Đại biểu Quốc hội: Chủ tịch đặc khu có cần Bộ Nội vụ giới thiệu?
Nhân sự có cần Bộ Nội vụ giới thiệu?
Về quy trình bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch UBND đặc khu được quy định trong dự Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết vẫn còn hai loại ý kiến khác nhau là “theo giới thiệu của Chủ tịch UBND cấp tỉnh“ hay “theo giới thiệu của Bộ trưởng Bộ Nội vụ sau khi thống nhất với Chủ tịch UBND cấp tỉnh“. Dự thảo Luật được tiếp thu, chỉnh lý theo loại ý kiến thứ nhất.
Đại biểu Mai Sỹ Diến – Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá bày tỏ đồng tình về việc tổ chức chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND tại 3 đơn vị đặc khu với yêu cầu xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, đảm bảo không có quá nhiều cơ quan tham gia vào việc quản lý đơn vị đặc khu, đảm bảo yêu cầu thử nghiệm cải cách tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị với cơ chế Chủ tịch UBND đặc khu do Chủ tịch UBND tỉnh giới thiệu, HĐND đặc khu bầu, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn.
Theo ông Mai Sỹ Diến, mô hình này đảm bảo kiểm soát quyền lực nhưng vẫn phát huy tập chung quyền lực đối với Chủ tịch UBND đặc khu. Bảo đảm thẩm quyền quyết định quản lý toàn diện xã hội, điều hành hoạt động hành chính, kinh tế - xã hội.
“Bố trí như thế bảo đảm được sự cải cách về thể chế hành chính và tổ chức chính quyền địa phương, bộ máy có đủ thẩm quyền để kịp thời xử lý giải quyết các thủ tục hành chính, xử lý những vấn đề vướng mắc của nhà đầu tư, tổ chức và cá nhân một cách nhanh gọn, phù hợp với yêu cầu đặc biệt về phát triển kinh tế - xã hội của đơn vị đặc biệt” – ông Mai Sỹ Diến nói.
Đại biểu Phạm Văn Hoà: Việc lựa chọn người đứng đầu đặc khu là hết sức quan trọng |
Nêu quan điểm khác, đại biểu Phạm Văn Hòa - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh, vị trí, vai trò của đặc khu do Quốc hội quyết định thành lập được phân quyền thực hiện nhiều nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan nhà nước cấp trên.
Người đứng đầu chính quyền đặc khu có nghĩa vụ và trách nhiệm, quyền hạn vượt trội, đồng nghĩa quyền lợi cũng không phải nhỏ cho nên việc lựa chọn nhân sự, người đứng đầu là hết sức quan trọng, cần có sự định hướng từ cấp có thẩm quyền. Người này phải đủ điều kiện đức, tài, có năng lực và thực hiện quản lý kinh tế giỏi để thực hiện điều hành.
Ủng hộ phương án Chủ tịch UBND dân đặc khu do HĐND bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm theo giới thiệu của Bộ trưởng Bộ Nội vụ sau khi thống nhất với Chủ tịch UBND tỉnh và được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn, ông Phạm Văn Hoà cho rằng quy định này sẽ thuận lợi cho việc lựa chọn nhân sự, không nhất thiết phải là người địa phương nếu có yêu cầu, còn quy định như dự thảo chỉ phù hợp cho người tại địa phương.
“Không nên quy định cứng số lượng Phó Chủ tịch UBND đặc khu”
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang không đồng tình với quy định cứng về số lượng cấp phó của UBND đặc khu, vì cho rằng quy định như dự thảo không có cơ chế tự chủ cho Chủ tịch UBND đặc khu, cũng chưa tạo ra chính sách vượt trội, linh hoạt cho người đứng đầu.
Nhấn mạnh nhiệm vụ của UBND đặc khu đang thay đổi mới mẻ, nặng nề, bước đầu cần phải có bộ máy mạnh mẽ để hoàn thiện nhiệm vụ, bà Nguyễn Thị Kim Bé đề nghị trong giai đoạn đầu, Chủ tịch UBND đặc khu có thể quyết định cấp phó nhiều hơn theo quy định, đến một giai đoạn ổn định thì sẽ thu hẹp số lượng.
“Tôi thiết nghĩ số lượng cấp phó của các UBND đặc khu không nhất thiết phải giống nhau, đó mới là sự quyết định linh hoạt của nhà tổ chức. Tôi đề nghị dự thảo luật không nên quy định cứng về số lượng cấp phó mà nên giao cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân đặc khu quyết định trên tổng số biên chế của mình” – nữ đại biểu nêu ý kiến.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang phát biểu trên Hội trường ngày 23/5 |
Ủng hộ việc dự thảo đã quy định công khai, minh bạch về quyền hạn để tránh lạm quyền, tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức và nhân dân giám sát, nhưng theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé, không nên quy định trước khi quyết định một số nhiệm vụ quan trọng thuộc thẩm quyền thì UBND, Chủ tịch UBND phải lấy ý kiến các bộ, ban, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan, các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà đầu tư chiến lược.
“Quy định như thế tôi cho rằng chưa khoa học, chưa vượt trội, chưa có cơ chế chủ động cho người đứng đầu. Liệu người đứng đầu đặc khu đi hết một vòng để xin ý kiến các thành viên nêu trên thì có còn thời gian đủ cơ hội để thực hiện vấn đề đó hay không. Nếu xin ý kiến vấn đề mà còn có nhiều ý kiến khác nhau thì sẽ quyết định như thế nào?” – bà Kim Bé đặt vấn đề và đề nghị luật phải “gỡ trói” để người đứng đầu các đặc khu thuận lợi hơn trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình đúng như chủ trương đột phá về xây dựng đặc khu./.