Đoàn Đại biểu Quốc Hội tỉnh - Giám sát về quản lý, sử dụng quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách
Toàn cảnh buổi giám sát. |
Qua 5 năm hoạt động (2013-2018), đối với Quỹ bảo vệ và phát triển rừng, đã thu ủy thác chi trả dịch vụ môi trường rừng được trên 5,3 tỷ đồng. Qua đó đã chi trả ủy thác tiền dịch vụ môi trường rừng cho các chủ rừng với tổng số tiền trên 4,5 tỷ đồng, tương ứng với hơn 17 nghìn ha rừng; đã tiếp nhận quản lý nguồn kinh phí trồng rừng thay thế từ các dự án có chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác là 12,4 tỷ đồng, qua đó tham mưu phân bổ cho các đơn vị 7,8 tỷ đồng, tương ứng trên 370ha diện tích rừng được trồng thay thế.
Đối với Quỹ bảo vệ môi trường, từ khi thành lập đến nay đã đôn đốc và tiếp nhận hồ sơ, ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường của 120 mỏ, thuộc 80 đơn vị khai thác khoáng sản, với số tiền trên 100 tỷ đồng; công tác quản lý, sử dụng tiền ký quỹ được thực hiện chặt chẽ, công khai, minh bạch; công tác huy động các nguồn tài chính từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho công tác bảo vệ môi trường được quan tâm và đạt nhiều kết quả. Bên cạnh việc hỗ trợ tài chính, quỹ đã đảm bảo được tự chủ kinh phí hoạt động, không có nợ xấu và đóng góp vào nguồn vốn điều lệ trên 1,1 tỷ đồng, đồng thời đã thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước trên 1,2 tỷ đồng.
Cũng theo báo cáo, từ năm 2013-2018, số đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp năm sau cao hơn năm trước, tính đến năm 2018 là trên 1,2 triệu người, tăng trên 200 nghìn người số với năm 2013. Cụ thể, đến năm 2018 tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội đạt 30,34% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội. Về bảo hiểm y tế đã đạt 98,1% dân số tham gia; tỷ lệ tiền nợ, chậm đóng bảo hiểm giảm từ 3,77% năm 2013 xuống còn 0,99% vào năm 2018. Tuy nhiên, độ bao phủ bảo hiểm xã hội còn chậm, các hành vi trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi bảo hiểm diễn ra phức tạp.
Trên cơ sở báo cáo hoạt động của các quỹ, các đại biểu đã trao đổi, làm rõ về cơ cấu tổ chức, cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính và khả năng huy động nguồn vốn, đầu tư, quản lý tài chính của các loại quỹ, cũng như những khó khăn, bất cập trong quá trình hoạt động, nhất là tính pháp lý về thẩm quyền và chế tài trong quy trình xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân liên quan; tính công khai, minh bạch trong quản lý nhằm đảm bảo sự giám sát của cơ quan chức năng liên quan, vấn đề tự chủ tài chính và việc sáp nhập các loại quỹ có cùng nhiệm Vụ, chức năng.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí trưởng Đoàn giám sát nhấn mạnh: Qua đợt giám sát lần này nhằm đánh giá hiệu quả hoạt động các loại quỹ ngoài ngân sách trên địa bàn, từ đó chỉ ra nguyên nhân và đề xuất, kiến nghị giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các loại quỹ. Các ý kiến tại buổi giám sát sẽ được đoàn tổng hợp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định và gửi tới các ngành chức năng liên quan xem xét giải quyết.