Đại án Oceanbank: Tránh “cục nợ” 500 tỷ, CB bị truy vấn đến cùng
Một trong những vấn đề được quan tâm trong đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TNCP Đại Dương (Oceanbank) đó là mối quan hệ giữa Phạm Công Danh –cựu Chủ tịch VNCB, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Thiên Thanh và Hà Văn Thắm – cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank.
Mối quan hệ này không chỉ dừng lại ở việc, Hà Văn Thắm nhượng Ngân hàng Đại Tín (sau này được NHNN mua giá 0 đồng và đổi tên là CB) mà còn ở khoản vay 500 tỷ đồng được Oceanbank giải ngân cho Công ty Trung Dung – công ty con của Phạm Công Danh.
Hà Văn Thắm trả lời HĐXX về số tiền 500 tỷ đồng |
Giữa Phạm Công Danh và Hà Văn Thắm tồn tại một lời hứa khi nhượng lại NH Đại Tín. Đó là Hà Văn Thắm sẽ giúp đỡ Phạm Công Danh mọi mặt khi nắm NH. Theo lời khai của Hà Văn Thắm, sự giúp đỡ đó cũng nằm trong khuôn khổ pháp luật.
Quá trình trả lời thẩm vấn Hà Văn Thắm chiều 6/3, cho thấy, do hồ sơ vay có một số tài liệu chỉ là bản phô tô, nên điều kiện để cho Công ty Trung Dung vay 500 tỷ là phải có một thỏa thuận tay ba giữa Công ty Trung Dung – NH Đại Tín – Ngân hàng Oceabank về việc phong tỏa tài khoản của công ty này tại Đại Tín. Thỏa thuận này được ký trước khi tiền từ Oceanbank chảy vào tài khoản của Công ty Trung Dung.
Nói về việc không phong tỏa tài khoản của Công ty Trung Dung tại Oceanbank, cựu Chủ tịch Oceanbank cho rằng, đấy cũng là thực hiện lời hứa của mình nhằm giúp NH Đại Tín cân đối thanh khoản.
Tuy nhiên theo Hà Văn Thắm, thời gian khoảng năm sau đó, kiểm tra tài khoản của Công ty Trung Dung tại NH Đại Tín, số dư tài khoản 500 tỷ vẫn tồn tại, nhưng thực tế số tiền đó đã được giải ngân mà theo Hà Văn Thắm là trái thỏa thuận ba bên.
Đây chính là vấn đề mà LS bào chữa cho bị cáo Hà Văn Thắm liên tục đặt câu hỏi liên quan đến văn bản thỏa thuận này đối với đại diện của Ngân hàng Xây dựng (CB).
Quan điểm của CB đưa ra phiên tòa xét xử đại án tại Oceanbank, là họ không có trách nhiệm, không liên quan đến khoản tiền 500 tỷ đồng này.
Đưa ra câu hỏi đối với đại diện CB, LS Đào Hữu Đăng đề nghị đại diện của CB cho biết, việc tài khoản của Công ty Trung Dung đã không còn tiền nhưng tại sao đến ngày 22/6/2013, NH Đại Tín lúc bấy giờ vẫn có giấy xác nhận số dư trong tài khoản của công ty này, kể cả gốc và lãi hơn 500 tỷ đồng.
Có vẻ rất mong chờ câu hỏi này của LS, đại diện CB bà Vũ Thị Hương Thảo cho hay: “NH rất mong câu hỏi này để trả lời nhằm chứng minh sự vô can. Trên thực tế, chúng tôi không có trách nhiệm trả lời nếu Oceanbank yêu cầu xác nhận số dư tài khoản của khách hàng. Vì đấy là nghiệp vụ, bí mật của khách hàng”.
Theo CB, ngày 22/6/2013, dựa trên quy định của pháp luật, NH Đại Tín phát hành 2 bản xác nhận số dư theo yêu cầu của Công ty Trung Dung. Cũng trong ngày hôm đó, Công ty Trung Dung thực hiện ủy nhiệm chi.
Trước câu trả lời của đại diện CB, LS Đăng tiếp đặt câu hỏi: Ngày 10/12/2012, 500 tỷ này được rút ra. Nhưng đến năm 2013 lại vẫn có xác nhận số dư? Ngân hàng Oceanbank có biết?.
“Việc biết hay không là chuyện của Oceanbank”, đại diện CB đối đáp.
Bà Vũ Thị Hương Thảo - đại diện của CB tại tòa |
Trước các câu trả lời của đại diện CB, LS Nguyễn Huy Thiệp – người thứ hai bào chữa cho Hà Văn Thắm truy vấn: Số tiền 500 tỷ trong tài khoản của Công ty Trung Dung được giải ngân vào ngày 10/12/2012 và 27/12/2012 đã dùng tất toán cho các khoản vay khác, có đúng như vậy không?
Đại diện CB lại cho rằng, họ không thực hiện giải ngân mà là thực hiện theo ủy nhiệm chi.
LS Thiệp quay sang truy vấn thỏa thuận 3 bên về phong tỏa tài khoản và lý do chi số tiền 500 tỷ đồng này. Bà Thảo cho hay, NH chưa bao giờ nhận được văn bản ba bên và mới đây là nhận văn bản phô tô. Bà Thảo vặn lại LS Thiệp: “Trên thực tế nếu có căn cứ chúng tôi nhận được văn bản thì mới nói đến chuyện có thực hiện theo hay không”.
LS Thiệp tiếp tục chất vấn: “Bà vừa đại diện vừa là luật sư. Bà có thể trả lời câu hỏi, khi đại diện pháp luật của doanh nghiệp ký và đóng dấu thì đấy có phải là căn cứ để doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm không?
“Chúng tôi chưa hề nhìn thấy biên bản này nên chưa thể đánh giá tính pháp lý của nó. Tại phiên tòa, chúng tôi khẳng định rằng, CB kế thừa các quyền và nghĩa vụ thực hiện các giao dịch hợp pháp của NH Đại Tín”, đại diện Ngân hàng đáp lại.
LS Thiệp chỉ ra mâu thuẫn trong câu trả lời của bà Thảo. LS cho hay: “Bà bảo biết văn bản đó đến khi vụ án này xảy ra. Câu sau lại nói, đến giờ này chưa được nhìn thấy văn bản”.
Hồi đáp câu hỏi, đại diện NH cho rằng, đến ngày hôm nay CB mới biết văn bản này. Đến ngày 10/6/2014 thì nhận được văn bản phô tô. “Tôi biết văn bản nhưng là phô tô, còn nếu đánh giá phải dựa vào biên bản chính”, bà Vũ Thị Hương Thảo nói.
LS tiếp tục đặt câu hỏi, việc lưu trữ, hồ sơ chứng từ do doanh nghiệp chịu trách nhiệm hay đối tác chịu trách nhiệm?.
“Do đơn vị mình chịu trách nhiệm nhưng trước hết phải đến đơn vị mình đã”, người đại diện trả lời
“Với tư cách luật sư, bà có thể trả lời câu hỏi, đại diện pháp nhân ký đóng dấu doanh nghiệp, khi tiếp nhận văn bản này có thực hiện không?, LS Nguyễn Huy Thiệp tiếp tục truy. Bà đại diện né câu trả lời của LS khi cho rằng mình đến tòa chỉ với tư cách người đại diện của NH.
Tiếp tục chất vấn, LS đề nghị người đại diện trả lời câu hỏi: “Một văn bản do DN phát hành thì DN có chịu trách nhiệm không, hay vì sơ suất trong lưu trữ nên chối?
Bà Thảo trình bày: “Tôi chưa nói là sơ suất trong lưu trữ mà chúng tôi chưa nhận được văn bản”.
Trước câu trả lời của đại diện CB, LS đưa ra văn bản có chữ ký của ông Trần Xuân Nam – TGĐ Đại Tín thời điểm đó, và con dấu của NH Đại Tín. “TGĐ ký và đóng dấu NH đây thế mà chối bảo không có”, LS kết thúc phần thẩm vấn đối với đại diện của CB.
Trước đó, liên quan đến khoản tiền 500 tỷ, đại diện của Oceanbank đưa ra đề nghị, các cá nhân, tổ chức như: CB, bị án Phạm Công Danh và một số cá nhân liên quan có trách nhiệm bồi hoàn 500 tỷ đồng cho OeanBank theo hợp đồng của Công ty Trung Dung đã vay.
Tại tòa, bị án Phạm Công Danh cũng trình bày, khoản tiền 500 tỷ này vẫn còn ở CB. Nếu giao dịch này là vi phạm, bị án đề nghị HĐXX truy thu số tiền trên để trả lại cho Oceanbank./.