Di động bão hoà, các ông lớn đổ xô vào mô hình "bách hóa công nghệ"
Cuộc chơi mới!
Đến thời điểm này, có thể thấy thị trường bán lẻ mặt hàng công nghệ tại Việt Nam đang có một sự thay đổi khá rõ rệt trong cách trưng bày mặt hàng cũng như tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Người dùng chắc không còn quá bỡ ngỡ khi thấy những kệ tủ trưng bày mắt kính, đồng hồ khi đến Thế giới Di động, một hệ thống bán lẻ thuần công nghệ. Hay đến Bách hóa Xanh, một hệ thống bách hóa cũng đang bắt đầu thử nghiệm mô hình "Bách hóa Xanh kết hợp Điện máy Xanh" với việc gộp chung các mặt hàng rau, củ, quả, thịt cá bên cạnh bán đồ gia dụng nhà bếp như nồi niêu, xoong chảo, chén, dĩa, đũa muỗng…
Và mới đây nhất, Điện máy VinPro cũng đang có sự thay đổi khá rõ nét trong việc đưa mô hình "bách hóa công nghệ" để làm mới mình trước sự thay đổi nhanh của thị trường.
Theo quan sát và tìm hiểu, đây là một mô hình mới mà công ty này đang thử nghiệm từ ngày 28/7 vừa qua, khai trương 10 điểm bán tại 5 thành phố lớn, được thiết kế theo mô hình “bách hóa công nghệ” có diện tích từ 150m2 - 500m2.
Mô hình “bách hoá công nghệ” của VinPro bán đồng thời đồ công nghệ, viễn thông, điện máy, hàng tiêu dùng, đồ gia dụng và hàng loạt các dịch vụ tiện ích khác.
Đơn cử như “giải pháp nhà bếp” – từ các đồ điện gia dụng dành cho nhà bếp đến các đồ dùng vật dụng nội trợ, “giải pháp giặt là” – từ chiếc máy giặt cho đến bột giặt, nước xả vải, lưới giặt…, “giải pháp công nghệ” - từ điện thoại, máy tính tới phụ kiện đi kèm…
Dù chưa có sự khẳng định chính thức nào từ VinPro, xong những động thái này cho thấy VinPro có lẽ là để âm thầm xây dựng mạng lưới, nắm bắt xu thế, và trở lại mạnh mẽ đúng vào thời điểm thị trường “bách hoá công nghệ” bắt đầu sôi động.
Thay đổi vì đâu?
Thực tế, việc thay đổi này đã bắt đầu từ những tháng cuối năm 2018, thời điểm mà các báo cáo chỉ ra rằng, thị trường di động đã tới ngưỡng bão hòa, sức mua giảm, trong khi quy mô các hệ thống ngày càng "phình" to ra.
Trong một báo cáo kết quả kinh doanh 4 tháng đầu năm của Thế giới Di động, công ty này đã đóng cửa đến 11 cửa hàng trong năm 2019. Công ty này cho biết, việc đóng cửa chủ yếu để chuyển đổi mô hình từ cửa hàng bán điện thoại sang điện máy xanh để phù hợp với xu hướng phát triển của thị trường.
Điều này cũng được minh chứng ở các hệ thống khác khi dần chuyển đổi sang các mô hình kết hợp để thu hút thêm nhiều khách hàng, cải thiện doanh thu trung bình trên mỗi cửa hàng trước khi nghĩ đến việc mở rộng quy mô.
Trong một lần trao đổi nhanh với ông Trần Kinh Doanh, CEO hệ thống Bách hóa Xanh hồi tháng 6 năm nay. Ông này bất ngờ tiết lộ đang thử nghiệm mô hình BHX kết hợp Điện máy Xanh với việc gộp chung các mặt hàng rau, củ, quả, thịt cá bên cạnh bán đồ gia dụng nhà bếp như nồi niêu, xoong chảo, chén, dĩa, đũa muỗng…
Chia sẻ với Dân trí, ông nói rằng, chỉ mới áp dụng thử nghiệm tại 3 hệ thống (bao gồm 2 hệ thống ở TPHCM và 1 ở Tây Ninh) đã cho thấy tín hiệu đầy khả quan, đúng kỳ vọng. Chỉ tính riêng ngày thử nghiệm đầu tiên 23/6 ở hệ thống BHX quận Thủ Đức, doanh thu của hệ thống này trên 310 triệu đồng, mặt hàng mới chiếm đến hơn 100 triệu đồng.
Ông Doanh tin rằng, mặt hàng này trong thời gian tới sẽ đóng góp đến 25% doanh thu cho chuỗi BHX và thể hiện quyết tâm sẽ thực hiện sớm mô hình này trên toàn hệ thống.
Tương tự, mô hình “bách hoá công nghệ” của VinPro là sự dịch chuyển hợp lý khi họ được thừa hưởng nhiều lợi thế từ VinGroup. Đại diện từ VinPro cũng cho biết, hướng đi mới này tạo nên các lợi thế từ việc tận dụng được hệ sinh thái của VingGroup. Điều đó đem lại cơ hội tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng và nâng cao trải nghiệm mua sắm, giúp khách hàng không phải đi nhiều nơi để mua hàng, đặc biệt trong việc tối ưu thời gian mua hàng và những nhu cầu phát sinh khi đi mua các sản phẩm điện máy, công nghệ.
Giám đốc một cửa hàng VinPro mới khai trương tiết lộ, với không gian thiết kế gần gũi và số lượng mặt hàng phong phú như bách hoá sẽ giúp họ mô hình này mở rộng ra tập khách hàng, trong đó là đặc biệt là các khách hàng nữ - những người ít khi chủ động việc kéo thêm các khách hàng nữ tới các cửa hàng điện máy – công nghệ.
Ngoài ra, một số hệ thống bán lẻ điện thoại di động thuần túy cũng đang có sự chuyển biến mới trong việc tận dụng nguồn lực và quy mô hệ thống để gia tăng thêm doanh thu. FPT Shop cũng là một ví dụ điển hình trong việc thay đổi này khi kết hợp cùng một hệ thống bán lẻ điện máy để bán hàng hay một kênh thương mại điện tử, chuyên "buôn" hàng từ Mỹ.
Việc chuyển đổi này được xem là bước đi sống còn cho các chuỗi bán hàng công nghệ trong sự chuyển biến nhanh của thị trường. Và tương lai gần, mô hình "bách hóa công nghệ" sẽ là điểm nhấn chính của các hệ thống bán lẻ trong nước trong việc tồn tại, giữ vững thị phần và mở rộng quy mô. Đây sẽ là một cuộc đua mới khốc liệt và đầy thú vị của những tháng cuối năm nay, tạo ra giá trị và lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng.