Cứu sống trẻ sơ sinh 10 ngày tuổi bị viêm phúc mạc bào thai
(Ảnh minh họa: Dương Ngọc/TTXVN) |
Trước đó, ngày 20/2, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai tiếp nhận bé L trong tình trạng bụng trướng, bú kém, nôn ói nhiều chất dịch màu xanh rêu, thành bụng bị ửng đỏ.
Các bác sỹ xác định, bé L bị tắc ruột, rối loạn đông máu, được tiến hành hồi sức và phẫu thuật khẩn cấp.
Tiến hành phẫu thuật, các bác sỹ phát hiện ruột của bé L bị đứt thành 2 đoạn. Một đoạn từ dạ dày xuống chỗ bị đứt dài 1,1m, kích thước bình thường, đường kính 1-2cm. Đoạn còn lại từ chỗ bị đứt đi xuống ruột già dài 60cm, bị teo nhỏ, đường kính 0,5-1cm, lòng ruột không thông suốt.
Các quai ruột bị xoắn, dính bết vào nhau tạo thành một đám rối ruột và một khối các mô ruột bị hoại tử.
Theo bác sỹ Vũ Công Tầm, Trưởng khoa Phẫu thuật, gây mê-hồi sức Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, đội ngũ bác sỹ phẫu thuật phải tập trung cao độ hỗ trợ hô hấp, chống nhiễm trùng, dinh dưỡng tĩnh mạch toàn phần, điều chỉnh các rối loạn sinh học.
Các bác sỹ cũng đã cẩn thận, tỉ mỉ làm sạch ổ bụng, gỡ rối đám ruột nhưng không để bị chảy máu (vì máu của trẻ sơ sinh rất ít), không gây tổn thương thêm, sắp xếp lại ruột, áp dụng các kỹ thuật kích thích cho đoạn ruột 2 phát triển thêm và làm lại hậu môn nhân tạo cho bệnh nhi.
Theo Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, bệnh viêm phúc mạc bào thai là hậu quả của tai biến mạch máu ruột xảy ra trong thai kỳ làm hoại tử đoạn ruột. Phân su tràn ra ổ bụng gây viêm phúc mạc bào thai. Trước đây, với các trường hợp bị viêm phúc mạc bào thai, chỉ khoảng 1/35.000 trẻ sinh ra sống.
Tuy nhiên, nhờ sự phát triển của nhiều chuyên khoa trong những năm gần đây, tỷ lệ sống của các trường hợp mắc bệnh này đã được nâng lên cao hơn.
Hiện, bệnh nhi N.M.L đã có sự sống vững vàng, bắt đầu bú được 50 ml sữa mẹ. Thời gian tới, bé L tiếp tục được phẫu thuật để giải quyết triệt để các hậu quả của viêm phúc mạc bào thai./.