ĐBQH: Đưa sản xuất, nhập khẩu ô tô vào kinh doanh có điều kiện
Chiều 17/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục 4 Luật Đầu tư về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Nhiều đại biểu đồng tình với việc bổ sung ngành, nghề sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ôtô vào danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện.
Việc bổ sung sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô vào danh mục kinh doanh có điều kiện là hết sức cần thiết (Ảnh: KT) |
Các đại biểu cho rằng, việc đưa vào danh mục cũng không có nghĩa là cản trở doanh nghiệp mà vấn đề quan trọng là các quy định phải được ban hành và thực hiện rõ ràng, minh bạch.
Không để ngành công nghiệp ô tô trong nước “chết yểu” Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Lạng Sơn) tán đồng với việc cho thông qua dự án Luật ngay tại kỳ họp này theo quy trình rút gọn để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, rào cản trong thực tiễn kinh doanh.
Tuy nhiên, về lâu dài, theo ông Thành, Chính phủ nên tiếp tục tập trung rà soát kỹ lưỡng để có một bản danh mục chuẩn các ngành nghề được quy định phù hợp hơn trên cơ sở quy định các tiêu chí nằm trong danh mục bãi bỏ.
Chia sẻ quan điểm này, đại biểu Dương Tấn Quân (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) đề nghị Chính phủ cần có những đánh giá tác động cụ thể đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và có giải pháp xử lý hiệu quả với những tác động đó.
Đại biểu Lưu Đức Long (đoàn Vĩnh Phúc) nêu rõ: Ô tô là ngành đòi hỏi phải yêu cầu cao về mặt kỹ thuật, không phải là hàng hóa thông thường mà là hàng hóa đặc biệt. Đây cũng là quan điểm được đại biểu Lê Ngọc Hải (đoàn Quảng Nam) và đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) đồng tình.
Đại biểu Lưu Đức Long |
Ông Lưu Đức Long phân tích: Việc tổ chức, lắp ráp xe ôtô cần có dây chuyền hiện đại, có đội ngũ kỹ sư trình độ cao, ngành này đòi hỏi quy mô, công nghệ tiêu chuẩn chứ không phải cá nhân nào cũng làm được.
Tương tự như vậy, việc nhập khẩu ôtô không phải có người, có tiền là mua một vài cái xe. Việc này cần quy trình nghiêm ngặt để bảo đảm an toàn, sức khỏe, tính mạng cho người sử dụng và cộng đồng. Cần có hệ thống bảo trì, bảo dưỡng, bảo hành thậm chí triệu hồi khắc phục sửa chữa lỗi, nếu có, theo đúng yêu cầu kỹ thuật chính hãng. Điều này, nếu không được xem xét thấu đáo, chắc chắn hệ lụy của nó rất khó lường, ông Long nhấn mạnh.
Đại biểu Quốc hội lo lắng: Việc đưa ngành, nghề sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô là ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện, không những không vi phạm các cam kết quốc tế mà còn là một cơ hội cho chiến lược phát triển nền công nghiệp ô tô của nước ta, mà trong thời gian vừa qua chưa đạt được mục tiêu như kỳ vọng. Công nghiệp ô tô trong nước chỉ còn hơn một năm nữa để chuẩn bị và tăng cường năng lực cạnh tranh. Nếu chính sách không rõ ràng, không ổn định, không nhất quán sẽ khiến các nhà đầu tư mất niềm tin. Các nhà sản xuất, lắp ráp sẽ rút khỏi thị trường nước ta chuyển sang thị trường khác hoặc chuyển sang việc nhập khẩu khiến ngành công nghiệp ô tô trong nước ốm yếu, chết yểu…
Có điều kiện nhưng phải minh bạch, rõ ràng Đại biểu Nguyễn Chiến (đoàn Hà Nội) cho rằng, cần phân định rõ khi bổ sung các ngành trên vào danh mục có điều kiện. Hoạt động sản xuất, lắp ráp cần có tiêu chuẩn kỹ thuật nhưng đối với nhập khẩu và dịch vụ bảo dưỡng, bảo hành thì hoàn toàn khác và chỉ là hoạt động thương mại, dịch vụ thông thường như các mặt hàng khác. Do đó, theo ông Chiến, không nên đưa vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Nhất trí với việc bổ sung một số ngành nghề vào danh mục kinh doanh có điều kiện, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP HCM) phân tích: Việc đưa vào danh mục có điều kiện không phải là cản trở doanh nghiệp, mà cản trở hay không là do cách thực hiện.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa |
Theo đại biểu này, vấn đề hiện nay doanh nghiệp “ngán ngại” nhất là không phải ưu đãi hay không ưu đãi, có điều kiện hay không, mà vấn đề là những điều kiện đó có hợp lý hay phi lý, quy định mập mờ, nhập nhằng hay không…. Nếu có, đó mới là cái “hành hạ” doanh nghiệp. Ngược lại, nếu kinh doanh có điều kiện mà làm minh bạch, công khai, cụ thể với tinh thần phục vụ thì doanh nghiệp sẽ cảm thấy thoải mái.
Một số đại biểu nêu ý kiến: Ngành ô tô Việt Nam không thể cho phát triển tràn lan để cạnh tranh thoải mái vì không nơi nào theo kịp các nước. Vì thế, cần phải cố gắng lắp ráp và nâng cao tỷ lệ nội địa và kết hợp các thương hiệu lớn của thế giới, các tập đoàn lớn của thế giới để tăng hàm lượng nội địa và tạo công ăn việc làm. Đặc biệt, dịch vụ bảo hành và hậu mãi đòi hỏi điều kiện đầy đủ, chứ không phải chỉ nhập khẩu xong rồi thả nổi.
Phát biểu vào cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ: “Việc nâng cao năng lực cạnh tranh và môi trường đầu tư của Việt Nam đuổi kịp các nước trong khu vực, cũng là điều kiện hỗ trợ thúc đẩy phát triển doanh nghiệp mạnh mẽ hơn.”
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng |
Ông Dũng cho biết, rất nhiều doanh nghiệp thực hiện được đầy đủ các thủ tục nhưng vẫn bị nhũng nhiễu, vẫn bị gây khó dễ. Việc sửa đổi Luật Đầu tư lần này sẽ giúp xóa bỏ sự thiếu minh bạch, tránh trục lợi hay gây sách nhiễu, khó khăn cho doanh nghiệp.
Bộ trưởng cho biết, cơ quan soạn thảo tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội, và đã tiến hành đánh giá tác động của việc bổ sung ngành, nghề sản xuất lắp ráp và nhập khẩu ôtô vào danh mục kinh doanh có điều kiện./.