Đất “vàng” bỏ hoang giữa trung tâm thành phố Hội An
Thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam đang tận dụng từng m2 đất nội ô để bố trí đất ở và sử dụng vào các mục đích khác. Thế nhưng, có 1 khu đất rộng đến 10.000 m2 nằm ngay giao lộ Lý Thường Kiệt - Hai Bà Trưng - Nguyễn Công Trứ, thuộc phường Tân An bị bỏ hoang từ nhiều năm nay. Chính quyền và doanh nghiệp chưa tìm được tiếng nói chung nên khu đất “vàng” cỏ dại mọc um tùm.
Những khu nhà dột nát, xung quanh cỏ mọc um tùm. |
Khu đất nằm ở giao lộ Lý Thường Kiệt - Hai Bà Trưng - Nguyễn Công Trứ rộng 10.000 m2, trước đây được sử dụng để xây dựng Nhà máy nước, cung cấp nước sinh hoạt cho người dân thành phố Hội An. Nhà máy nước này trực thuộc Công ty Xây dựng và Cấp thoát nước Quảng Nam.
Năm 2008, UBND thành phố Hội An thống nhất với công ty di dời Nhà máy nước đến Cụm công nghiệp Thanh Hà, diện tích đất được cấp mới để xây dựng nhà máy là gần 2,5 ha.
Sau khi công ty này cổ phần hóa, ngày 1/4/2011, ông Ngô Đức Trung, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Quảng Nam ký cam kết với UBND thành phố Hội An sẽ chuyển giao lại “khu đất vàng 10.000m2” cho thành phố khi Dự án nâng cấp hệ thống cấp nước Hội An lên 21.000m3/ngày đêm hoàn thành đưa vào sử dụng cuối năm 2014.
Trước đó, vào năm 2012, xét thấy nhu cầu khách du lịch đến Hội An ngày càng tăng, đặc biệt là lượng xe chở khách ra vào phố cổ quá đông, gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên nhiều tuyến đường, UBND thành phố Hội An đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam cho phép đầu tư xây dựng trung tâm đón tiếp khách du lịch và bãi đỗ xe tại khu đất của Nhà máy nước cũ.
Bể chứa nước mốc meo. |
Tháng 9/2012, UBND tỉnh Quảng Nam đồng ý về chủ trương và đến tháng 12/2015, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam cũng có kết luận thống nhất thu hồi mặt bằng tại khu đất này giao cho thành phố Hội An xây dựng Trung tâm đón tiếp khách du lịch và bãi đỗ xe. Thế nhưng, từ đó đến nay, lãnh đạo Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Quảng Nam vẫn từ chối cung cấp các hồ sơ liên quan đến tài sản trên đất để Sở Tài chính Quảng Nam làm căn cứ xác định giá trị tài sản đã đầu tư… Vì vậy, khu đất vàng 10.000 m2 nằm ngay trung tâm thành phố Hội An có giá hàng trăm tỉ đồng bị bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm.
Trong khi đó, chính quyền không thu hồi được đất, không thể đầu tư xây dựng Trung tâm đón tiếp khách du lịch và bãi đỗ xe; còn người dân phố cổ thường xuyên chứng kiến cảnh ùn tắc giao thông.
Ông Nguyễn Đình Hùng, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam cho biết, cơ sở pháp lý là khi cấp đất nơi mới thì phải trả lại nơi cũ. UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương nhưng doanh nghiệp cố tình không thực hiện, chây ì. Thậm chí Tỉnh ủy họp yêu cầu phải cưỡng chế nếu Công ty Xây dựng và Cấp thoát nước Quảng Nam không thực hiện. Bây giờ công ty cho rằng Nhà máy thiếu công suất, trong khi thực tế là dư công suất.
“Vấn đề là công ty không muốn trả, do vị trí này đắc địa, nhưng thực tế là đất này do Hội An quản lý từ năm 1985 đến nay” – ông Nguyễn Đình Hùng cho biết thêm.
Đất "vàng" bỏ hoang từ năm này sang năm khác |
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND thành phố Hội An cho rằng, khu đất này trước đây nhà nước giao cho doanh nghiệp nhà nước nên khi cần nhà nước sẽ thu hồi, không thể bỏ hoang mãi được. Chính quyền và doanh nghiệp đã nhiều lần trao đổi các vấn đề liên quan để giải quyết những vướng mắc phát sinh. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có hướng giải quyết cụ thể vì chủ doanh nghiệp hết đưa ra lý do này đến lý do khác để trì hoãn không chịu bàn giao.
“Hiện nay kẹt xe, điều hòa phương tiện không được. Trong năm 2017, chủ yếu dựa vào bãi đỗ xe chỗ đó” – ông Nguyễn Văn Dũng cho hay.
Đất “vàng” bỏ hoang gây lãng phí lớn, tài sản trên đất chỉ còn những khu nhà dột nát, đường ống hoen gỉ, bể chứa meo mốc. Thế nhưng ông Ngô Đức Trung, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Quảng Nam khư khư nói rằng, hệ thống đường ống vẫn còn “sử dụng tốt”, tài sản đáng giá hàng chục tỷ đồng và đề nghị đền bù “thỏa đáng”.
Tài sản trên đất là những máy móc, đường ống hoen gỉ. |
“Bể chứa nước sạch, cụm xử lý vẫn còn nguyên. Chỉ có hồ xử lý nước thô, hệ thống thu nước ngầm bây giờ không sử dụng nữa nên không nâng cấp lại. Chứ nâng cấp lại thì vẫn hoạt động như nhà máy thôi. Nếu muốn lấy thì thứ nhất phải đền bù thỏa đáng, thứ 2 là lấy vì mục đích gì. Toàn bộ Nhà máy nước đã xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa năm 2010 thì đã đưa vào vốn Nhà nước 110 tỷ đồng, trong đó có hạng mục này. Sau đó bán cổ phần ra ngoài thì cũng có danh mục này. Giờ muốn lấy thì phải đền bù để họ làm lại nhà máy 6.000 m3” – ông Ngô Đức Chung lý giải.
Mặc dù đã được cấp đất xây dựng nhà máy nước mới nhưng doanh nghiệp vẫn tiếp tục đưa ra yêu sách buộc UBND thành phố Hội An cấp đất để làm văn phòng. Chính quyền và ngành chức năng ở tỉnh Quảng Nam cần vào cuộc quyết liệt hơn để giải quyết tình trạng đất vàng bỏ hoang./.