ĐBQH: Cần bổ sung ngành ô tô vào kinh doanh có điều kiện
Lo biến tướng nếu nới điều kiện nhập ô tô
Thừa uỷ quyền Chính phủ, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư - Nguyễn Chí Dũng đã trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục 4 Luật đầu tư về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Thẩm tra dự luật này, cơ quan thẩm tra cho biết vẫn còn 2 luồng ý kiến khi dự luật đưa sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ôtô vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Ý kiến thứ nhất cho rằng việc bổ sung sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô là cần thiết để phát triển ngành công nghiệp ô tô, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, môi trường và an toàn, tính mạng, sức khỏe của cộng đồng.
Ý kiến thứ 2 đề nghị cân nhắc và làm rõ việc bổ sung trên có xuất phát từ lợi ích của người dân, doanh nghiệp hay yêu cầu quản lý Nhà nước và có đảm bảo tính bình đẳng, phổ quát của pháp luật không.
Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, Uỷ ban Kinh tế tán thành với việc bổ sung sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.
Đồng tình với tờ trình và thẩm tra về bổ sung sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đại biểu Nguyễn Phước Lộc (đoàn TP HCM) phân tích, việc này nhằm tránh khuyến khích nhập khẩu mặt hàng ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và có nguy cơ biến Việt Nam thành bãi rác công nghiệp, thậm chí có thể biến tướng trong việc nhập khẩu xe mới, cũ.
Mặt khác, đại biểu Lộc cho hay, mặt hàng ô tô không phải là hàng hóa đặc biệt, sản phẩm phải thu hồi khi hết hạn sử dụng… Vì thế, nếu không quy định sản xuất, lắp ráp ô tô vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện sẽ ảnh hưởng lớn và vô tình sẽ khuyến khích nhập khẩu linh kiện, phụ kiện, xe cũ…
Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (đoàn Bắc Ninh) thì cho rằng, danh mục dự thảo luật đề xuất cần xem xét, bổ sung đưa ngành sản xuất, lắp ráp,nhập khẩu ô tôvào ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Tuy nhiên, ông Bảo cũng lưu ý, cần cân nhắc kỹ, phải vì toàn quyền lợi của người tiêu dùng, quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.
Đại biểu Nguyễn Công Hồng (đoàn Đồng Nai) cho rằng, việc đề nghị bổ sung sản xuất, kinh doanh và nhập khẩu ô tô vào ngành kinh doanh có điều kiện là chưa thuyết phục. Nhập khẩu ô tô nếu đưa vào kinh doanh có điều kiện sẽ tạo ra sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp lắp ráp, nhập khẩu và vô tình tạo thế độc quyền. Ông Hồng đề xuất cần cân nhắc rất kỹ nếu đưa ngành này vào kinh doanh có điều kiện.
Đại biểu Nguyễn Công Hồng |
Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng, xe nhập khẩu không chính hãng không được hưởng các điều kiện bảo hành, bảo dưỡng theo đúng yêu cầu kỹ thuật của hãng xe; không phù hợp với điều kiện sử dụng tại Việt Nam như khí hậu, thời tiết, tiêu chuẩn đường sá, nhiên liệu… là nguyên nhân tiềm tàng gây mất an toàn, ảnh hưởng tới môi trường.
Không đồng ý quan điểm cho rằng nếu đưa sản xuất, lắp ráp ô tô thành nghề kinh doanh có điều kiện sẽ tạo vị thế độc quyền, lợi ích nhóm, nữ đại biểu tỉnh Hải Dương nhấn mạnh, việc này sẽ góp phần đảm bảo an toàn, môi trường, tạo sự cân đối hài hoà giữa các lợi ích Nhà nước, người tiêu dùng và nhà sản xuất.
Áp lực canh tranh lớn
Trao đổi bên lề Quốc hội, đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn TP HCM) đánh giá, việc Chính phủ đề nghị bổ sung ngành nghề sản xuất sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, kinh doanh dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng, bảo hành ô tô vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện là rất cần thiết và có sự tính toán kỹ lưỡng.
Ông Trần Anh Tuấn, Quyền Viện trưởng Viện nguyên cứu phát triển TP HCM nhấn mạnh: Đây là ngành phải có một định hướng chiến lược phát triển. Tuy nhiên, cho đến bây giờ thì phát triển mang tính chiến lược đó đang bị giậm chân tại chỗ.
Đại biểu Trần Anh Tuấn |
Ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam đang bị áp lực canh tranh lớn từ các quốc gia khác như Ấn Độ, Malaysia... Do vậy, theo đại biểu Tuấn, để phát triển ngành nghề sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, kinh doanh dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng, bảo hành ô tô mang tính chiến lược đã được định hướng đòi hỏi phải có một hướng đi phù hợp.
Ông Tuấn phân tích: Đứng trên góc độ phát triển chiến lược sản xuất của ngành ô tô trong nước đang phát triển chậm và rất yếu về trình độ và tay nghề, cũng như đang yếu về trình độ khoa học kỹ thuật công nghệ, yếu về nguyên vật liệu đầu vào để sản xuất linh phụ kiện cho ngành ô tô vẫn chưa đáp ứng được. Do vậy việc đưa sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, kinh doanh dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng, bảo hành ô tô vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện mang tính khuyến khích các doanh nghiệp trong nước phát triển tốt hơn để thực hiện chiến lược phát triện ô tô theo định hướng đã được đạt ra.
“Tôi nghĩ đây là bước đi đúng nhằm tăng tỉ lệ nội địa hóa, cải tiến qui trình đối với sản phẩm từ ô tô và tăng nguồn thu từ nội địa hóa. Ngoài ra, việc này cũng sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất ô tô, linh kiện ô tô có thời gian để tăng khả năng cạnh tranh đối với các doanh nghiệp trong nước,” ông Tuấn nêu quan điểm./.