Đại án Oceanbank: Hà Văn Thắm đã nộp chứng cứ chi tiền lãi ngoài
Hà Văn Thắm nộp chứng cứ chi tiền
Tiếp tục diễn biến phiên tòa xét xử đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) sáng 24/9, Hà Văn Thắm – cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank xin được có ý kiến đối đáp với quan điểm của VKS.
Trong các quan điểm đưa ra, Hà Văn Thắm nêu yếu tố giảm nhẹ chưa được cơ quan công tố xem xét. Theo đó, cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank cho rằng, cơ quan công tố chưa ghi nhận cho bị cáo thêm tình tiết giảm nhẹ là “thành khẩn khai báo”.
Hà Văn Thắm tại phiên tòa. |
Ngoài ra, Hà Văn Thắm đề nghị được xem xét thêm tình tiết giảm nhẹ mới đó là việc anh ta nộp chứng cứ chi tiền cho cá nhân.
Trong hành vi chiếm đoạt, Hà Văn Thắm cho rằng, việc chi tiền cho Nguyễn Xuân Sơn, bị cáo không biết có hành vi Ninh Văn Quỳnh – cựu kế toán trưởng PVN chiếm đoạt, việc chi lãi ngoài vượt trần cho PVN Thắm khai thông qua Nguyễn Xuân Sơn. Việc Ninh Văn Quỳnh chiếm đoạt là chuyện riêng, còn đối với PVN, Thắm cho hay mình được hưởng lợi từ tiền gửi của tập đoàn này.
Phân tích về tội tham ô tài sản, Thắm nói rằng, trong số tiền 246 tỷ đồng được quy kết Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt thì có 49 tỷ đồng bị quy buộc tội Tham ô tài sản. Việc quy kết hành vi này được tính theo tỉ lệ 20% vốn đóng góp của PVN vào Oceanbank. Theo Thắm nếu tính số tiền 246 tỷ đồng chia theo cổ đông thì số tiền 1.300 tỷ đồng trong hành vi Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng cũng có 20% của PVN và 80% còn lại là của các cổ đông Oceanbank, chứ không phải của Ngân hàng Oceanbank mới.
Hiện Oceanbank mới đang là nguyên đơn dân sự - người bị thiệt hại trong vụ án này. Oceanbank mới thành lập sau khi Oceanbank được NHNN mua với giá 0 đồng.
Bên cạnh đó, trong phần đối đáp của mình, Hà Văn Thắm còn mong muốn được đối xử công bằng giữa Oceanbank với các tổ chức tín dụng khác. Sự công bằng của các cổ đông Nhà nước và cổ đông cá nhân trong xác định thiệt hại.
Trong hành vi Cố ý làm trái, trong bất kỳ vụ án nào cũng cũng truy xét người thụ hưởng tiền và Thắm muốn được công bằng trong xem xét ai là người thụ hưởng tiền, ai là người nhận tiền.
Bên cạnh đó, Hà Văn Thắm cũng mong được xem xét vai trò hành vi của mình một cách công bằng khi so với bị cáo Nguyễn Xuân Thắng – em họ của Nguyễn Xuân Sơn – cựu Phó GĐ Khối khách hàng lớn. Nguyễn Xuân Thắng là người đã nhận hơn 220 tỷ đồng từ Oceanbank để đưa cho Nguyễn Xuân Sơn. Số tiền này cơ quan tố tụng xác định bị cựu TGĐ Oceanbank chiếm đoạt.
Theo Thắm, xét các yếu tố, bị cáo có vai trò như Nguyễn Xuân Thắng khi không biết số tiền chi lãi ngoài bị chiếm đoạt. Bị cáo còn sẽ hơn Thắng là sẽ đấu tranh đến cùng nếu biết tiền bị chiếm đoạt.
Trong lời cuối trong đối đáp của mình, Hà Văn Thắm mong HĐXX xem xét tội tham ô tài, vì cho rằng vai trò của mình rất mờ nhạt không thể làm đồng phạm giúp sức cho Nguyễn Xuân Sơn.
Hành vi của Hà Văn Thắm – cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank và đồng phạm đã tiếp tay cho tham nhũng, hành vi đó bị lên án và xử lý theo quy định.
Nguyễn Xuân Sơn bác cáo buộc o ép Hà Văn Thắm
Cũng đưa ra quan điểm đối đáp, Nguyễn Xuân Sơn cho rằng, việc công tố quy buộc bị cáo tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản và Tham ô tài sản là không thỏa mãn quy buộc. Sơn cho hay, thực tế việc chi tiền lãi ngoài được đưa đến các nhân viên trong ngân hàng, việc chăm sóc khách hàng là thực hiện như nhau. Đó là quyền của Hà Văn Thắm, quyền của ngân hàng, Sơn không thể o ép.
Nguyễn Xuân Sơn cho rằng mình không chiếm đoạt tiền |
Việc số tiền 246 tỷ đồng bị quy buộc chiếm đoạt, theo Sơn là đã chăm sóc khách hàng, nó phù hợp với tổng thể chung về thực tế chi lãi ngoài. Việc tách ra và quy buộc bị cáo 3 tội danh là nặng nề. Sơn cho rằng, các khoản chi lãi ngoài đều đúng mục đích và làm lợi cho ngân hàng. Một số người nhận tiền chi lãi ngoài như tại Vietsovpetro, BSR, PVEP đã được bị cáo khai. Chi tiền chăm sóc khách hàng mang lại lợi ích cho ngân hàng, bị cáo mong HĐXX xem xét.
Cơ quan công tố cũng cho biết, các bị cáo và quan điểm của luật sư nại ra rằng, hành vi vi phạm của các bị cáo là vi sự phát triển của ngân hàng. “Tôi cho rằng, luận cứ không có cơ sở, không Nhà nước nào chấp nhận một cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật mà được coi là chính đáng. Qua đó thể hiện tính thiếu thượng tôn pháp luật”, theo quan điểm của công tố viên.
Về hành vi chiếm đoạt liên quan đến Hà Văn Thắm và Nguyễn Xuân Sơn, cơ quan công tố cho biết, ngay trong qua trình điều tra, chỉ có Hà Văn Thắm thừa nhận với lý do bối cảnh phụ thuộc vào nguồn vốn lớn của khách hàng dầu khí nên phải thực hiện theo yêu cầu của Nguyễn Xuân Sơn chi tiền lãi ngoài. Toàn bộ số tiền này không được hoạch toán sổ sách mà dừng lại ở “túi” các cá nhân.
Số tiền lãi ngoài trong hành vi chiếm đoạt (246 tỷ đồng-PV), công tố cho hay, Nguyễn Xuân Sơn sử dụng cá nhân và chia chác cho các mối quan hệ, trong đó rõ nhất là Ninh Văn Quỳnh được chi 20 tỷ đồng.
“Điều đó có thể khẳng định, không có căn cứ nào về lời trình bày của bị cáo Sơn sử dụng vào các hoạt động từ thiện, hoạt động phúc lợi khác, dùng làm quà biếu cho lãnh đạo các bộ, ngành…”, VKS cho hay.
Tuy nhiên, một số luật sư cho rằng, việc chi lãi ngoài cho PVN là thực tế và coi là chứng cứ, và nó làm ảnh hưởng uy tín của PVN.
“Tôi hiểu và chia sẻ bức xúc của đại diện PVN về vấn đề này. Về chức vụ quyền hạn của Nguyễn Xuân Sơn, theo góc độ của kiểm sát thì nó thỏa mãn yêu cầu chức vụ quyền hạn theo yêu cầu của pháp luật”.
Chiều nay các bị cáo sẽ nói lời sau cùng./.