15kg chè khô là nhiều. Hầu hết các hộ dân trong xóm là người dân tộc Sán Dìu nên vẫn giữ những thói quen canh tác nông nghiệp lạc hậu, bởi vậy nghèo khó cứ mãi bám riết. Thế rồi, nhờ sự tích cực tuyên truyền, vận động của các đoàn thể trong xã, xóm mà người dân đã quan tâm đưa các cây, con giống mới vào nuôi, trồng. Cùng với đó, xã cũng tạo điều kiện cho người dân được tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật để áp dụng vào điều kiện canh tác của gia đình.
Năm 2009, nhận thấy người dân ở các xóm trong xã như Khe Lim, Tiền Tiến, Tân Sơn trồng chè cành mang lại hiệu quả kinh tế, bà con Lát Đá đã mạnh dạn phá bỏ diện tích chè trung du già cỗi để chuyển sang trồng giống chè giâm cành. Hiện, xóm có 94 hộ dân thì quá nửa số hộ làm chè với diện tích trên 15ha chè các loại (LDP1, TRI77...). Cùng với đó, bà con trong xóm đã đầu tư hệ thống máy sao, sấy, vò chè nhằm giảm công lao động và nâng cao giá trị của sản phẩm chè. Bà Lưu Thị Sói, một trong những hộ tiên phong trồng chè giâm cành của xóm cho biết: Hầu hết, chè của gia đình làm ra đều được các thương lái đến tận nhà đặt mua với giá bán dao động từ 180-200 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí thu lãi trên 50 triệu đồng/năm”.
Cùng với việc trồng chè, trồng cây rừng (keo, tràm), bà con xóm Lát Đá còn chủ động đưa các con giống mới vào nuôi cho thu nhập ổn định. Điển hình như mô hình nuôi ong lấy mật của ông Trương Văn Tư, cho thu nhập gần 40 triệu đồng/năm. Theo ông Tư, Lát Đá có nhiều đồi núi, khí hậu mát mẻ nên phù hợp cho phát triển nuôi ong mật. Hiện nay, cùng với việc chăn nuôi lợn nái, gà thả đồi thì ong mật đã được người dân đưa vào nuôi với quy mô ngày càng phát triển (trên 20 hộ).
Đời sống được cải thiện, năm 2015-2016, người dân trong xóm đã bảo nhau đóng góp 500 triệu đồng, hiến trên 1.000m2 đất và hàng trăm ngày công lao động để bê tông hơn 2km đường trục chính của xóm, giúp cho việc đi lại, thông thương hàng hóa của bà con được thuận tiện. Theo ông Nguyễn Văn Hữu, một trong những người có uy tín của xóm thì ngoài việc tuyên truyền thông qua các buổi sinh hoạt tập trung, lãnh đạo xóm còn đến tận nhà các hộ dân để vận động bà con phát triển kinh tế gia đình hay đóng góp, ủng hộ các phong trào của xóm. Trong quá trình triển khai, bà con đều được bàn bạc, trực tiếp tham gia giám sát nên các công trình xây dựng đều hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng đảm bảo. Từ sự đoàn kết, thống nhất ấy, đến nay, người Sán Dìu ở Lát Đá đã vượt qua những khó khăn, tích cực gìn giữ những bản sắc tốt đẹp của dân tộc, loại bỏ dần những hủ tục lạc hậu, không còn phù hợp với cuộc sống hiện tại.
Nhờ tích cực phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa cùng với việc phát huy tốt vai trò của lãnh đạo xóm, cuộc sống người dân xóm Lát Đá đã có nhiều khởi sắc. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo trong xóm giảm xuống còn 4,2% (năm 2015 là 12%); thu nhập bình quân đầu người đạt trên 24 triệu đồng/người/năm... Năm 2016, Lát Đá vinh dự được đón Bằng công nhận Xóm văn hóa tiêu biểu cấp thành phố với 93/94 hộ đạt Gia đình văn hóa.