Đại biểu kiến nghị lùi thời hạn thông qua Bộ luật Hình sự sửa đổi
Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, sáng 26/10, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự.
Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội) |
Qua thảo luận, các đại biểu cho rằng, Bộ luật Hình sự là đạo luật lớn, có nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Do vậy, cần khắc phục tối đa những sai sót, sửa đổi triệt để những quy định chưa hợp lý nhằm xây dựng bộ luật có tính khả thi cao, sát với thực tiễn và mang tính ổn định lâu dài.
Về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội và các biện pháp giáo dục với người dưới 18 tuổi được miễn trách nhiệm hình sự. Đa số ý kiến cho rằng, dự thảo luật quy định: người từ đủ 14 tuổi nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về 28 tội danh là không thống nhất, chưa tạo sự công bằng về chính sách hình sự và không phù hợp với tình hình tội phạm trong thời gian qua.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, riêng 6 tháng đầu năm 2016, toàn quốc phát hiện khoảng 2.000 vụ với trên 3.000 người chưa thành niên phạm tội. Điều này cho thấy xu hướng trẻ hóa tội phạm ngày càng tăng. Bên cạnh đó, quy định như dự thảo luật sẽ tạo kẽ hở cho người phạm tội lợi dụng, lôi kéo người chưa thành niên phạm tội.
Vì vậy, các đại biểu đề nghị, cần quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng để xử lý hiệu quả hơn tình trạng người dưới 18 tuổi phạm tội, để giáo dục, cải tạo người phạm tội và nâng cao tính phòng ngừa, răn đe.
Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị: “Giữ lại phạm vi các tội danh mà người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự đã được Bộ luật Hình sự 1999 quy định là người 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng và không nên liệt kê một số tội phạm cụ thể. Chúng ta liệt kê cụ thể thì có khi lại thiếu, nên giữ lại quy định như Bộ luật năm 1999 sẽ đảm bảo được tính công bằng trong xử lý tội phạm”.
Góp ý dự án luật, đa số ý kiến cho rằng, quy định phải giám định để xác định hàm lượng ma túy tinh chất là chưa phù hợp với tình hình thực tiễn về tội phạm ma túy hiện này và không bảo đảm tính công bằng trong xử lý giữa vụ án thu được ma túy và không thu được ma túy. Hiện nay, số vụ án không thu được ma túy ở nước ta chiếm khoảng trên 20% tổng số án ma túy thụ lý. Dù không thu được ma túy nhưng qua quá trình đấu tranh với đối tượng, khai thác người làm chứng, đồng phạm thì các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn có đầy đủ chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội của đối tượng.
Đại biểu Phạm Hồng Phong (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội) |
Tuy nhiên, theo đại biểu Phạm Hồng Phong (đoàn Hậu Giang), thực tiễn xét xử các vụ án ma túy thời gian qua cho thấy, một số vụ án, các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ giám định loại trong lượng thể tích về phần thô của chất ma túy thu giữ được làm căn cứ để truy tố xét xử. Sau khi có đơn đề nghị giám đốc thẩm và cơ quan có thẩm quyền xác định hàm lượng chất ma túy trong các chất thu giữ được là rất thấp nên Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao đã quyết định miễn chấp hành hình phạt còn lại hoặc hủy bản án có hiệu lực để xét lại mức hình phạt.
Đại biểu Phạm Hồng Phong cho rằng: “Nếu không có giám định hàm lượng chất ma túy làm căn cứ xét xử thì dẫn đến oan sai. Vì vậy không phải tất cả các trường hợp đều phải giám định nhưng với những trường hợp các chất thu giữ được nghi là ma túy, là chất ma túy ở thể rắn được hòa thành dung dịch, chất ma túy ở thể lỏng được pha loãng, sái thuốc phiện, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần phải được giám định hàm lượng để làm căn cứ truy tố xét xử”.
Bộ Luật Hình sự năm 2015 lần đầu tiên quy định chế định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại. Đây là điểm đổi mới nổi bật mang tính đột phá trong chính sách hình sự của Việt Nam, nhằm góp phần khắc phục những hạn chế trong xử lý các vi phạm của pháp nhân thương mại, nhất là các vi phạm trong lĩnh vực kinh tế và môi trường. Tuy nhiên, do đây là nội dung mới nên cần xem xét kỹ.
Đại biểu Lê Quân (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội) |
Theo đại biểu Lê Quân (đoàn Hà Nội), hiện nay có nhiều pháp nhân được thành lập để trục lợi bảo hiểm, khai thác khoáng sản sau đó tuyên bố phá sản, đây là một phương thức phạm tội. Đại biểu Lê Quân cho rằng: “Luật chưa đề cập đến trường hợp pháp nhân thương mại bị phát hiện vi phạm nhưng đã sát nhập, mua bán lại hoặc chuyển đổi chủ doanh nghiệp, hoặc những vấn đề xóa án tích sau mua bán, chuyển nhượng. Ở đây có một số pháp nhân cố tình chuyển đổi chủ hoặc một số nhà đầu tư mua lại doanh nghiệp khác nhưng sau đó gặp vấn đề thì có thể rủi ro cho các nhà đầu tư”.
Tại phiên họp, các đại biểu cũng cho rằng, đây là Bộ luật quan trọng có tính chất xương sống, do đó không vì áp lực thời gian mà thông qua luật khi chưa xem xét kỹ. Nếu thấy chưa hoàn thiện thì tiếp tục bổ sung để trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp sau./.