Đà Nẵng triển khai lộ trình các giải pháp tổng thể chống ùn tắc giao thông
Theo UBND TP Đà Nẵng, thời gian qua, diện mạo đô thị Đà Nẵng phát triển mạnh mẽ, có nhiều biến đổi sâu sắc. Bên cạnh việc đầu tư các khu đô thị mới theo quy hoạch, thành phố cũng quan tâm đến việc cải tạo những khu đô thị cũ. Nhiều tuyến đường, nút giao thông được cải tạo, mở rộng cùng với đầu tư xây dựng mới một số công trình giao thông trong khu nội đô đã góp phần chỉnh trang đô thị, thuận tiện hơn cho người dân đi lại.
Tuy nhiên, khu vực trung tâm đang chịu áp lực gia tăng về điều kiện hạ tầng do số lượng các tuyến đường làm mới không theo kịp tốc độ tăng trưởng dân số.
Số liệu thống kê cho thấy, năm 2015, dân số Đà Nẵng là 1.029 nghìn người, trong đó gần 40% tập trung chủ yếu ở hai quận Hải Châu và Thanh Khê.
Đà Nẵng triển khai lộ trình các giải pháp tổng thể chống ùn tắc giao thông |
Cho đến hết năm 2016, số lượng phương tiện cơ giới thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn thành phố là hơn 868.640 xe các loại, trong đó ô tô là 61.210 xe, xe máy là 807.430 xe.
Qua thống kê cho thấy, trong 5 năm trở lại đây, số lượng phương tiện đăng ký mới trên địa bàn TP Đà Nẵng không ngừng tăng, tỷ lệ gia tăng phương tiện bình quân đều từ 8,58-10,46%/năm.
Bên cạnh đó, nếu giữ nguyên mạng lưới vận tải công cộng như hiện nay thì đến năm 2020, mạng lưới công cộng chỉ có thể đáp ứng được từ 1 – 2% nhu cầu đi lại. Vận tải cá nhân sẽ chiếm hơn 90% tổng nhu cầu đi lại, nguy cơ ùn tắc giao thông sẽ xảy ra không chỉ tập trung ở các nút giao cắt mà sẽ mở rộng phạm vi trên các tuyến đường dẫn vào nút.
Trong thời gian qua, hiện tượng ùn tắc giao thông xảy ra chủ yếu vào giờ cao điểm ở một số nút giao thông, trục giao thông chính khu vực trung tâm. Vị trí ùn tắc thường xuất phát từ nút giao thông với các trục đường có lưu lượng giao thông vào nút lớn, dẫn đến tình trạng ùn tắc tiếp đoạn đường trước đó.
Kế hoạch triển khai các giải pháp tổng thể của Đà Nẵng nhằm ngăn chặn ùn tắc giao thông giai đoạn 2017 – 2020 phù hợp với hiện trạng, quy hoạch đô thị và hạ tầng giao thông thành phố.
Theo đó, tiếp tục đầu tư xây dựng mạng lưới giao thông bên cạnh công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch giao thông vận tải theo điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố, phân bố lại và nâng cao hiệu quả của mạng lưới giao thông.
Xây dựng mô hình tính toán, đánh giá, phân tích mạng lưới giao thông hiện trạng, dự báo nhu cầu phát triển hệ thống mạng lưới giao thông đô thị trên toàn thành phố hoặc khu vực, làm cơ sở quy hoạch các trục chính, phân bố lại luồng giao thông, cân đối tổng thể mạng lưới giao thông và lộ trình tổ chức giao thông, phân luồng xe, lộ trình đầu tư các trục giao thông, kể cả giao thông trên cao và giao thông ngầm.
Xây dựng một số nút giao thông trọng điểm, khác mức. Triển khai dự án đầu tư xây dựng hệ thống giám sát giao thông thông minh trên địa bàn thành phố theo hình thức BT để kết nối toàn bộ hệ thống đèn tín hiệu điều khiển tại Trung tâm, lắp đặt camera xử lý vi phạm tại các nút giao thông, trục đường chính. Triển khai đầu tư xây dựng các bãi đậu xe.