Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019: Củng cố nền tảng tăng trưởng bền vững
Qua hai kỳ tổ chức vào các năm 2017 và 2018, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm tổ chức cũng như xác định rõ các mục tiêu trọng điểm, bức thiết nhất cần phải tập trung khai thác trong vô số những vấn đề kinh tế đang diễn ra. Từ những kinh nghiệm đó, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019 sẽ được mở rộng về cả quy mô, số lượng diễn giả, khách mời tham dự…
Ngoài sự tham gia của các chuyên gia kinh tế, học giả nổi tiếng còn có sự tham gia và chủ trì của các chính khách để tiếp nhận, chia sẻ và tìm tiếng nói chung giúp đưa kinh tế Việt Nam phát triển nhanh chóng, bền vững và thịnh vượng trong tương lai.
Một phiên thảo luận tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2018 (Ảnh: KT) |
Đặc biệt, tại phiên Đối thoại chính sách cấp cao có sự tham gia chủ trì của người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; đồng thời còn có đại diện cấp quốc gia của các tổ chức quốc tế lớn như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á và Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Nhìn lại năm 2018, kinh tế Việt Nam được đánh giá đã vượt qua được những rào cản khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư cũng như đang xây dựng được các thiết chế kinh tế mới để tham gia hiệu quả vào các hiệp định thương mại tự do mới. Trong đó, chúng ta không những hoàn thành tất cả mà còn có 9/12 chỉ tiêu vượt kế hoạch, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiểm soát ở mức 3,54%, xuất siêu đạt kỷ lục (hơn 7 tỉ USD). Đặc biệt lo ngại về tăng trưởng GDP kém đã bị phá vỡ vượt chỉ tiêu đạt mức 7,08%.
Với chuỗi 3 Hội thảo quan trọng và một phiên Đối thoại chính sách cấp cao, diễn đàn sẽ bàn luận về các vấn đề lớn của kinh tế đất nước, nhận diện xu thế cùng những cơ hội và thách thức, từ đó gợi mở định hướng cho thời gian tới.
Hội thảo chuyên đề “Quản trị, huy động vốn và phát triển cơ sở hạ tầng - Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị chính sách cho Việt Nam” sẽ diễn ra trong 2 ngày 16-17/1/2019. Hội thảo được tổ chức với sự phối hợp tổ chức của IMF.
Tham dự hội thảo này sẽ có các chuyên gia cao cấp đến từ một số bộ, ngành của Việt Nam, các cơ quan quản lý của các nước trong khu vực (Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Bangladesh, Malpes), đại diện của tổ chức quốc tế đa phương như IMF, ADB, WB, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC), Cơ quan Tài chính dự án và hạ tầng (IPFA), Bộ Tài chính Indonesia, Bộ Tài chính Thái Lan, Công ty PwC.
Những thông lệ, chuẩn mực quốc tế và bài học kinh nghiệm tốt của quốc gia về cải cách và phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là quản trị và huy động vốn sẽ được trao đổi tại hội thảo này. Bên cạnh đó, hội thảo sẽ đánh giá thực trạng và xu hướng phát triển cơ sở hạ tầng; tiếp cận đổi mới thể chế quản lý và phát triển cơ sở hạ tầng phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả quản trị, đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu phát triển.
Hội thảo chuyên đề “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và củng cố an ninh năng lượng đảm bảo phát triển bền vững” (sáng 17/1) được tổ chức với sự phối hợp của USAID, IFC, Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ, các tập đoàn công nghiệp ABB và GE.
“Diễn đàn chọn chủ đề này vì Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và đang đứng trước nhiều nguy cơ về bảo đảm an ninh năng lượng trong tình hình mới”, ông Ngô Văn Tuấn, Phó trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương cho biết.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và ngoài nước sẽ trao đổi về các vấn đề: thách thức Biến đổi khí hậu và lựa chọn cho Việt Nam từ góc nhìn năng lượng; giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu trong hoạt động công nghiệp và năng lượng ở Việt Nam; cơ hội, thách thức và giải pháp bảo đảm an ninh năng lượng đối với Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu; ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển năng lượng bền vững.
Bên lề hội thảo có tổ chức triển lãm chuyên đề “Công nghệ năng lượng hướng tới phát triển bền vững” với 10 đại diện doanh nghiệp tiêu biểu trong các lĩnh vực điện than, điện khí, điện gió, điện mặt trời, lưới điện thông minh và sử dụng năng lượng hiệu quả hay ứng dụng IoT (internet vạn vật) và AI (trí tuệ nhân tạo) trong phát triển công nghiệp năng lượng như như EVN, Siemens, ABB, SolarBK, TokyoGas, Intel, CocaCola…
Hội thảo chuyên đề “Định hướng phát triển nền kinh tế số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 - Cơ hội và thách thức cho Việt Nam” diễn ra sáng 17/1. Hội thảo sẽ trao đổi về xu hướng phát triển và tác động của kinh tế số lên nền kinh tế thế giới; tác động của kinh tế số lên các nhóm ngành kinh tế: cơ hội và thách thức cho các nước khu vực Đông Nam Á; chiến lược phát triển kinh tế số của Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0; cơ hội của kinh tế số để Việt Nam phát triển đột phá; tạo môi trường đầu tư và phát triển để tối ưu hóa lợi ích đem lại từ nền kinh tế số cho Việt Nam; đánh giá mức độ tác động của kinh tế số lên các ngành kinh tế; những lĩnh vực mũi nhọn mà Việt Nam nên tập trung để phát triển kinh tế số trong thời gian tới.
Phiên tổng thể và đối thoại chính sách cấp cao với chủ đề “Kinh tế Việt Nam năm 2018 và triển vọng năm 2019 - Củng cố nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững” (chiều17/1) sẽ do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì. Các vị Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam sẽ có các bài trình bày quan trọng về: Kinh tế Việt Nam năm 2018, triển vọng năm 2019 và một số khuyến nghị về phát triển kinh tế trong trung hạn.
Diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2019 dự kiến sẽ đưa ra những đánh giá, nhận định về nền kinh tế Việt Nam hiện tại và triển vọng trong trung hạn, nhất là những cơ hội, khó khăn, thách thức cùng với các kiến nghị, đề xuất chính sách có giá trị khoa học và thực tiễn để làm cơ sở cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam xem xét trong quá trình hoàn thiện thể chế và lãnh đạo, điều hành nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, sáng tạo và bao trùm... ./.