Điện Biên có bất lực trước vấn nạn khai thác cát, sỏi trái phép?
Dù chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng của tỉnh Điện Biên đã vào cuộc rất quyết liệt, song đến nay tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên địa bàn các xã phía Nam của huyện Điện Biên vẫn diễn biến phức tạp.
Tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép vẫn diễn ra phổ biến, tự phát và khó kiểm soát tại huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. |
Đáng lo ngại là hiện nay vẫn có sự tiếp tay của người dân được giao đất trồng màu gần sông Nậm Rốm cho các đối tượng khai thác cát chui. Đồng thời đã manh nha xuất hiện sự cạnh tranh không lành mạnh về lợi ích kinh tế giữa các doanh nghiệp được cấp giấy phép khai thác với các đối tượng khai thác trái phép.
Hàng chục điểm khai thác cát lớn nhỏ mọc lên như nấm suốt dọc chiều dài hơn 10km của sông Nậm Rốm từ thành phố Điện Biên Phủ xuôi xuống phía Nam của huyện Điện Biên. |
Những năm gần đây, tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép diễn ra phổ biến, tự phát và khó kiểm soát tại huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Trên dọc chiều dài sông Nậm Rốm khoảng 10km từ thành phố Điện Biên Phủ xuôi xuống phía Nam của huyện Điện Biên, có hàng chục điểm khai thác cát lớn nhỏ hoạt động bất kể ngày đêm, từ lén lút cho đến công khai với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Hoạt động bất kể ngày đêm, từ lén lút cho đến công khai với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi. |
Dòng sông Nậm Rốm có nhiệm vụ cung ứng nước tưới, bồi màu cho nông nghiệp vùng lòng chảo Mường Thanh hiện ngày càng bị biến dạng nghiêm trọng do hoạt động khai thác cát, sỏi gây nên. Xung quanh những “bãi chiến trường” khai thác cát là những ụ cát khổng lồ, vô số hàm ếch lớn khoét sâu, sạt lở vào những diện tích đất màu của người dân.
Nước sông Nậm Rốm quanh năm chỉ còn một màu nâu đục với những xoáy nước chảy xiết cuộn sâu xuống lòng sông. Đất sạt lở, thay đổi dòng chảy khiến con sông Nậm Rốm vốn hiền hòa nay trở nên vô cùng “hung dữ” mỗi khi mùa mưa đến. Tiềm ẩn sau đó là nguy cơ lũ quét đối với nhà cửa và cây trồng của những hộ dân sinh sống hai bên bờ.
Xung quanh những “bãi chiến trường” khai thác cát là những ụ cát khổng lồ, vô số hàm ếch lớn khoét sâu, sạt lở vào những diện tích đất màu của người dân. |
Nguy cơ hiển hiện rõ bằng mắt là vậy, thế nhưng khi được hỏi về những ảnh hưởng từ hoạt động khai thác cát đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất thì phóng viên lại chỉ nhận được những cái lắc đầu, những câu trả lời không biết từ phía nhiều người dân sinh sống gần các điểm tập kết, khai thác cát.
Còn một số người dân khác sống gần khu vực thì cung cấp những thông tin đáng ngại về việc người dân bán đất cho doanh nghiệp, gây sạt lở đất sản xuất.
“Đất nhà ông bên kia ông ấy bán là 200 triệu, vì ông ấy không có sổ đỏ đâu. Thế là ông ấy bán cho người khai thác cát. Vừa rồi bị sạt mất một mảnh đất nhà bác ở bên này”, một người dân cho hay.
Đất sạt lở, thay đổi dòng chảy khiến con sông Nậm Rốm vốn hiền hòa nay trở nên vô cùng “hung dữ” mỗi khi mùa mưa đến. |
Theo chính quyền xã Noong Hẹt, địa bàn được coi là nóng nhất của thực trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn huyện Điện Biên thì việc người dân tỏ ra thờ ơ trước những hệ lụy của nạn khai thác cát trái phép cũng là điều dễ hiểu.
Trước những lợi nhuận từ cát mang lại, bản thân “cát tặc” lại chính là những người dân bất chấp pháp luật, lao vào khai thác cát bán nhỏ lẻ hoặc đồng tình tiếp tay cho các doanh nghiệp khai thác cát trái phép bằng cách tự ý bán đất trồng màu được giao sản xuất nông nghiệp, mà không thông qua chính quyền địa phương.
Mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp tuyên truyền nhưng vẫn chưa thể ngăn chặn tình trạng này.
Đáng lo ngại là hiện nay vẫn có sự tiếp tay của người dân được giao đất trồng màu gần sông Nậm Rốm cho các đối tượng khai thác cát chui. |
“Doanh nghiệp đã tự thỏa thuận mua bán với người dân diện tích đất mà xã giao cho quản lý trồng màu, không thông qua chính quyền địa phương. Có thể nói việc khai thác cát sỏi trên địa bàn xã Noong Hẹt cũng 1 phần nào đó có sự tiếp tay của người dân, đó là bán đất được giao để trồng màu cho doanh nghiệp để khai thác cát sỏi trái phép. Và nỗi lo nhất của chính quyền địa phương hiện nay là dần dần sẽ mất đất sản xuất đối với chính những người dân tại thôn bản được xã giao cho diện tích đất trồng màu hằng năm”, ông Trần Công Kha, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên cho biết.
Người dân tiếp tay khiến các doanh nghiệp khai thác cát lậu mặc sức tung hoành, khai thác và bán cát với giá rẻ hơn. Từ đó vô hình chung đã tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh về lợi ích kinh tế giữa các doanh nghiệp được cấp giấy phép khai thác với các đối tượng khai thác trái phép trên địa bàn. Đơn cử như vào ngày 21/5 vừa qua, ngay trước tại cổng Ủy ban nhân dân xã Pom Lót, huyện Điện Biên đã xảy ra vụ việc tập trung đông người căng băng zôn, khẩu hiệu với nội dung “đả đảo cát tặc” gây mất an ninh trật tự, nguyên nhân ban đầu được các cơ quan chức năng xác định là do mâu thuẫn về lợi ích kinh tế.
Bức tranh tả thực toàn cảnh về dòng sông Nậm Rốm xuôi lòng chảo Mường Thanh thì đang hiện hữu hình ảnh là những “hố tử thần” nuốt trọn những cánh đồng Ngô, rau màu trù phú của người dân. |
Theo khảo sát của phóng viên VOV, một khối cát vàng của các chủ khai thác “lậu” bán giao động với giá từ 100.000 đồng đến 110.000 đồng/m3, trong khi các doanh nghiệp được cấp phép phải chịu thuế, phí cấp quyền, phí môi trường... phải bán với giá 130.000 đồng/khối mới có lãi. Trong khi đó dọc sông Nậm Rốm đoạn qua địa phận các xã: Thanh Yên, Thanh An, Noong Hẹt, Noong Luống, Pom Lót của huyện Điện Biên có hàng chục điểm khai thác cát mọc lên. Thế nhưng chỉ có 4 doanh nghiệp được Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên cấp giấy phép khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường.
Ông Bùi Hải Bình, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Điện Biên cho biết: Số điểm khai thác cát lậu nhiều, doanh nghiệp có giấy phép bị cạnh tranh không lành mạnh là nguyên nhân căn cơ dẫn đến những bất cập nảy sinh mới này.
“Sau khi cái vụ việc này xảy ra, cũng xác định ban đầu là việc này liên quan đến lợi ích về mặt kinh tế. Việc này chúng tôi đã giao cho Công an huyện điều tra, xác minh, củng cố hồ sơ. Nếu trường hợp là tổ chức doanh nghiệp sẽ kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên thu hồi giấy phép hoạt động của đơn vị đó. Nếu là cán bộ kích động nhân dân sẽ cương quyết xử lý theo Luật cán bộ, công chức. Còn nếu là nhân dân sẽ tiếp tục vận động tuyên truyền giáo dục người dân không tin, không nghe theo các đối tượng xấu kích động”, ông Bình nói.
Để xử lý triệt để tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn, mà đặc biệt là tại các xã: Noong Hẹt, Noong Luống, Pom Lót, Ủy ban nhân dân huyện Điện Biên đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất đai, khoáng sản, thường xuyên kiểm tra các khu vực dọc bờ sông Nậm Rốm để phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp khai thác cát trái phép. Tuy nhiên vẫn không thể chấm dứt được tình trạng này.
Chính quyền các xã thậm chí đã sử dụng nhiều biện pháp mạnh tay, như: tạm giữ phương tiện, phạt hành chính đối với các đối tượng khai thác cát trái phép… nhưng mức phạt từ 2 đến 2,5 triệu đồng dường như chưa đủ để có thể răn đe các đối tượng. Có thời điểm, các xã triển khai việc chôn cột giới hạn bằng bê tông ở các lối đi ra điểm khai thác cát nhằm không cho các phương tiện chở cát ra vào. Tuy nhiên, cột cứ chôn xong lại bị đào cho ra bên đường. Những điều này đã cho thấy sự bất lực của chính quyền địa phương, các ngành chức năng tỉnh Điện Biên trước vấn nạn “cát tặc” hiện nay.
Về vấn đề này ông Bùi Châu Tuấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Điện Biên cho biết: Chúng tôi cũng đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân huyện. Nhưng ở đây còn chuyện nữa là không thể túc trực 24/24 nên có hiện tượng khi đoàn kiểm tra đi, sao nhãng đi một chút thì hiện tượng này vẫn xảy ra.
Sự bất lực, luẩn quẩn trong vấn đề quản lý tài nguyên cát, sỏi của chính quyền, ngành chức năng tỉnh Điện Biên đang khiến tình trạng khai thác cát chui trên địa bàn huyện Điện Biên trở nên phức tạp và nóng hơn bao giờ hết.
Còn bức tranh tả thực toàn cảnh về dòng sông Nậm Rốm xuôi lòng chảo Mường Thanh thì đang hiện hữu hình ảnh là những “hố tử thần” nuốt trọn những cánh đồng Ngô, rau màu trù phú của người dân. Cùng đó là những thiệt hại về nhà cửa, đe dọa tính mạng người dân mỗi khi mùa mưa lũ về./.