Đại biểu Quốc hội chất vấn: Khi nào nông dân thôi bỏ ruộng ra đi?
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XIV sẽ bắt đầu diễn ra từ ngày mai (13/6) và kéo dài trong 3 ngày. Ngoài 4 bộ trưởng đăng đàn trả lời chính (Bộ trưởng NN-PTNT, Bộ trưởng KH-ĐT, Bộ trưởng VHTT-DL, Bộ trưởng Y tế), 4 Phó Thủ tướng cùng tham gia trả lời. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ dành 40 phút cuối của phiên chất vấn để phát biểu ý kiến và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Định hướng nông nghiệp thế nào, dự án “đắp chiếu” tính sao?
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Đoàn TPHCM) cho biết nông nghiệp là vấn đề bà quan tâm nhiều và từng nhiều lần chất vấn Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này.
“Tôi đã từng hỏi Chính phủ “Khi nào, giải pháp gì để cho người nông dân không bỏ đồng ruộng ra đi? Bao giờ nông dân sống được, sống khá giả trên mảnh đất nông nghiệp đó”. Câu trả lời đã dần được hé lộ nhưng đời sống người nông dân vẫn rất khó khăn”- bà Tâm chia sẻ.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm |
Theo nữ đại biểu, nhìn ở một góc độ nào đó, chúng ta đang lãng phí nguồn lực của người lao động nông dân, lãng phí nguồn lực đất đai. Chính sự lãng phí đó đặt ra câu hỏi về quản lý Nhà nước như thế nào? Định hướng phát triển ra sao và vai trò của các ngành liên quan để có một nền nông nghiệp phát triển.
“Tôi rất buồn khi những người có trách nhiệm ở một số bộ ngành liên quan có nói sản xuất nông sản thừa là tại người nông dân sản xuất không theo cảnh báo của Nhà nước, sản xuất chạy theo phong trào... Người nông dân phải đi tìm con đường để sống phải là đáng mừng chứ. Vấn đề là chúng ta tổ chức cho nông dân sản xuất thế nào để có hiệu quả. Đổ thừa cho người nông dân là phủi đi trách nhiệm quản lý Nhà nước” – vị đại biểu Đoàn TPHCM bày tỏ.
Ngoài ra, Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng cho biết, nếu có cơ hội bà sẽ chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về vấn đề đầu tư công, nhất là những dự án đầu tư công lớn nhưng thiếu hiệu quả để làm rõ nguyên nhân, tránh các dự án lặp lại trong tương lai.
“Tôi cho rằng, cần phải quy rõ trách nhiệm của người đừng đầu. Cơ quan nào trình dự án phải chịu trách nhiệm đến cùng về hiệu quả đầu tư của dự án đó, tránh tình trạng thua lỗ, thất thoát nhưng không ai bị xử lý” – đại biểu Tâm nêu quan điểm và mong rằng trong phiên chất vấn, các đại biểu đặt câu hỏi trực tiếp, người trả lời đi thẳng vào vấn đề, nêu được giải pháp cũng như trách nhiệm của Bộ mình đến đâu.
Cũng liên quan đến các dự án “đắp chiếu” với số tiền thua lỗ, thất thoát hàng chục nghìn tỷ đồng, Đại biểu Đỗ Văn Sinh (đoàn Quảng Trị) - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh, vấn đề này đầu tư công đã được đặt ra nhiều lần. Chính phủ cũng đang chỉ đạo rất quyết liệt để rà soát lại các dự án.
“Bây giờ vấn đề đặt ra là hướng, các giải pháp xử lý như thế nào. Đây là một nguồn lực rất lớn của đất nước, càng để tồn đọng lâu lãng phí càng lớn. Trước mắt cần xử lý về mặt kinh tế, cái gì có thể huy động, tái tạo quay trở lại được, cái gì có thể bán…. Thứ hai là xử lý hành chính đối với những tổ chức, cá nhân liên quan tới thất thoát, lãng phí này”- đại biểu Sinh nói.
Cần rõ vai trò, trách nhiệm
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm (Bắc Giang) đặc biệt dành sự quan tâm đến lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Theo đại biểu, thời gian qua, công tác quản lý nhà nước ngành văn hóa qua đã xảy ra nhiều vấn đề khiến dư luận bức xúc, nhất là ở Cục nghệ thuật biểu diễn.
“Tôi cho rằng, những phản ứng của dư luận với Cục Nghệ thuật biểu diễn cho thấy cần đổi mới mạnh mẽ tư duy, cách thức quản lý, nâng cao năng lực quản trị của các cơ quan nhà nước” – đại biểu Lâm nêu quan điểm và cho rằng, qua sự việc này, không thể chỉ kiểm điểm, rút kinh nghiệm, mà Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL cần mạnh tay chấn chỉnh, làm rõ trách nhiệm.
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm |
Cùng với đó, Bộ cũng nên rà soát lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của ngành nói chung và tập trung rà soát lại các quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn để áp dụng phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phát triển hiện nay. Điều này càng khẳng định vai trò của các trưởng ngành là vô cùng quan trọng.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TPHCM) thì cho biết sẽ chất vấn Bộ trưởng Y tế 2 vấn đề nổi cộm của ngành. Thứ nhất là làm cách nào để nâng cao được chất lượng khám chữa bệnh, nhất là khi 2 vấn đề cốt lõi hiện nay là tự chủ bệnh viện và đào tạo nhân lực chưa giải quyết được.
Thứ hai, theo đại biểu, là vai trò cầu nối giữa BHYT và bệnh viện của Bộ khi bất cập của bảo hiểm xuất phát thu thì ít, chi muốn chi nhiều, công nghệ thông tin, con người chưa tốt nên còn tình trạng lạm dụng.
Trong khi đó, theo đại biểu Trần Anh Tuấn, không thể phủ nhận rằng, thời gian qua ngành y tế đã có những nỗ lực để thúc đẩy và không ngừng nâng cao chất lượng, song vẫn còn một số tồn tại. Đó là, tình trạng quá tải, chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng được mong muốn của người bệnh. Bên cạnh đội ngũ y bác sỹ ngày đêm hết mình vì người bệnh, vẫn còn một số y bác sỹ có ứng xử chưa chuẩn mực đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của ngành y.
Điều đại biểu băn khoăn nhất hiện nay là trình độ y học của Việt Nam không thua kém gì các nước trên thế giới, song những người có điều kiện thì lại đang có xu hướng đi ra nước ngoài chữa bệnh. Liệu có phải giá cả, chất lượng khám, chữa bệnh của các nước tốt hơn ở Việt Nam hay không? Đây là điều mà ngành y tế cần phải hết sức lưu tâm.
Nhiều cử tri cho rằng, chất lượng dịch vụ, cung cách phục vụ của một bộ phận y bác sỹ chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa làm hài lòng người bệnh. Theo đại biểu, một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do quá tải của bệnh viện, đặc biệt là tuyến trung ương, vấn đề đã tồn tại nhiều năm nay nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp nào hữu hiệu. Ngoài ra, cũng một phần do chính sách dành cho đội ngũ hoạt động trong lĩnh vực này chưa thật sự thỏa đáng./.