Cử tri kiến nghị Tổng Bí thư tiếp tục xử lý mạnh tay với tham nhũng
Sáng 13/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng tổ đại biểu số 1 Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Hoàn Kiếm.
Cuộc tiếp xúc diễn ra ngay sau Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII bế mạc và trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.
Là người đầu tiên phát biểu ý kiến, cử tri Trần Viết Hoàn (phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình) bày tỏ những niềm vui, niềm tin khi GDP năm 2017 tăng trưởng cao nhất so với vài năm trở lại đây; Việt Nam tổ chức thành công hội nghị APEC, nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế; Đội bóng đá U23 Việt Nam lần đầu tiên giành ngôi á quân châu Á.
Cử tri Trần Viết Hoàn kiến nghị với Tổng Bí thư. |
Nhân dân cảm ơn nhiều đồng chí, trong đó có Tổng Bí thư đã cùng với Đảng chỉ ra cho dân biết những ông quan to, quan nhỏ đã bị lộ, vơ vét đục khoét ngân sách, tiền thuế của dân làm giàu bất chính... trong số những ông “quan tham” đã có người phải ra trước vành móng ngựa.
“Nhân dân nức lòng khi được nghe lời đồng chí Tổng Bí thư: Ai nhụt chí thì đứng sang một bên để người khác làm. Lời nói đó của Tổng Bí thư đi liền với việc làm quyết tâm của đồng chí nên mới đưa ra xử lý hàng loạt những vụ án lớn, những vụ xử lý về tham nhũng vừa qua, lấy lại niềm tin của dân vào Đảng” – cử tri Trần Viết Hoàn cho biết.
Bên cạnh niềm tin, ông Trần Viết Hoàn cũng bày tỏ những suy tư khi có những vụ việc liên quan đến cán bộ xảy ra từ lâu nhưng đến nay mới bị phát giác và xử lý. Có cán bộ mắc những khuyết điểm rất nghiêm trọng nhưng vẫn được thăng tiến vào vị trí quyền lực, điển hình như Đinh La Thăng.
“Có phải Đảng buông lỏng kiểm tra, xem xét? Và liệu có người chống lưng cho họ? – ông Hoàn đặt câu hỏi và cho biết công tác tổ chức cán bộ nói chung, việc bổ nhiệm cán bộ vào vị trí lãnh đạo, quản lý nói riêng có phần đã xem nhẹ, hời hợt 2 tiêu chí cần thiết đức và tài.
Theo ông Hoàn, nhìn vào những vụ án, cán bộ bị xử lý kỷ luật thời gian qua cho thấy những người phạm tội phần lớn là những cán bộ có chức, có quyền ở Trung ương, địa phương, các ngành. Điều đó cho thấy mức độ “tham nhũng leo thang bậc cửa quyền”.
“Những vị quan đó “dở” thì vẫn có người khen, hèn thì vẫn có người giấu, họ không tự rèn mình, không chịu học hỏi, nhưng lại vẫn lớn tiếng rao giảng đạo lý. Họ ra sức vơ vét tiền của dân, của nước để làm giàu cho mình, cho gia đình mình, tàn phá ghê gớm đất nước” – cử tri Hoàn nói.
Nhấn mạnh tham nhũng có sức tàn phá ghê sợ nhất, làm mất lòng tin của dân với Đảng, ông Trần Viết Hoàn kiến nghị Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư tiếp tục xử lý mạnh tay với tham nhũng, “quyết tâm quét sạch tham nhũng như đã quét giặc ngoại xâm”.
Dân mong cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp cao khắc sâu lời dạy của Bác “Làm việc nước là hy sinh, phấn đấu, quên lợi ích riêng mà nghĩ lợi chung, vì lợi nước quên lợi nhà” . Và nhớ những lời răn của đạo lý dân tộc “của thiên trả địa”, “nhân nào quả ấy”, để tránh cho mình không mắc vào vòng lao lý như những cán bộ đã bị xử lý kỷ luật thời gian qua.
Ông Hoàn cũng bày tỏ mong muốn Đảng, Nhà nước thu hồi được tài sản tham nhũng - đó cũng chính là những đồng tiền thuế của nhân dân...
Làm thế nào chuyển “lửa” về địa phương
Cử tri Nguyễn Viết Thịnh (phường Giảng Võ) bày tỏ, những việc làm quyết liệt của Trung ương trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong việc chống tham nhũng, xử lý không có vùng cấm đã đem lại niềm tin, niềm hy vọng cho cử tri.
Cử tri Nguyễn Viết Thịnh. |
Bày tỏ băn khoăn về việc kê khai tài sản của cán bộ đã thực hiện nhiều năm nhưng hiệu quả rất thấp, chỉ đến khi báo chí phát hiện hoặc pháp luật rờ đến mới thấy tài sản “khủng”, ông Thịnh cho rằng, cán bộ cần phải trong sạch, gương mẫu đi đầu. Theo đó, công bộc của dân phải có trách nhiệm giải trình nghiêm túc tiền, tài sản ở đâu ra chứ không phải theo kiểu “buôn chổi đót xây biệt phủ”; đồng thời phải có biện pháp quyết liệt trước hành động tẩu tán tài sản.
Tiếp tục nêu dẫn chứng tình trạng quan chức bằng quyền lực của mình chuyển hàng vạn m2 đất nông nghiệp thành đất thổ cư để xây trang trại, biệt phủ đồ sộ, ông Thịnh kiến nghị cơ quan chức năng cần có biện pháp đủ mạnh để ngăn chặn việc này.
“Tôi thấy Chính phủ chủ trương xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng. Còn việc chống tham nhũng, tha hóa, biến chất, Trung ương làm rất mạnh, lò cháy đùng đùng, nhân dân đều biết, nhưng còn các địa phương thì sao, im ắng quá. Có một số vụ báo chí phát hiện thì làm cho qua chuyện, người dân phản ứng mạnh buộc Trung ương phải vào cuộc như ở Quảng Nam, Thanh Hóa, nên cử tri đã nhận xét “trên nóng, dưới lạnh”. Vì sao có hiện tượng trên nóng dưới lạnh. Làm thế nào để chuyển lửa về địa phương?” – cử tri Nguyễn Viết Thịnh đặt câu hỏi và bày tỏ mong muốn việc chống tham nhũng cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ, mong tất cả địa phương cùng vào cuộc để Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Tại cuộc tiếp xúc, nhiều vấn đề “nóng” trong xã hội cũng được cử tri nêu ý kiến như vấn đề vệ sinh thực phẩm; tình trạng ngược đãi trẻ em xảy ra tại một số cơ sở mầm non gần đây; bác sĩ bị hành hung ngay tại cơ sở khám chữa bệnh..../.