Điểm sự kiện từ ngày 20/5 đến ngày 26/5/2024
* Trong tuần qua, dư luận thế giới tiếp tục quan tâm đến các cuộc xung đột vũ trang Nga-Ukraine; Xung đột Hamas - Israel: Nền kinh tế Palestine đối mặt cú sốc chưa từng có; Israel tiếp tục tấn công trên khắp Rafah sau phán quyết của ICJ; Khả năng NATO triển khai quân tới Ukraine và những hậu quả tiềm tàng; G7 đạt bước tiến trong việc sử dụng tài sản bị phong tỏa của Nga; Lãnh đạo Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản gặp song phương trước thềm hội nghị ba bên; Lở đất tại Papua New Guinea, số người thiệt mạng tăng lên trên 670 người; Bão Ewiniar ảnh hưởng đến hơn 2.700 người tại Philippines;…
- Ngày 25/5, các bộ trưởng tài chính của Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) cho biết họ đã đạt được bước tiến trong việc sử dụng lợi nhuận từ tài sản bị phong tỏa của Nga để hỗ trợ Ukraine, nhưng vẫn chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng.
Đồng ruble của Nga. Ảnh: AFP/TTXVN |
Bản dự thảo tuyên bố của các bộ trưởng tài chính G7 có đoạn: "Chúng tôi đang tiến bộ trong các cuộc thảo luận về khả năng sử dụng lợi nhuận khổng lồ từ tài sản bị phong tỏa của Nga để mang lại lợi ích cho Ukraine".
Tuy nhiên, các bộ trưởng cho biết việc cụ thể hóa cách thức và thực hiện điều này vẫn đang trong quá trình thảo luận.
Trước đó, Ủy viên phụ trách kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) Paolo Gentiloni đánh giá các cuộc đàm phán trong khuôn khổ hội nghị G7 tại Stresa (Italy) có thể dẫn đến một thỏa thuận vào tháng 6 tới về việc khai thác lợi nhuận từ tài sản bị phong tỏa của Nga để hỗ trợ Ukraine.
Các bộ trưởng tài chính thuộc Nhóm G7 đang thảo luận về cách thức rút tiền từ số tài sản trị giá 300 tỷ euro (325 tỷ USD) bị phong tỏa của Ngân hàng trung ương Nga.
Trong tuần qua, EU đã chính thức thông qua kế hoạch sử dụng tiền lãi từ các tài sản của Nga bị khối này phong tỏa, một động thái mà EU hy vọng sẽ tạo ra tới 3 tỷ euro mỗi năm để hỗ trợ Ukraine.
Một ý tưởng tham vọng hơn đang được thảo luận trong G7, do Mỹ đề xuất, liên quan đến việc hình thành một khoản cho Ukraine vay trị giá 50 tỷ USD dựa trên tiền lãi do tài sản của Nga tạo ra.
Ông Gentiloni gợi ý rằng các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Puglia vào tháng 6 tới, nhưng trích dẫn "sự hội tụ tích cực đang diễn ra" ở Stresa. Theo ông, "trong trung hạn, điều này có thể dẫn đến một thỏa thuận" được lãnh đạo các nước G7 thông qua.
Cùng ngày, phát biểu bên lề Hội nghị Bộ trưởng tài chính G7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết bà không thấy có bất kỳ cản trở nào trong các cuộc thảo luận với những người đồng cấp G7 về khoản cho vay lớn hơn dành cho Ukraine được hỗ trợ bằng thu nhập từ tài sản bị đóng băng của Nga.
Trong khi đó, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Ajay Banga, người cũng tham dự hội nghị ở Stresa, khẳng định ông "hoàn toàn" để ngỏ khả năng thực hiện ý tưởng quản lý quỹ cho Ukraine vay của G7 được hỗ trợ bởi thu nhập từ các tài sản có chủ quyền của Nga bị phong tỏa, ít nhất là đối với mục đích phi quân sự.
Ông Banga chia sẻ: "Nếu họ quyết định trao cho chúng tôi... tôi có thể quản lý một quỹ kiểu đó. Tôi sẽ cần các biện pháp bảo vệ, tôi cần đảm bảo rằng người của chúng tôi hiểu cách sử dụng quỹ đó". Ông giải thích điều này sẽ bao gồm việc nhất trí với các nước bảo trợ khoản cho vay về quy trình phân bổ vốn cho các dự án.
Nga tuyên bố quyết định của EU tịch thu số tiền thu được từ tài sản bị đóng băng của Nga và sử dụng chúng để hỗ trợ quân sự cho Kiev là "hành vi chiếm đoạt tài sản", vi phạm tất cả các quy tắc và chuẩn mực của hệ thống kinh tế và tài chính quốc tế.
Hôm 23/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng ký sắc lệnh cho phép nước này lấy tài sản của Mỹ, bao gồm cả chứng khoán, để bồi thường tài sản bị Mỹ phong tỏa và tịch thu.
- Ngày 25/5, Bộ trưởng Kinh tế Palestine Mohammed Alamour cảnh báo nền kinh tế nước này đang đối mặt với cú sốc "chưa từng có" do tác động của cuộc xung đột Hamas - Israel hiện nay ở Dải Gaza.
Trẻ em Palestine tại thành phố Rafah, Dải Gaza ngày 3/5/2024. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong tuyên bố, ông Alamour cho biết các cuộc tấn công ở Gaza, cũng như các biện pháp phong tỏa tài chính và kinh tế của Israel đối với Palestine đang làm gián đoạn hoạt động thương mại của nước này. Ông nêu rõ nền kinh tế Palestine chịu thiệt hại khoảng 20 triệu USD mỗi ngày do hoạt động sản xuất ở Dải Gaza và Bờ Tây bị gián đoạn. Quan chức này kêu gọi cộng đồng quốc tế buộc Chính phủ Israel chấm dứt các cuộc tấn công và các biện pháp phong tỏa kinh tế đối với Palestine.
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 23/5 công bố báo cáo nhận định chính quyền Palestine đang đối mặt với nguy cơ sụp đổ tài chính, khi nguồn thu cạn kiệt và hoạt động kinh tế suy giảm. WB dự báo trong những tháng tới, thâm hụt ngân sách của chính quyền sẽ lên tới 1,2 tỷ USD, gấp đôi mức tài trợ là 682 triệu USD vào cuối năm 2023. Nền kinh tế Palestine được dự đoán sẽ suy giảm từ 6,5 - 9,6%. Thể chế tài chính này nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng hỗ trợ nước ngoài cho chính quyền Palestine.
Theo Quỹ đầu tư Palestine, khu vực dải Gaza sẽ cần ít nhất 15 tỷ USD để bù đắp những thiệt hại sau nhiều năm bị phong tỏa, kìm hãm sự phát triển kinh tế và hiện đang bị tàn phá do xung đột.
- Ngày 26/5, giới chức Liên hợp quốc (LHQ) cho biết số nạn nhân thiệt mạng do vụ lở đất nghiêm trọng tại làng Kaokalam ở Papua New Guinea tăng lên hơn 670 người.
Hiện trường vụ lở đất tại Maip Mulitaka, tỉnh Enga, Papua New Guinea ngày 24/5/2024. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo ông Serhan Aktoprak, quan chức LHQ tại thủ đô Port Moresby, hơn 670 người được cho là đã thiệt mạng và ước tính hơn 150 ngôi nhà đã bị chôn vùi. Ông đánh giá tình hình rất xấu khi đất vẫn tiếp tục sạt lở. Nước chảy gây nguy cơ lớn đối với những người trong khu vực.
Cũng theo quan chức trên, hơn 1.000 người đã sơ tán khỏi Kaokalam. Người dân đang sử dụng mọi công cụ để đưa các thi thể nạn nhân ra khỏi đống đất đá.
Trước đó, giới chức chính phủ Papua New Guinea thông báo thảm họa xảy ra tại làng Kaokalam thuộc thị trấn Porgera của tỉnh Enga, cách thủ đô Port Moresby khoảng 600 km về phía Tây Bắc. Thời điểm lở đất vào khoảng 3h sáng 24/5 khi nhiều dân làng đang ngủ.
* Trong tuần qua, từ ngày 20 - 26/5, trong nước diễn ra một số sự kiện nổi bật, thu hút sự quan tâm của dư luận: Tuần đầu kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV; vụ cháy nhà trong ngõ trên phố Trung Kính, khiến 14 người bị tử vong; tăng cường quản lý thị trường vàng; lần đầu tiên có quy định về tiền điện tử; huy động mọi nguồn lực thông hầm đường sắt Chí Thạnh; 30 trường đại học công bố điểm chuẩn xét tuyển sớm…
- Trong tuần qua, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV đã khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Tại Kỳ họp này, Quốc hội xem xét, thông qua 10 dự án luật, gồm: Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi; Luật Lưu trữ sửa đổi; Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô sửa đổi; Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ theo quy trình tại một kỳ họp; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ sửa đổi.
Quang cảnh phiên họp Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Quốc hội cũng xem xét thông qua 3 dự thảo nghị quyết gồm: Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Đồng thời, Quốc hội xem xét, cho ý kiến 11 dự án Luật khác và quyết định các vấn đề kinh tế xã hội, ngân sách Nhà nước, kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023, thông qua các Nghị quyết về Chương trình giám sát và thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2025, quyết định chủ trương đầu tư dự án cao tốc Bắc Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), cho ý kiến về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050...
Tuần qua, Quốc hội cũng đã thảo luận nhiều vấn đề được dư luận quan tâm như: Thay đổi về cơ chế, chính sách để gói hỗ trợ phục hồi kinh tế đến đúng đối tượng; kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023; gỡ vướng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số; quy định cấm nồng nộ cồn và trừ điểm với giấy phép lái xe; những thách thức của nền kinh tế; công khai giải quyết kiến nghị của cử tri…
Đáng chú ý trong tuần qua, ngày 20/5, Quốc hội tiến hành bầu Chủ tịch Quốc hội, với tỷ lệ tán thành tuyệt đối, Quốc hội thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Trần Thanh Mẫn. Sau khi được Quốc hội bầu, dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.
Tiếp đó, ngày 22/5, sau khi thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Chủ tịch nước, Quốc hội đã tiến hành bầu Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín. Sau khi có kết quả biểu quyết, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bầu ông Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, đại biểu Quốc hội khóa XV giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026. Ngay sau đó, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm đã tuyên thệ và phát biểu nhậm chức.
- Rạng sáng ngày 24/5, đã xảy ra vụ cháy nhà dân trong ngõ tại địa chỉ số 1, hẻm 31, ngách 98, ngõ 43 phố Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Ngôi nhà xảy ra cháy là nhà ở gia đình, cho thuê để ở trọ và sửa chữa xe điện, cách mặt phố Trung Kính khoảng 200 m, nên xe chữa cháy không thể tiếp cận hiện trường. Ngay khi nhận được thông tin, Công an thành phố đã điều động tối đa lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn đến hiện trường phối hợp các lực lượng cơ sở và người dân địa phương tổ chức chữa cháy. Đến khoảng 7 giờ cùng ngày, lực lượng chức năng đã xác định có 14 người tử vong và nhiều người khác phải đưa đi cấp cứu.
Trong sáng 24/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ - Thứ trưởng Phụ trách Bộ Công an, Thứ trưởng Bộ Công an, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh cùng lãnh đạo Bộ Công an, Công an thành phố Hà Nội đã trực tiếp có mặt, kiểm tra hiện trường, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả vụ cháy.
Ngay sau vụ cháy, TP Hà Nội đã ra công văn hoả tốc về khắc phục hậu quả vụ cháy, giao nhiệm vụ cho Giám đốc Công an Thành phố chủ trì, phối hợp với Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy và các đơn vị liên quan, khẩn trương khắc phục hậu quả, điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ cháy, xác định trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan, xử lý theo quy định pháp luật; giao nhiệm vụ cho Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND quận Cầu Giấy hỗ trợ 50 triệu đồng đối với người tử vong, 30 triệu đồng đối với người bị thương trong vụ cháy.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc tới thân nhân, gia đình người bị nạn trong vụ cháy nhà ở phố Trung Kính; đồng thời, ký ban hành Công điện số 52/CĐ-TTg chỉ đạo UBND TP Hà Nội phối hợp với Bộ Công an khắc phục hậu quả, khẩn trương điều tra nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan, xử lý nghiêm vi phạm (nếu có); yêu cầu các cơ quan liên tiếp tục thực hiện hiệu quả Luật Phòng cháy và chữa cháy, Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới...
- Tuần qua, các giải pháp căn cơ quản lý thị trường vàng nóng trở lại, thu hút sư quan tâm của dư luận.
Ảnh minh họa: TTXVN |
Phiên đấu thầu thứ 9 ngày 23/5 chứng kiến vàng của Ngân hàng Nhà nước bán gần hết, với 13.400 lượng, mức cao nhất một tháng qua. Như vậy, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 9 phiên đấu thầu bán vàng miếng SJC tăng cung ra thị trường, trong đó có 6 phiên đấu thầu thành công, với tổng khối lượng trúng thầu là 48.500 lượng vàng.
Việc đấu thầu là giải pháp tăng nguồn cung để trung hòa nhu cầu thị trường, giúp "hạ nhiệt" giá vàng miếng về sát với thế giới. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế đều nhìn nhận đây chỉ là giải pháp tình thế, còn về dài hạn, việc độc quyền vàng miếng cần được xóa bỏ. Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, giá vàng biến động tăng cao, sẽ ảnh hưởng lớn đến bài toán tỷ giá và lo ngại vấn đề “vàng hoá” có thể quay lại, nhất là trong bối cảnh giá vàng trong nước luôn cao hơn giá vàng quốc tế từ 15 - 20 triệu đồng/lượng.
Vì vậy, thời gian tới, cơ quan quản lý cần trình Chính phủ các giải pháp hữu hiệu hơn để quản lý thị trường vàng, tránh chênh lệch cao giữa giá vàng SJC và các loại vàng khác, cũng như chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới.
* Trong tuần Thainguyentv.vn cập nhật các hoạt động, sự kiện nổi bật trong tỉnh trong chương trình Thời sự, các bản tin, chuyên mục, chuyên đề... với nhiều tin đáng chú ý: Đại biểu QH tỉnh Thái Nguyên tham gia thảo luận nhiều nội dung quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội; Thúc đẩy tiềm năng phát triển vùng trung du và miền núi phía Bắc; Phát huy vai trò của “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy”; Chúc mừng Phật đản Phật lịch 2568 - Dương lịch 2024; Ra quân Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè năm 2024;…
- Tham gia các ngày làm việc tại tuần đầu tiên của Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV, đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên đã tích cực đóng góp ý kiến liên quan đến chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023; vấn đề về ngân sách Nhà nước; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí... ; việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; thảo luận và cho ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; Dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi)...
- Ngày 24/5, tại TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Chủ tịch Hội đồng Điều phối vùng trung du và miền núi phía Bắc đã chủ trì Hội nghị lần thứ ba của Hội đồng. Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.
Hội nghị lần thứ ba, Hội đồng Điều phối vùng trung du và miền núi phía Bắc |
Phát biểu tham luận tại hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan nghiên cứu cơ chế phối hợp, chính sách liên kết, điều phối giữa các địa phương trong vùng trung du và miền núi phía Bắc nhằm thúc đẩy liên kết vùng, tiểu vùng; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư; tập trung nguồn lực đầu tư cải tạo, nâng cấp, sửa chữa hoặc đầu tư mới các tuyến giao thông trong vùng một cách đồng bộ, thống nhất; quan tâm ưu tiên, bố trí đủ nguồn lực để thực hiện hoàn thành các dự án quan trọng của vùng theo Quy hoạch. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành Trung ương sớm hoàn thiện Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Bộ Giáo dục và Đào tạo hỗ trợ Đại học Thái Nguyên tăng cường hợp tác, đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn.
Đối với tỉnh Thái Nguyên hiện nay, để cụ thể hóa các mục tiêu trong Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ thông qua, tỉnh đang tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình trọng điểm, mang tính liên kết vùng và liên kết các tỉnh trong vùng như: Dự án tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc; Dự án đường Vành đai V… giai đoạn 2021 - 2030, quy hoạch 11 khu công nghiệp, 01 khu công nghệ thông tin tập trung... nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh phục vụ đầu tư, phát triển.
- Phát huy hiệu quả vai trò của “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy” là mục đích chính của Hội thi nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy” tỉnh Thái Nguyên năm 2024.
Các đội thi thực hiện các nội dung liên quan đến công tác tổ chức chữa cháy; kỹ năng sử dụng dụng cụ, thiết bị chữa cháy; kỹ năng cứu người và di chuyển tài sản đối với loại hình nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. |
Trong bối cảnh tình hình cháy, nổ vẫn diễn biến phức tạp, thiệt hại nghiêm trọng xảy ra chủ yếu ở các tỉnh, thành phố có tốc độ phát triển kinh tế, xã hội và tốc độ đô thị hóa nhanh, có nhiều khu công nghiệp, tập trung tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng dễn cháy; xảy ra một số vụ cháy gây thiệt nghiêm trọng về người tại nhà dân, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Hội thi là cơ hội để bổ sung kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống cháy nổ, cứu người, cứu tài sản cho các thành viên trong gia đình thuộc tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn tỉnh, đưa hoạt động của các tổ liên gia đi vào thực chất; phát huy tối đa hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” trong xử lý các tình huống cháy, nổ xảy ra tại khu dân cư. Cuộc thi cũng lan tỏa, chia sẻ được những kiến thức về an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đến đông đảo quần chúng Nhân dân, để mỗi người dân sẽ tiếp tục trở thành những tuyên truyền viên tích cực, góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
- Nhân dịp Tuần lễ Phật đản Phật lịch 2568 - Dương lịch 2024, trong tuần qua, các Đoàn công tác của tỉnh đã đến chúc mừng các chức sắc, chức việc, tín đồ Phật giáo trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Trong những năm qua, các cấp ủy, chính quyền tỉnh Thái Nguyên luôn quan tâm đến công tác tôn giáo và xác định đồng bào tôn giáo là một bộ phận của khối đại đoàn kết Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, an sinh xã hội của tỉnh. Phát huy truyền thống, thời gian tới, tăng ni, Phật tử sẽ tiếp tục thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Hiến chương của Giáo hội, đóng góp thiết thực trong công cuộc xây dựng và phát triển Thái Nguyên ngày càng phát triển./.