Đại biểu Quốc hội: Thanh tra tài sản quan chức Yên Bái là cần thiết
Ngày 27/6, tổ công tác của Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ đã đến Yên Bái để công bố quyết định thanh tra đột xuất nội dung liên quan đến thông tin về tài sản, đất đai của gia đình ông Phạm Sỹ Quý (Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Yên Bái). Được biết, ông Phạm Sỹ Quý là em bà Phạm Thị Thanh Trà - Bí thư Tỉnh uỷ Yên Bái, nên để đảm bảo tính khách quan, lãnh đạo tỉnh này đã đề nghị các cơ quan Trung ương vào cuộc làm rõ.
Phóng viên VOV.VN phỏng vấn ông Phạm Tất Thắng, Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long về vấn đề này.
Đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng. |
PV: Ông có bình luận gì về thông tin Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái đang sở hữu số tài sản “khủng” và đang được Thanh tra Chính phủ vào cuộc làm rõ?
Ông Phạm Tất Thắng: Qua các hình ảnh, thông tin mà báo chí phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng có thể thấy tài sản, đất đai của gia đình ông Phạm Sỹ Quý là khối tài sản lớn mà nhiều người không dễ có được. Tài sản này lại liên quan đến một lãnh đạo địa phương cấp Sở. Vừa qua, chúng ta cũng đã công bố quyết định thanh tra về khối tài sản này.
Đây là việc làm cần thiết và kịp thời, bởi vì đối với mọi người nói chung và đội ngũ quan chức nói riêng, làm giàu chính đáng là việc cần khuyến khích. Nếu qua thanh tra kết luận khối tài sản là kết quả của quá trình làm ăn chính đáng hoặc do thừa kế thì chúng ta cần công bố để trấn an dư luận và minh oan cho đồng chí đó.
Ngược lại, kết luận thanh tra cho thấy khối tài sản đó có nguồn gốc không hợp pháp hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật khác thì phải xử lý nghiêm để răn đe.
PV: Trên thực tế, việc kê khai và công khai tài sản còn mang tính hình thức, chưa thực sự hiệu quả. Theo ông, vì sao thực tế này vẫn chậm được khắc phục?
Ông Phạm Tất Thắng: Quy định về kê khai và công khai tài sản đã có và chúng ta cũng làm rồi. Chắc chắn đồng chí có khối tài sản “khủng” mà dư luận đang quan tâm cũng đã kê khai và công khai. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, quy định này còn mang tính hình thức, cá nhân cứ kê khai, việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan tổ chức với việc kê khai đó cũng không cụ thể. Và sau mỗi lần kê khai, việc tăng, giảm các tài sản một cách bất thường cũng không được chú ý xử lý.
Tất cả những quy trình đó còn mang tính hình thức. Chính vì vậy, việc kê khai thì vẫn kê khai, và thỉnh thoảng báo chí, dư luận lại phát hiện tài sản “khủng” của một cá nhân nào đó.
Chính vì thế, vừa qua, Bộ Chính trị quyết định đẩy mạnh, nâng cao hơn hiệu quả của việc kê khai tài sản bằng cách có quy định khá chặt chẽ đối với việc kê khai tài sản của 1000 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Với quy định cụ thể và đối tượng hạn chế lại như vậy, cùng những quy định rõ ràng về thủ tục, giám sát kê khai, đặc biệt là giám sát những biến động về tài sản thì qua kiểm tra hàng năm, định kỳ, chúng ta sẽ phát hiện những biến động bất thường trong tài sản của các đối tượng có trách nhiệm kê khai.
Tôi cho rằng, cần tiếp tục mở rộng đối tượng bằng cách Trung ương có thể hướng dẫn Đảng bộ trực thuộc có những quy định để các đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý cũng phải kê khai tài sản. Ví dụ, ở các tỉnh, thành có thể cán bộ thuộc Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý cũng phải kê khai với quy trình, giám sát kê khai tài sản như cán bộ thuộc Trung ương quản lý để có thể tìm ra những biến động bất thường về tài sản.
PV: Việc cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái ký nhiều quyết định để chuyển đổi 13.000 m2 đất rừng sang đất ở của gia đình ông Phạm Sỹ Quý chỉ trong vòng 1 ngày cũng khiến dư luận nghi vấn những đặc quyền, đặc lợi này có được vì ông Quý là em trai của Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái. Ý kiến của ông như thế nào?
Ông Phạm Tất Thắng: Tôi cho rằng, giữa hiện tượng và bản chất, chúng ta chưa có đủ thông tin để kết luận. Bởi vì nhiều khi để ban hành một quyết định thì chỉ cần một ngày, thậm chí chỉ 1 giờ nếu việc chuẩn bị hồ hơ, nộp hồ sơ cho cơ quan chuyên môn trước đó đã thực hiện đầy đủ.
Dư luận có thể có những băn khoăn, bởi diện tích đất rất lớn, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất đòi hỏi quy trình tương đối chặt chẽ, trong khi người đứng tên khối tài sản này là vợ của ông Quý - Giám đốc Sở Tài Nguyên Môi trường Yên Bái, đồng thời là em dâu của Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái.
Vì vậy, có thể dư luận căn cứ vào biểu hiện bên ngoài đó nên có những băn khoăn thì đó cũng là việc bình thường. Tuy nhiên, việc chuyển đổi đất phải chờ Thanh tra Chính phủ kết luận.
PV: Ông đánh giá thế nào về vai trò của chính quyền địa phương và lực lượng thanh tra khi hầu hết những vụ lùm xùm về tài sản của quan chức đều do dư luận và báo chí phát hiện?
Ông Phạm Tất Thắng: Có thể nói đây là một thực tế và vừa qua Trung ương cũng đã đánh giá việc này. Chúng ta có đầy đủ hệ thống kê khai tài sản cũng như các tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát, có các cuộc báo cáo hàng năm, thậm chí ở các doanh nghiệp có sai phạm nghìn tỷ đồng vẫn được thanh tra, kiểm toán đầy đủ đúng quy trình, đúng thời gian, nhưng ít phát hiện ra những sai phạm liên quan đến tham nhũng, lãng phí. Hầu hết các vụ việc liên quan đến thất thoát, tham nhũng, lãng phí đều do dư luận và báo chí phát hiện ra. Đây là một thực tế trong công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua.
Chính vì thế, vừa qua, Trung ương, đặc biệt là Bộ Chính trị có những quy định cụ thể về đối tượng thuộc diện Trung ương quản lý phải có phương thức, cách thức, quy trình kê khai tài sản để làm sao đảm bảo việc kê khai tài sản minh bạch, rõ ràng và kiểm soát được.
PV: Ông có cho rằng cần tạo điều kiện cũng như cơ chế cho người dân trong việc giám sát tài sản có dấu hiệu bất minh của cán bộ?
Ông Phạm Tất Thắng: Hiện nay, chúng ta không có quy định nào hạn chế quyền của người dân trong việc giám sát, phát hiện những bất minh trong tài sản hay trong các hoạt động của cán bộ, công chức
Vừa qua, trong Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chúng ta cũng đã trao thêm cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, thành viên của Mặt trận tham gia việc giám sát và phản biện xã hội. Qua việc Mặt trận tham gia một cách nhiều hơn, cụ thể hơn về giám sát và phản biện xã hội thì chắc chắn vai trò của người dân, các thành viên của các tổ chức chính trị - xã hội đó được nâng lên.
PV: Xin cảm ơn ông./.