Đất, trời trong chén trà xanh
Thu hái chè vụ đông ở xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên. |
Chúng tôi có dịp trở lại vùng chè Tân Cương (T.P Thái Nguyên) vào dịp gần Tết Nguyên đán. Đi dọc trục đường vào xã Tân Cương và các xóm, chúng tôi bắt gặp những nương chè bát úp xanh mướt, trên lá còn đọng những giọt sương mai. Theo những người làm chè nơi đây, thời tiết năm nay ấm hơn mọi năm nên cây chè vẫn cho ra búp, người dân lại được thu thêm một lứa chè nữa. Tuy nhiên, để có được những mẻ chè thơm ngon là cả một quá trình chăm sóc, chế biến kỳ công, đòi hỏi người làm chè phải thật chú tâm. Ông Lê Quang Nghìn, ở xóm Hồng Thái 2 cho biết: Từ thời cha ông, đến đời tôi đã là đời thứ 5 làm chè. Hiện, gia đình tôi có gần 1ha chè, trong đó chè trung du chiếm 90%. Đây là giống chè truyền thống, có hương vị đặc trưng “tiền chát hậu ngọt” mà không một giống chè lai nào có được. Bởi vậy, gia đình vẫn giữ lại phần lớn diện tích chè trung du.
Với kinh nghiệm trồng và chăm sóc chè lâu năm, theo ông Nghìn, vào vụ đông, cây chè ít chịu sự phá hại của sâu bệnh nhưng điều quan trọng đó là phải cung cấp đủ nước cho cây chè trong thời tiết hanh khô. Bởi vậy, cứ đều đặn 3-4 ngày, ông lại tưới nước cho vườn chè một lần vào buổi sáng sớm để rửa sương trên lá chè, đồng thời kết hợp bón phân hữu cơ tơi xốp, nhiều mùn để giữ ẩm cho gốc cây. Nếu như một năm có bốn mùa thì với cây chè, một năm chỉ có 3 vụ chính, đó là: xuân, hạ và thu đông. Tuy nhiên, chỉ có chè ở vụ đông, chất chè đậm nhất, hương vị chè thơm nhất bởi số ngày thu hái dài (trung bình 50 ngày/lứa), không chịu sự ảnh hưởng nhiệt độ cao của ánh sáng mặt trời. Ông Nghìn đánh giá, năm nay thị trường chè Tết tương đối ổn định, đến thời điểm này, giá chè vẫn không tăng so với những vụ chè khác trong năm.
Còn tại Hợp tác xã (HTX) chè Tân Hương, xóm Cây Thị, xã Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên), công đoạn đóng gói, hút chân không những túi chè để giao cho khách hàng trên địa bàn tỉnh và các tỉnh khác cũng đang được các xã viên của HTX thực hiện khẩn trương. Nếu như những ngày thường, giờ làm việc của các xã viên trong HTX là từ 8-17 giờ, thì nay, để phục vụ thị trường Tết, số giờ làm việc là từ 7-23 giờ. Bà Đinh Thị Nhài, Phó Chủ nhiệm HTX chè Tân Hương cho biết: Do thời tiết nắng ấm, cây chè đều búp nên giá chè vụ Tết năm nay không cao như mọi năm mà vẫn giữ mức ổn định (bằng giá của các vụ khác trong năm). Dự kiến trong tháng Chạp, chúng tôi sẽ tiêu thụ được trên 4 tấn chè, trong đó chè đặc sản (chè đinh, tôm nõn và chè búp đặc biệt) trên 3 tấn, còn lại là chè búp xanh khoảng 1 tấn. So với những tháng trước trong năm và so với cùng kỳ năm ngoái thì tháng này lượng chè của HTX bán ra tăng khoảng 15%. Giá của chè tôm nõn dao động từ 550-700 nghìn đồng/kg, chè đinh có giá 2,7 triệu đồng/kg.
Để làm ra những sản phẩm chè đảm bảo chất lượng, đạt tiêu chuẩn đến tay người tiêu dùng, các xã viên của HTX đặc biệt chú trọng từ khâu chăm sóc, thu hái đến chế biến và bảo quản. Chị Đỗ Thị Mười, thành viên HTX chia sẻ: Khi chăm sóc chè, chúng tôi chỉ dùng phân hữu cơ, tuyệt đối không sử dụng loại phân nào khác và dùng thuốc thảo mộc để bón cho cây chè, đồng thời đảm bảo thời gian cách ly đúng theo quy trình. Khi thu hái, không dùng bao tải để đựng búp chè mà dùng các sọt, bởi nếu đựng trong bao tải, búp chè sẽ không có độ thoáng, bị hấp hơi dẫn đến dập nát. Đến khi mang về thì dải một tấm lưới xuống nền, đổ chè ra chỉ từ 3-4 tiếng là mang đi sao. Trước khi chế biến, máy móc và các dụng cụ sao sấy được vệ sinh sạch sẽ. Thông thường thì việc sao sấy chè trải qua 4 công đoạn: Diệt men, vò, sao khô, lấy hương (đánh mốc chè). Công đoạn nào cũng quan trọng, đòi hỏi người làm chè phải có kinh nghiệm, nếu không sẽ hỏng cả mẻ chè.
Có thể nói, qua bàn tay tay chăm sóc, chế biến khéo léo của những nghệ nhân làm chè trên vùng đất Tân Cương, những búp chè mới đến được tay người tiêu dùng. Sản phẩm trà nơi đây đã được khách hàng trong nước và quốc tế ưa chuộng, đón nhận. Những nghệ nhân luôn muốn mang đến cho người dân trên khắp đất nước hương vị trà đặc trưng của vùng đất Thái Nguyên mà ai đã thưởng thức một lần thì sẽ nhớ mãi. Đặc biệt, trong những ngày xuân, bên ấm trà nóng tỏa hương thơm ngát, lòng người càng trở nên ấm áp để chúc nhau một năm mới an khang, thịnh vượng./.