Cựu Thủ khoa ĐH Luật HN gửi thư "hiến kế" với Bộ trưởng Giáo dục hướng tới 1 kỳ thi lý tưởng
Cựu Thủ khoa trường ĐH Luật Hà Nội (năm 2009) Hoàng Thục Oanh đã có bức thư gửi tới Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ về những trăn trở, lo lắng và đưa ra giải pháp để hướng tới một kỳ thi đại học lý tưởng trong thời gian tới.
Dân trí xin giới thiệu bức thư này!
Cựu Thủ khoa trường ĐH Luật Hà Nội mong muốn chỉ còn 1 kỳ thi xét tuyển vào đại học |
Kính gửi bác Bộ trưởng Bộ Giáo dục!
Cháu là một cựu sỹ tử của kỳ thi Đại học cách đây 08 năm, quê Tuyên Quang và không phải người dân tộc thiểu số. Phải nói vậy vì vào kỳ thi Đại học năm ấy, cháu là Thủ khoa khối C của Trường Đại học Luật Hà Nội với số điểm 26 (Văn 8; Sử 8.25; Địa 9.75). Cháu được cộng 1.5 điểm khu vực và không được cộng điểm dân tộc (02 điểm) như nhiều bạn bè cháu mạn trên ấy.
Bác Bộ trưởng kính mến,
Cháu vẫn nhớ như in cái cảm giác khi mình được 26 điểm, được là Thủ khoa năm ấy, vinh dự, tự hào vô cùng. Nhưng bây giờ, với con số 27.5 tổng điểm, cháu chưa chắc đã đỗ được vào ngành của trường mà trước đây cháu từng chọn.
Bác ạ, nhiều năm theo dõi, quan sát về diễn biến, hình thức các kỳ thi cử cháu cũng nắm được những bước ngoặt cơ bản của công tác đổi mới trong giáo dục. Đặc biệt là việc gộp kỳ thi tốt nghiệp THPT với kỳ thi Đại học thành một kỳ thi THPT Quốc gia.
Lý do để cải cách, gộp 2 kỳ thi thành 1 thì nhiều, cháu chỉ nhớ vài cái cơ bản như: để giảm áp lực thi cử, để tiết kiệm chi phí, để giảm tải gánh nặng cho các tỉnh thành là các điểm thi lớn của cả nước…. Nhưng cá nhân cháu, với tư duy phản biện mà lại rất cầu thị, cháu thấy có lẽ mình nên nói với bác về điều cháu nghĩ.
Thứ nhất, một yêu cầu vô cùng quan trọng của kỳ thi Đại học trước đây là khả năng phân hóa học sinh, tức là đề thi Đại học phải được nâng lên một mức so với kỳ thi Tốt nghiệp THPT.
Với kỳ thi Tốt nghiệp THPT, các em chỉ cần nắm bắt được các kiến thức cơ bản còn ở kỳ thi Đại học, rõ ràng với tính cạnh tranh vốn có, nó phải là những kiến thức có khả năng phân hóa được thí sinh. Hai kỳ thi ấy đứng cạnh nhau vốn đã có cái cao, cái thấp.
Đó là lý do vì sao, ngày ấy chỉ với 26 điểm, cháu được các báo đài đưa tin; thầy cô, bạn bè cổ vũ, chúc mừng; tôn vinh tại các chương trình khen thưởng… thì giờ 26 điểm chả là gì cả, đến 29 điểm cũng vẫn có nguy cơ trượt Đại học.
Tại sao lại bắt những người có năng lực vượt trội phải làm một đề thi ở mức trung bình dễ để rồi mức năng lực tối đa họ có cũng chỉ được đánh giá ngang với mức năng lực tối đa của người trung bình có thể làm? Cháu nghĩ đó vốn đã là một sự bất công. Những người giỏi sẽ không có tiếng nói để nói mình giỏi hơn những người còn lại.
Một lần nữa nói về vấn đề điểm cộng cùng với hình thức thi cử hiện nay, cháu thấy thương, thật sự, cho những bạn đang học và sinh sống tại các thành phố lớn. Đề dễ cộng với số lượng người được cộng điểm nhiều đến mức có nhiều ngành điểm chuẩn chính là mức tuyệt đối và trên tuyệt đối.
Thế là bỗng nhiên, do không có điểm cộng, các bạn ở thành phố lớn chả thể tự đẻ thêm điểm cho mình để vượt mức tuyệt đối nữa, dù khả năng của các bạn có thể làm những bài khó hơn nhiều. Nhìn danh sách trúng tuyển nhiều ngành, chả thấy mấy bạn ở các thành phố hoa lệ như Hà Nội, Hải Phòng… cháu cũng thấy có gì đó ái ngại.
Chuẩn hóa về chất lượng một kỳ thi chung là tốt nhưng các trường vẫn tin tưởng vào chất lượng của các thí sinh trúng tuyển do chính mình trông thi hơn; cảm thấy có chút gì gần gũi, tâm huyết hơn với các thí sinh có nguyện vọng thi vào trường mình ngay từ khi làm hồ sơ thi Đại học thay vì cứ trông chờ chỉ số lên xuống của điểm thi, tâm lý của các em sau mỗi kỳ thi.
Điều này, vô hình chung, làm cho công tác dự báo xu hướng đào tạo thật khó, các trường trở tay không kịp với công tác chuẩn bị nhân lực – vật lực khi có kết quả tuyển sinh chính thức của trường mình.
Thứ hai, nếu nói để tiết kiệm chi phí, giảm tải áp lực thi cử thì cháu muốn hỏi ngược lại rằng: Tại sao chúng ta không bỏ luôn kỳ thi tốt nghiệp THPT, chỉ giữ lại kỳ thi Đại học? Vẫn là chỉ còn một kỳ thi, nhưng kỳ thi đó là kỳ thi lý tưởng với tất cả những người muốn bước chân vào cánh cửa danh giá ấy.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT suy cho cùng chỉ để đánh giá mức kiến thức nền tảng, vậy lẽ ra, với việc học thật – thi thật trong suốt 12 năm học, ta nên coi việc học và thi xong hết môn của lớp 12 chính là việc hoàn thành chương trình học phổ thông rồi. Vậy là ta tiết kiệm được 01 kỳ thi, vừa giảm tải áp lực thi cử vừa cắt giảm được rất nhiều chi phí.
Thế còn kỳ thi Đại học? Phù hợp với xu hướng chung của những nền giáo dục tiên tiến trên thế giới và cũng là nền giáo dục tự chủ mà chúng ta đang dần hướng tới, ta sẽ trao cho các trường quyền tự định đoạt trong công tác tuyển sinh.
Đó sẽ là những môn thi mà chỉ trường Luật mới có vì nó là yếu tố cơ bản để làm nên những Luật sư danh tiếng trong tương lai. Đó sẽ là những hình thức thi mà chỉ có trường Múa mới dùng vì những diễn viên múa sẽ không làm cùng ngành với những bác sỹ phẫu thuật. Bác sỹ phẫu thuật thì phải có một đôi tay thật khéo léo vì nó sẽ được dùng để cứu sống sinh mạng của biết bao bệnh nhân hiểm nghèo.
Nhắm mắt lại, cháu tưởng tượng ra rằng, nếu có một ngày, hình thức này được áp dụng, chắc chắn các bạn học sinh sẽ lại có nhiều động lực để phấn đấu trong một kỳ thi phân loại sắc sảo, một môi trường tuyển sinh mà ở đó thế mạnh cá nhân thực sự được cá thể hóa và chuyên biệt; chuyện bất công trong điểm cộng sẽ không đỉnh điểm ở mức 30 điểm vẫn trượt vì quê Hà Nội.
Cháu chỉ muốn hiến kế để cùng bác đổi mới, dù biết rằng đôi khi đổi mới có thể lại chính là hành trình quay về điểm cũ.
Kính mong bác xem thư và suy nghĩ một chút về những điều cháu viết.
Chúc bác luôn mạnh khỏe và công tác tốt!
Kính thư!
Hoàng Thục Oanh