Đại biểu Quốc hội đề xuất đưa bình đẳng giới vào sách giáo khoa
Bình đẳng giới nên được đưa vào giảng dạy trong chương trình giáo dục trong nhà trường và sách giáo khoa mới.
Đó là ý kiến của một số đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận ở hội trường về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới diễn ra sáng 9/11.
Đại biểu Châu Quỳnh Dao (đoàn Kiên Giang) - ảnh: Quang Vinh |
Đại biểu Châu Quỳnh Dao (đoàn Kiên Giang) cho biết, ở lĩnh vực giáo dục, xưa nay trong tài liệu giảng dạy sách giáo khoa, chúng ta thấy cũng thiên về hình mẫu, khuôn mẫu của người nam phải mạnh mẽ, quyết đoán là một đấng anh hùng, khí phách hiên ngang. Còn phụ nữ phải dịu hiền, chịu thương, chịu khó, giàu đức hy sinh.
Chúng ta đồng tình rằng đây là những phẩm chất làm nên vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam nhưng trong thời kỳ mới này để đáp ứng xu thế mới, chúng ta cần bổ sung những phẩm chất khác mà xã hội đòi hỏi của một nhà khoa học, của một nữ lãnh đạo, của một nhà hoạt động xã hội.
Đại biểu mong rằng, Bộ GD-ĐT trong biên soạn chương trình sách giáo khoa mới cũng hết sức nghiên cứu vấn đề này.
Đại biểu Trương Anh Tuấn (đoàn Nam Định)- ảnh: Quang Vinh |
Còn đại biểuTrương Anh Tuấn (đoàn Nam Định) cho rằng,Luật Bình đẳng giới có hiệu lực từ mùng 1/7/2007. Qua hơn 10 năm triển khai thực hiện, luật đã từng bước đi vào cuộc sống.
Với những kết quả đã đạt được, mặc dù còn ở các mức độ khác nhau nhưng có thể nhận thấy vấn đề bình đẳng giới thực sự là vấn đề được quan tâm trên các lĩnh vực xã hội và đã có những bước tiến bộ mới.
Trong những năm qua, điều đó được thể hiện kể cả từ công tác lập pháp đến thực thi pháp luật. Từ kinh tế đến xã hội, từ nhận thức đến hành động của mỗi cấp, mỗi ngành, địa phương, đơn vị.
Tuy nhiên, trong công tác bình đẳng giới cũng còn có những hạn chế. Đó là còn có nhiều cách hiểu khác nhau trong xã hội hiện nay về bình đẳng giới.
Nhận thức về bình đẳng giới của một bộ phận nhân dân, một bộ phận những người đứng đầu các cơ quan, các tổ chức chưa đúng, chưa toàn diện, chưa đầy đủ.
Một vấn đề đáng quan tâm là tư tưởng gia trưởng trọng nam khinh nữ vẫn tồn tại trong xã hội. Tư tưởng đó là bất bình đẳng đã và đang dẫn đến nhiều hệ lụy, những điều xấu trong xã hội.
Khi sinh con, đa số người dân mong có con trai dẫn đến tỷ lệ giới tính khi sinh mất cân đối.
Theo số liệu thống kê của năm 2016, hiện nay có 112 bé trai ra đời thì chỉ có 100 bé gái, ở nhiều địa phương tỷ lệ đó cao hơn nhiều, cao nhất lên đến tới 120 bé trai/100 bé gái.
Theo đại biểuTrương Anh Tuấn, nếu không có những thay đổi kịp thời thì đến năm 2050 Việt Nam sẽ dư ra từ 3-4 triệu đàn ông, đây là một mối lo lớn cho những người đàn ông trong tương lai.
Cần chú ý tư tưởng coi thường phụ nữ là một trong những nguyên nhân dẫn đến nạn bạo hành mà gần đây dư luận rất quan tâm.
Vì vậy, việc xây dựng những chính sách đặc thù cho phụ nữ để thúc đẩy bình đẳng giới là một việc hết sức cần thiết và vẫn cần phải tiếp tục quan tâm.
Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền về bình đẳng giới, đại biểu Trương Anh Tuấn kiến nghị cần nghiêm túc thực hiện khoản 2 Điều 23 của Luật Bình đẳng giới.
Theo đó, việc thông tin truyền thông về giới, bình đẳng giới cần được đưa vào chương trình giáo dục trong nhà trường, trong các hoạt động của cơ quan và sách giáo khoa phổ thông mới./.