Để lúa xuân Bắc Bộ đạt năng suất cao
Còn sản xuất có đạt hiệu quả hay không, hiệu quả cao hay thấp lại phụ thuộc rất lớn vào các yếu tố thời tiết, môi trường như ánh sáng, nhiệt độ không khí và nồng độ khí CO2 trong không khí...
|
Quang hợp đóng vai trò đặc biệt quan trọng tạo ra 80 - 90% lượng chất khô của cây trồng nói chung, năng suất lúa nói riêng. 10 - 20% lượng chất khô còn lại là do phân bón.
Để ruộng lúa đạt năng suất sinh vật học lớn (năng suất lúa) cao và bền vững, thì phải đáp ứng thỏa đáng các yếu tố đầu vào, bao gồm:
Nước: Cần tưới dưỡng đủ nhu cầu nước cho cây lúa vào các giai đoạn sinh trưởng thiết yếu như, tưới nông 2 - 3cm sau gieo cấy, tưới ẩm sau lúa đẻ nhánh rộ, tưới sâu 3 - 5cm thời kỳ lúa làm đòng, trổ bông, phơi màu và tưới ẩm khi lúa đông sữa.
Khí CO2: Trong không khí nồng độ CO2 thường chỉ đạt đạt 0,03%, rất thấp so với yêu cầu cần có để cây lúa đạt năng suất tối đa - đây là hạn chế lớn nhất đối với cây lúa quang hợp theo chu trình C3.
Giải pháp căn bản giúp gia tăng nồng độ CO2 trong quần thể ruộng lúa là, tận dụng tối đa mọi nguồn phân hữu cơ hoai mục hoặc phân hữu cơ vi sinh để chăm bón lúa, thay thế cho một phần phân hóa học urê. Phân hữu cơ ngoài ý nghĩa giúp tăng năng suất lúa ổn định, còn có vai trò nâng cao chất lượng nông sản và cải tạo đất. 1ha lúa có thể bón 10 - 12 tấn phân hữu cơ hoặc 3 - 5 tấn phân hữu cơ vi sinh.
Ánh sáng (bao gồm cường độ chiếu sáng và thời lượng chiếu sáng): Nếu thời gian chiếu sáng dài, cường độ chiếu sáng phù hợp thì năng suất lúa càng cao.
Đối với lúa xuân đầu vụ gieo cấy (đông - xuân) thời tiết thường âm u, nắng ít, nắng yếu, nhiệt độ không khí trung bình thấp, hiệu suất quang hợp trên cây lúa đạt thấp - khả năng tạo sinh khối kém. Tuy nhiên nửa cuối vụ (xuân - hè) thời tiết có nắng nhiều (số giờ chiếu sáng và cường độ chiếu sáng cao), rất thuận lợi cho cây lúa tích lũy chất khô tạo năng suất.
Giải pháp kỹ thuật đối với cây lúa thời vụ này là: Bón đủ lượng kali giúp cây lúa cải thiện quang hợp và tăng cường tính chống chịu trong điều kiện ánh sáng yếu (trời âm u, ít nắng), tăng tỷ lệ ra hoa, đậu hạt (giữa vụ). Lượng kali bón/1 sào Bắc Bộ là 5 - 7kg (tùy giống). Bao gồm, bón lót 30%, thúc đẻ nhánh 30% và bón nuôi đòng 40% tổng lượng.
Mặt khác, cần căn cử vào thời gian sinh trưởng của mỗi giống, để bố trí thời vụ gieo cấy sao cho 45 ngày sinh trưởng cuối cùng của cây lúa, nằm trong khoảng thời gian có chế độ chiếu sáng và nhiệt độ không khí thích hợp nhất. Cụ thể, ở đồng bằng sông Hồng cần tính toán thời vụ gieo cấy, để lúa xuân trỗ từ 25/4 đến 10/5, là thời gian cây lúa dễ cho năng suất cao nhất.
Máy làm đất |
Diệp lục: Đóng vai trò chuyển quang năng thành hóa năng, tổng hợp các hợp chất hữu cơ cho cây trồng. Số lượng diệp lục trên thân lá lúa thường do đặc tính giống qui định. Vì vậy, để cây lúa phát huy tốt tiềm năng năng suất của giống nhà nông cần:
- Thăm đồng thường xuyên, phát hiện phòng trừ kịp thời các đối tượng sâu bệnh hại lúa như, đạo ôn, khô vằn, bạc lá, rầy nâu, sâu cuốn lá... Đặc biệt chú ý các đối tượng hại các lá công năng (3 lá đòng) như bệnh bạc lá và sâu cuốn lá.
- Chăm bón sớm, bón phân cân đối theo phương châm “nặng đầu nhẹ cuối”, bón lót toàn bộ phân chuồng, phân lân, 60% lượng phân đạm và 30% lượng phân kali, để cây lúa phát triển nhanh, sớm đạt chỉ số diện tích lá (LAI) tối đa.
- Chọn giống lúa có chỉ số LAI cao. Giống lúa có góc lá hẹp - lá lúa đứng ngoài sử dụng sáng trực xạ cho quang hợp, còn phản xạ lại ánh sáng cho lá lúa khác năng quang hợp.