Cuộc thi “Người đẹp xứ Trà”: Hứa hẹn nhiều hấp dẫn
Đồng chí Ma Thị Nguyệt, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức Festival Trà lần thứ 3, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi “Người đẹp xứ Trà” cho biết: Cuộc thi năm nay có chủ đề “Hương sắc xứ Trà”. Chữ “hương” phải đứng trước chữ “sắc” thì mới thể hiện rõ được nét độc đáo riêng có của vùng chè, đồng thời sát nghĩa với chủ đề “Tinh hoa văn hóa Trà Việt” của Festival Trà lần thứ 3 đã được Ban Tổ chức đưa ra.
“Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, lời các cụ dạy chưa bao giờ sai với mọi hoàn cảnh, nhất là với một cuộc thi nhan sắc ở vùng chè. Chính vì thế mà ngay khi Cuộc thi được Ban Tổ chức thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều người quan tâm cho rằng: Người đẹp của xứ sở chè không nhất thiết phải “sắc nước nghiêng trời”, “chim sa cá lặn” hay “hoa hờn nguyệt thẹn”, mà người đẹp - người đại diện cho xứ Trà là người hiểu biết về văn hóa Trà, về kỹ thuật trồng chè, chế biến chè và nghệ thuật pha, mời trà. Nhưng đa số lời bàn: “Người đẹp xứ Trà” phải hội tụ đủ các yếu tố về cốt cách, trong đó bao hàm về đức dục, trí dục và mỹ dục.
Bà Hàn Thị Phượng, Giám đốc Trung tâm ảnh viện, áo cưới Việt Phượng, là người phụ nữ đã từng giành danh hiệu “Quý bà có tính cách năng động nhất” tại Cuộc thi Hoa hậu quý bà Việt Nam năm 2009. Từ nhiều năm nay, bà Phượng là một trong những người tâm huyết trong các cuộc đi tìm người đẹp từ cấp thành phố, cấp tỉnh đến cấp quốc gia. Bà tích cực tham gia tài trợ cho các cuộc thi nhan sắc. Và năm nay, trong cuộc thi “Người đẹp xứ Trà”, ngoài vai nhà tài trợ, bà còn là Phó Ban Tổ chức cuộc thi. Bà cho biết, Cuộc thi sẽ diễn ra từ ngày 5 đến 27-11, dự kiến có khoảng 150 thí sinh (TS) đến từ nhiều vùng chè trên cả nước tham gia. Lộ trình đi tìm “thiên sứ” của xứ Trà được chia thành 3 vòng: Vòng sơ khảo được tổ chức tại Trung tâm ảnh viện, áo cưới Việt Phượng từ ngày 5 đến 9-11. Tại vòng sơ khảo, các TS được kiểm tra các số đo, cân nặng, chiều cao, hình thể, nhân trắc học, năng khiếu và được phỏng vấn trực tiếp về văn hóa Trà, kiến thức xã hội.
Sau vòng sơ khảo sẽ có 50 TS đi tiếp vào vòng chung khảo. Vòng chung khảo được tổ chức từ ngày 10 đến 15-11 tại Trung tâm Văn hóa tỉnh. Các TS cùng trải qua những phần thi tìm hiểu kiến thức bằng hình thức trắc nghiệm, thi năng khiếu, hình thể và trang phục. Sau vòng chung khảo, 30 TS sẽ được chọn vào vòng chung kết (diễn ra từ ngày 16 đến 27-11 tại Trung tâm Văn hóa tỉnh), với các nội dung thi: Nghệ thuật pha trà, hái chè và tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động từ thiện và quảng bá tiềm năng, thế mạnh du lịch và thế mạnh ngành chè. Riêng phần thi trang phục áo dài truyền thống của phụ nữ Việt Nam, trang phục áo tắm liền mảnh, trang phục tự chọn và phần thi ứng xử của vòng chung kết sẽ được tổ chức vào tối ngày 27-11. Đây là vòng thi hứa hẹn có nhiều hấp dẫn được người hâm mộ mong đợi. Vì trong vòng thi này đòi hỏi mỗi TS phải thực sự thể hiện được khả năng, tài năng của mình, khẳng định mình thật sự là người vượt trội trên sàn diễn, trở thành quán quân trong cuộc thi nhan sắc của xứ sở Trà Thái Nguyên.
Trò chuyện với chúng tôi, TS Nguyễn Thị Ngọc Huyền và TS Nguyễn Phương Anh, sinh viên Trường Đại học Kinh tế (Đại học Thái Nguyên) cho biết: Với chúng em, đây là một sự trải nghiệm, một thử thách ý nghĩa. Dù được giải hoặc không, song chúng em sẽ luôn “cháy” hết mình trên sàn diễn. TS Đào Thị Thơm, sinh viên Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) cho biết: Em quê Yên Bái, là sinh viên Khoa Thanh nhạc năm 3. Em rất tự tin khi đăng ký tham gia Cuộc thi “Người đẹp xứ Trà”. Em mong nhận được sự ủng hộ của Ban Tổ chức, của bạn bè và của tất cả mọi người. Còn TS Chu Thị Kiều Thương, sinh viên Khoa Ngữ văn (Trường Đại học Sư phạm) cho biết: Được sự động viên, khích lệ của thầy cô giáo, bạn bè và người thân, em rất háo hức làm hồ sơ đăng ký tham gia Cuộc thi. Em hy vọng mình sẽ vào được đêm chung kết… Quê của Thương ở Thái Bình, vùng quê của lúa ruộng phèn, cói đất chua và biển mặn muối. Khi lên Thái Nguyên học làm cô giáo, Thương được đắm mình trên những nương chè bát ngát, rồi mê hương trà từ bao giờ chẳng hay.
Giống như Thương, trong các cuộc thi lần trước cũng như năm nay có nhiều TS tham dự nhưng không phải ở một vùng chè bạt ngàn nào đó của đất nước. Hà Thu Hiền, Hoa hậu xứ Trà năm 2008 là một minh chứng. Trước khi tham dự cuộc thi, Thu Hiền chưa biết gì nhiều về kỹ thuật trồng chè cũng như quy trình chế biến sản phẩm trà, nhưng rồi cô đã vượt trội hơn những người đẹp khác để đăng quang. Hiền cho biết: Sau khi đăng quang, tôi xây dựng gia đình như bao người phụ nữ khác. Cuộc sống riêng tư bận rộn, song tôi luôn có ý thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm chè Thái Nguyên đến bạn bè của mình.
Còn Nguyễn Thị Hải Yến, cô gái đăng quang “Người đẹp xứ Trà” năm 2011 đã nói với các em thế hệ sau: Sinh ra và lớn lên ở xóm Luông, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ), tôi không được may mắn như nhiều bạn bè cùng trang lứa, phải sớm bươn trải giúp mẹ mưu sinh. Trong cuộc sống, kể cả lúc khó khăn nhất, tôi luôn tự động viên mình phải vươn lên. Tham dự cuộc thi “Người đẹp xứ Trà” năm 2011, tôi biết mình còn rất nhiều hạn chế do chưa thật hiểu biết sâu sắc về cây chè, sản phẩm trà, về nghệ thuật pha, mời trà. Kỹ năng sống, nghệ thuật giao tiếp cũng hạn chế, nhưng tôi đã cố gắng khắc phục bằng cách học hỏi những người đi trước, rồi tìm hiểu thêm trên sách báo, nhờ đó tôi được củng cố kiến thức rất nhanh... Với Nguyễn Thị My Ly, sinh viên Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh Thái Nguyên, TS giành giải Nhất tại cuộc thi “Người đẹp xứ Trà” năm 2013, chia sẻ: Khi đăng ký tham gia cuộc thi, tôi cũng như các bạn, luôn bỡ ngỡ, căng thẳng, hồi hộp, lo lắng. Song tôi đã vượt qua để giành được giải cao nhất. Và My Ly khuyến khích: Các bạn cứ bình tĩnh, đừng lo lắng, bên cạnh các bạn đã có Ban Tổ chức và sự cổ vũ, khuyến khích nồng nhiệt của bao người thân, bạn bè…
Còn Trần Tố Như - người giành danh hiệu Hoa khôi trong cuộc thi thanh lịch và thời trang năm 2012 do T.P Thái Nguyên tổ chức - cho biết: Sinh ra ở vùng chè Quân Chu (Đại Từ), em thấu hiểu những mưa nắng dãi dầu của người làm chè và cây chè. Dù là đối tượng được đặc cách vào thẳng vòng chung khảo của cuộc thi “Người đẹp xứ Trà” năm nay, nhưng do đang đi học tại Hà Nội nên em không đăng ký tham gia cuộc thi đầy ý nghĩa này. Em chúc các bạn dự thi luôn bình tĩnh, tự tin, chúc cuộc thi thành công như mọi người mong đợi…
Sự khiêm tốn cũng là một trong những yếu tố quan trọng làm cho người phụ nữ trở nên đẹp hơn. Tôi nghĩ như thế, bởi trong cuộc sống thường nhật, đến những vùng chè đặc sản Tân Cương (T.P Thái Nguyên), La Bằng (Đại Từ), Minh Lập (Đồng Hỷ)… tôi gặp nhiều những nón lá che nghiêng và nụ cười duyên của bao thiếu nữ vùng chè. Họ rất đẹp, đẹp hồn nhiên như bông hoa chè nở giữa nắng mưa. Cũng nhân câu chuyện về cuộc thi “Người đẹp xứ Trà” năm 2015, bà Thẩm Hoàng Điệp, Tiến sĩ nhân trắc học nhận xét: Đây là cuộc thi đặc sắc chỉ ở Thái Nguyên mới có. Bởi cuộc thi nhằm tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ, nét đẹp tâm hồn, tài năng, trí tuệ và khả năng ứng xử trong cuộc sống, sự khéo léo và tài hoa trong văn hóa Trà của người dân vùng chè.