“Coi chừng” khi trẻ vàng da quá 15 ngày
Teo đường mật bẩm sinh là bệnh lý ít gặp, được phát hiện chủ yếu ở người Châu Á, ước tính tỷ lệ mắc bệnh khoảng 1/10.000 trẻ sơ sinh sống, bé gái mắc bệnh cao hơn bé trai. Vấn đề chẩn đoán, điều trị cho bệnh lý này rất phức tạp và dễ nhầm lẫn với bệnh lý viêm gan, vàng da sơ sinh ở trẻ.
Bệnh nhi bị teo đường mật bẩm sinh, phẫu thuật Kasai trễ, điều trị tại bệnh viện Nhi Đồng 2 |
GS Trần Đông A, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2 - Chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực ghép gan ở bệnh nhi cho hay: teo đường mật bẩm sinh có thể gặp ở những mức độ khác nhau hoặc chỉ gây tắc một phần ống mật, hoặc gây tắc hoàn toàn.
Đến nay, khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác của bệnh lý teo đường mật. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng teo đường mật có thể là hậu quả của quá trình phát triển tạo ống mật trong giai đoạn tạo phôi hoặc nhiễm vi rút, bệnh cũng có thể là do những bất thường chuyển hóa.
Trẻ mắc bệnh lý teo đường mật nếu không được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời sẽ diễn tiến suy gan, tăng áp tĩnh mạch cửa dẫn tới tử vong. Đến nay, phẫu thuật Kasai cho trẻ trong giai đoạn sơ sinh được chẩn đoán bị teo đường mật được xem là phương pháp cứu cánh giúp trẻ thoát khỏi bệnh lý trên hoặc hạn chế nguy cơ biến chứng, kéo dài sự sống.
Sau khi chào đời, nếu trẻ bị vàng da quá 15 ngày cần nghĩ đến bệnh teo đường mật |
GS Trần Đông A cho biết: với những trẻ bị vàng da sơ sinh, tình trạng vàng da sẽ giảm dần trong 2 tuần. Tuy nhiên, trẻ bị bệnh lý teo đường mật bẩm sinh, triệu chứng vàng da sau 2 tuần sẽ không thuyên giảm. Bên cạnh đó, trẻ sẽ gặp phải một số bất thường khác như củng mắt vàng, đi tiêu ra phân màu trắng bạc. Nếu không phát hiện sớm, trẻ sẽ gặp phải các triệu chứng nặng dần như gan to, lách to, tĩnh mạch giãn nổi lên dưới da bụng. Bệnh nhi sẽ bị xơ gan, bụng trướng to dẫn tới tử vong trong 2 đến 3 năm đầu đời.
GS Đông A khuyến cáo, khi trẻ bị vàng da kéo dài sau 15 ngày và có các biểu hiện điển hình nêu trên thì cần nghĩ ngay đến bệnh lý teo đường mật bẩm sinh để can thiệp sớm. Nếu được phẫu thuật Kasai trong khoảng 28 ngày sau sinh, trẻ có thể vượt qua được bệnh, những trường hợp phát hiện muộn, phẫu thuật trễ, bệnh đã ảnh hưởng đến chức năng gan dù được mổ Kasai trẻ cũng sẽ đối mặt với tình trạng suy gan dẫn tới xơ gan buộc phải phẫu thuật ghép gan để kéo dài sự sống.
Tuy nhiên, do nguồn gan nói riêng và tạng hiến nói chung còn rất hạn chế, mặt khác chi phí thực hiện cuộc phẫu thuật cắt ghép tốn kém đang là trở ngại rất lớn trong nỗ lực cứu chữa cho bệnh nhi bị biến chứng nặng từ bệnh lý teo đường mật bẩm sinh. Hiện, bệnh viện Nhi Đồng 2 có khoảng 200 bệnh nhi có chỉ định phẫu thuật ghép gan nhưng không có nguồn gan hiến tặng hoặc gia đình không đủ điều kiện chi trả cho cuộc phẫu thuật.