Đầu tư vào nông nghiệp loay hoay trong giấc mơ ngàn tỷ
Đơn thương
Chọn nông nghiệp để kinh doanh đã là cách chọn khó, nhưng ông Đinh Hải Lâm, một trong người sáng lập viên Công ty cổ phần Cacao Intercontinental Corporation (CIC) còn chọn con đường khó hơn.
Doanh nghiệp nông nghiệp đang muốn cơ cấu lại, nhưng thiếu nền tảng chính sách phù hợp. Ảnh: Đức Thanh |
Năm 2015, CIC được thành lập, trở thành doanh nghiệp đầu tiên đầu tư công nghệ cao trong trang trại ca cao tại Đắk Lắk. Mục tiêu của CIC – theo những người sáng lập – là để tạo nên mô hình gắn kết trong chuỗi sản xuất hàng hóa hiện đại, cơ sở để việc cây ca cao phát triển bền vững. Trong mô hình này, CIC là hạt nhân, cung cấp kỹ thuật, công nghệ, bao tiêu đầu ra, hỗ trợ tín dụng; các nông hộ là vệ tinh thực hiện trồng và chăm sóc ca cao theo đúng quy cách. Đến thời điểm này, CIC đang đầu tư trồng khoảng 2.000 ha ca cao.
“Công ty gần như không có một sự hỗ trợ nào. Chúng tôi đã tự bỏ cả chục tỷ đồng kéo điện, làm đường… Chính phủ có nhiều chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nhưng hỗ trợ thế nào, đến đâu, làm thế nào để được hưởng thì chúng tôi chưa biết”, ông Lâm nói.
Ông Lâm không phải là người mới trong lĩnh vực này. Trước khi góp vốn thành lập CIC, ông đã có 10 năm kinh nghiệm trong ngành ca cao, từng là Giám đốc Phát triển Ca cao Việt Nam của Công ty Mars Inc. Việt Nam, nên ông thực sự nhìn thấy tiềm năng lớn của cây trồng này cũng như mô hình liên kết chia sẻ lợi ích giữa doanh nghiệp và các nông hộ.
“Doanh nghiệp phải là trọng tâm, chủ thể trong đầu tư phát triển nông nghiệp, song không được bỏ qua nông hộ. Nhưng để doanh nghiệp tự hài hòa mối quan hệ này rất khó”, ông Lâm chia sẻ mối trăn trở bấy lâu.
Những người ngồi nghe ông Lâm tâm sự là thành viên của Nhóm công tác về nông nghiệp của Diễn đàn Kinh tế tư nhân (VPSF) trước thềm cuộc đối thoại với Thủ tướng Chính phủ vào ngày 31/7 tới. Với họ, tâm sự này không mới.
Ông Nguyễn Văn Hà, Giám đốc điều hành Công ty Profarm Việt Nam, với 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp hẳn cũng buộc phải nhắc lại 28 bức thư điện tử gửi tới 28 tham tán thương mại của Việt Nam tại 28 nước trong khối EU.
“Đó là năm 2012. Khi đó, tôi chỉ nhận được duy nhất 1 bức thư hồi đáp từ vị tham tán thương mại Việt Nam ở Hà Lan. Việc đã lâu, nhưng nói thẳng, doanh nghiệp khi bước ra thị trường thế giới rất cần một trái tim vì đất nước từ tham tán thương mại Việt Nam ở các nước, nhưng quan hệ này vẫn rất hành chính”, ông Hà nói.
Vấn đề ở chỗ, trong lĩnh vực nông nghiệp, hàng rào phi thuế quan ở các nước rất phức tạp, nếu không có bàn tay hỗ trợ từ cơ quan thương mại, doanh nghiệp rất khó mở đường vào những thị trường này.
“Chúng tôi cần cả thông tin từ bên ngoài và các cam kết mà Chính phủ Việt Nam ký với các nước trong lĩnh vực nông nghiệp. Hiện tại, thông tin này thường đến doanh nghiệp rất muộn, rất khó xây dựng chiến lược chủ động chuyển dịch hay đối phó với hàng hóa các nước”, ông Hà nói.
Giấc mơ ngàn tỷ
Khoản doanh thu hàng triệu euro trong 1 năm từ 1,5 ha húng quế của một doanh nghiệp tại Hà Lan đang là giấc mơ không quá xa của ông Nguyễn Văn Hà.
Ông Hà kể, khi thăm quan mô hình này, ông Hà cho rằng, với các sản phẩm nông sản đặc sản giá trị cao của Việt Nam, cộng với công nghệ trồng trọt, chế biến hiện đại, ông đã nghĩ tới những doanh nghiệp nông nghiệp có lợi nhuận ngàn tỷ đồng ở Việt Nam.
“Tôi đang tâm đắc với mô hình này, nhưng thực sự không biết nên làm hay không”, ông Hà nói.
Lý do cũng dễ hiểu. Với mô hình này, doanh nghiệp sẽ cần diện tích đất lớn dành cho canh tác. Song nhu cầu này đã bị cản trở bởi quy định về hạn điền, chính sách về chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp…
Ông Hà kể, như Profarm đang có kế hoạch xây dựng nhà máy bài bản, cần 3.500 m2 đất, nhưng ở ngoài khu công nghiệp thì không có đất, trong khu thì chi phí cao, có khi đầu tư nhà xưởng xong thì hết vốn cho sản xuất.
“Tại sao chúng ta không có quy hoạch các khu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, với các chi phí vừa sức. Tôi đã đến Malaysia, thấy họ có mô hình này, đầu tư hạ tầng hoàn thiện để doanh nghiệp nhỏ và vừa thuê”, ông Hà đề xuất.
Nhưng để làm được việc này, mấu chốt cần gỡ, theo các doanh nghiệp, là phải xác định rõ doanh nghiệp là chủ thể, trụ cột trong phát triển sản xuất nông nghiệp. Điều này đồng nghĩa với việc thay đổi hệ thống chính sách liên quan tới quy mô đầu tư, vốn cho nông nghiệp, đầu tư tư liệu sản xuất và tích tụ đất đai…
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó chủ tịch Nhóm Công tác nông nghiệp của VPSF, Chủ tịch Hiệp hội tôm Bình Thuận, Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư thủy sản Nam Miền Trung khuyến nghị, việc cần làm ngay là gỡ hạn điền, xây dựng cơ chế chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thay đổi quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với tình hình mới của thị trường, vùng miền và cả biến đổi khí hậu.
Ông Hoàng Anh đặc biệt nhấn mạnh tới khuyến nghị về trao quyền cho doanh nghiệp trong các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm cả trong nước và nước ngoài.
“Tôi dự nhiều hội chợ do các cơ quan xúc tiến của Nhà nước tổ chức ở nước ngoài, nhiều gian hàng chỉ bắt mắt mà không chất lượng. Không có những câu chuyện về sản phẩm Việt Nam để kể cho khách hàng thế giới. Nhưng nếu để doanh nghiệp làm, vẫn khoản ngân sách đó, tôi tin là sẽ khác vì doanh nghiệp buộc phải thuyết phục khách hàng để bán hàng”, ông Hoàng Anh nói.
Có lẽ giấc mơ ngàn tỷ của các doanh nghiệp nông nghiệp không quá xa, nhưng đúng như ông Hoàng Anh chia sẻ, phải có nền tảng chính sách phù hợp thì ngành nông nghiệp mới tái cơ cấu được.
“Hiện tại muốn làm cũng rất khó vì vướng nhiều quy định không xử lý được”, ông Hoàng Anh nói.
Phải tổ chức lại sản xuất nông nghiệp.
Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT Công ty ThaiBinh Seed
Đây là thời điểm phải tổ chức lại sản xuất nông nghiệp. Quan điểm của việc tổ chức lại này là dựa trên kinh tế thị trường. Nghĩa là sẽ phải xem xét có gì vướng, phải làm gì để thay đổi. Doanh nghiệp sẽ tham gia vào việc này. Quan điểm của chúng tôi là khi đã xác định phát triển nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, có tốc độ tăng trưởng cao thì phải có các giải pháp đồng bộ. Cũng phải có chính sách để hộ nông dân có đủ năng lực, điều kiện lớn lên thành doanh nghiệp, tạo điều kiện phát triển mô hình trang trại… Trên thực tế, có rất nhiều chính sách được ban hành song không đi vào cuộc sống. Tôi cho đó là lý do mà Việt Nam chỉ có khoảng 4.424/500.000 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chiếm khoảng 1% về số doanh nghiệp, 3% về vốn đầu tư của doanh nghiệp vào sản xuất kinh doanh.
Nguồn lực phải đến được các doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả.
Ông Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Phát triển kinh doanh Pan Group
Phải bỏ được cơ chế xin - cho trong phân bổ nguồn lực. Nguyên tắc là nguồn lực phải đến được các doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, có lợi nhuận. Chúng tôi thấy nhiều doanh nghiệp lập dự án xin đất, xin vốn nhưng không thực hiện, thực hiện không hiệu quả trong khi doanh nghiệp thực sự muốn làm, hộ nông dân muốn mở rộng sản xuất thì lại khó vay do không đảm bảo điều kiện về tài sản thế chấp…
Doanh nghiệp phải đứng ra tổ chức tái cấu trúc ngành nông nghiệp.
Ông Nguyễn Trí Ngọc, Thư ký Tổng hội Nông nghiệp, Nguyên cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
Muốn tổ chức lại sản xuất trong nông nghiệp thì phải bắt đầu từ doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải là trọng tâm, động lực, là người đứng ra tổ chức tái cấu trúc ngành nông nghiệp. Để làm được điều đó, chúng ta cần có những chính sách hỗ trợ thu hút, tạo động lực cho doanh nghiệp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang thúc đẩy sửa đổi Nghị định 210/2013/NĐ-CP khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn. Cần có cơ chế để doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường./.