Công nghiệp hỗ trợ trong nước vẫn khó kết nối với doanh nghiệp FDI
Sau 3 năm triển khai, Dự án “Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam hướng tới thị trường châu Âu” đã có những đóng góp đáng kể vào việc gia tăng năng lực sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của các doanh nghiệp Việt Nam.
Bên cạnh đó, Dự án cũng giúp kết nối doanh nghiệp sản xuất linh kiện phụ tùng với các đối tác trên thị trường thế giới, đặc biệt là thị trường châu Âu, đồng thời hỗ trợ và xây dựng các chính sách về phát triển công nghiệp hỗ trợ...
Rất ít sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp nước nhà. (Ảnh minh họa: KT) |
Đại diện Hiệp hội Điện tử Việt Nam, bà Đỗ Thị Thuý Hương cho rằng, nếu như trước đây, rất ít doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia cung ứng vào chuỗi sản xuất của Tập đoàn Samsung Việt Nam, trong 3 năm qua, nhờ sự hỗ trợ của Dự án đã có 24 doanh nghiệp Việt cung cấp linh phụ kiện cho tập đoàn này.
Mặc dù những chuyển biến về năng lực của các doanh nghiệp hỗ trợ được nhiều chuyên gia và đại diện hiệp hội đánh giá khá tích cực. Song thực tế sự tham gia của các doanh nghiệp vào lĩnh vực này còn rất còn hạn chế. Hầu hết các doanh nghiệp chưa kết nối được với các doanh nghiệp FDI.
Ông Trương Hoàng Hải, Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội cũng thừa nhận, thực tế vấn đề phát triển công nghiệp hỗ trợ còn khá nan giải đối với Việt Nam. Nhất là trong bối cảnh nguồn lực kinh tế nước ta còn hạn chế cũng như tiềm năng khoa học kỹ thuật yếu. Bên cạnh đó, một phần nguyên nhân còn là do năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn chưa thể đáp ứng được yêu cầu của đối tác nước ngoài.
Theo đánh giá của lãnh đạo ngành công thương tỉnh Đồng Nai - địa phương có tiềm năng thu hút được nhiều dự án công nghiệp thuộc các lĩnh vực điện tử, cơ khí, ô tô thì trình độ năng lực của doanh nghiệp Việt vẫn còn có khoảng cách khá xa so với các doanh nghiệp nước ngoài. “Nếu không được tích cực chuyển giao công nghệ cũng như đẩy mạnh đầu tư nhân lực chất lượng cao, nhiều cơ hội sản xuất sản phẩm phụ trợ sẽ khó thành hiện thực”, vị này nhận định.
Với thực tế trên, để nâng cao hơn nữa hiệu quả từ Dự án, việc tăng năng lực của các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước được xem là điều kiện tiên quyết. Trong đó, vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ là rất quan trọng giúp các doanh nghiệp nhỏ trong nước gắn kết chặt hơn. “Bên cạnh đó, cần các hỗ trợ mềm trong đào tạo, kết nối, chia sẻ kinh nghiệm hợp tác làm ăn”, Đại diện Hiệp hội Điện tử Việt Nam cho biết.
Còn theo bà Trương Thị Chí Bình, Giám đốc Trung tâm Phát triển doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (SIDEC), ngoài sự vào cuộc của nhà quản lý, bản thân các doanh nghiệp cũng phải đầu tư công nghệ, tổ chức sản xuất tốt để có giá cạnh tranh.
“Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam còn quá ít ỏi với khoảng 300 doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn. Chính phủ cần có những chính sách ưu đãi cho những đầu tư ban đầu, để tác động trực tiếp đến doanh nghiệp như vốn vay, công nghệ và đào tạo nhân lực…”, bà Bình chỉ rõ.
Một giải pháp quan trọng và thiết thực hơn nữa được đại diện các doanh nghiệp đề xuất, đó chính là Bộ Công Thương cùng các bộ ngành liên quan cần tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp hỗ trợ. Cụ thể là bằng việc tổ chức nhiều hơn các chương trình xúc tiến thương mại, tổ chức hội chợ giới thiệu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường nước ngoài./.
Dự án Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam hướng tới thị trường châu Âu do Liên minh châu Âu tài trợ với tổng ngân sách hơn 412.000 EUR được thực hiện từ tháng 6/2014 đến tháng 6/2017 nhằm nâng cao năng lực ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong lĩnh vực cơ khí, điện, điện tử, nhựa và cao su...