Có nên duy trì lễ hội “máu”?
Việt Nam có một bề dày lịch sử dựng nước và giữ nước, trên hết là niềm tự hào về một nền văn hiến 4.000 năm với những đặc trưng của văn minh nông nghiệp lúa nước. Những lễ hội dân gian truyền thống là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người dân Việt.
Trong 7.039 lễ hội dân gian ở Việt Nam, hơn 500 lễ hội đã được phong “di sản” ở các cấp, nhưng số lượng lễ hội "đâm, chém, chặt, chọi, treo" gia súc như trâu, lợn... không nhiều, chiếm tỉ lệ rất nhỏ, chỉ khoảng 2%, nhưng tính chất của nó thì rất “sốc” bởi những cảnh tượng đẫm máu đầy bạo lực trong khi diễn ra nghi thức lễ.
Lễ hội “đâm- chém” hay Lễ hội “máu”
Các lễ hội “đâm - chém…” trâu, lợn ở một đất nước lấy nền nông nghiệp trồng lúa nước làm đầu như Việt Nam không có gì lạ theo tín ngưỡng dân gian. Bởi quan niệm xưa, máu như là một nghi lễ tế thần thánh, để cầu bình yên, thiên nhiên hiền hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống sung túc ấm no hạnh phúc…
Dân làng Ném Thượng chém lợn làm cỗ ngọc tế thánh ở giữa sân đình. Ảnh: Hoàng Hà. |
Lễ hội “Chém lợn” của làng Ném Thượng (phường Khắc Niệm, TP Bắc Ninh), được tổ chức vào đúng giờ Ngọ (12 giờ) ngày 6/1 âm lịch, với nghi thức chém vào giữa thân 2 con lợn bằng đao, sau đó thì lấy máu bôi vào vải rồi làm lễ tế Thành Hoàng làng…
Ở ngay Thủ đô Hà Nội cũng có một lễ hội “Chạy lợn” ở làng Diền, Phú Yên, tổ chức từ ngày 5-8/1 âm lịch cũng không kém phần đẫm máu. Lễ tái hiện cảnh Thánh Cao Sơn Đại Vương khao quân trước khi lên đường dẹp giặc. Nghi thức lễ cũng rất bạo liệt, vừa khiêng lợn chạy, vừa dùng dao mổ phanh ruột, chặt đầu, xẻ thịt… để làm cỗ…
Lễ hội “Chọi trâu” từ trước tới nay được biết ở Đồ Sơn, Hải Phòng, tổ chức vào ngày 9/8 âm lịch hàng năm, tái hiện lại một truyền thuyết của cư dân làng chài, sau thành lễ tế Thần cầu cho sóng yên biển lặng, tôm cá dồi dào, cuộc sống sung túc, ấm no, hạnh phúc…
Nhưng nay phát triển thêm Lễ hội “Chọi trâu” ở vài địa phương như: Hải Lựu, Lập Thạch, Vĩnh Phúc ngày 7/1 âm lịch, Hàm Yên - Tuyên Quang ngày 10-11/1 âm lịch, Phù Ninh- Phú Thọ mới được phục hồi năm 2009 sau 60 năm gián đoạn, diễn ra từ ngày 14-15/2 âm lịch, Nghi Thái, Nghi Lộc, Nghệ An vào tháng 8 âm lịch….
Chọi trâu tại lễ hội Gầu Tào Cha, Lai Châu. |
Ai đi dự lễ hội “Chọi trâu” sẽ chứng kiến một quang cảnh hãi hùng, hàng vạn con người như bị “ma” nhập, bừng bừng sát khí, hò hét “giết nó đi”, “đâm nó đi”… để cổ vũ cho trận thư hùng trên sới. Sau lễ hội, trâu thắng thua gì đều bị giết, ngoài làm lễ tế còn bán cho người dân ăn để lấy “hên”.
Lễ hội “Đâm trâu”- “Ăn trâu”- Sa-rơpu là lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số ở các buôn làng thuộc khu vực dãy Trường Sơn- Tây Nguyên và một số vùng khác thuộc miền Trung thường tổ chức vào sau mỗi mùa rẫy khoảng tháng 12 - tháng 3 âm lịch, tế thần N'du và các vị thần khác nhằm tạ ơn các vị thần đã phù hộ cho dân làng trong một năm được bình an, mùa màng ấm no, hạnh phúc.
Họ dắt một con trâu khỏe mạnh, dáng đẹp, đem buộc chặt vào cột "Gingga" trước sân nhà Rông. Sau các màn múa hát nghi lễ là bắt đầu đâm trâu. Ngày xưa chỉ có một dũng sĩ và khéo léo đâm một nhát giáo là trâu chết, nhưng ngày nay thì con trâu bị “hứng” hàng chục ngọn giáo của nhiều chàng “dũng sĩ”, máu me đầm đìa. Tiếng kêu bi thương thảm thiết… Không có gì dã man hơn.
Có nên tồn tại và nâng tầm di sản những lễ hội “máu”?
Cũng vì nhiều "biến thể" không giữ toàn vẹn ý nghĩa nguyên thủy mà nhiều lễ hội đã trở thành những "hủ tục" gây nhiều tranh cãi. Đặc biệt là những lễ hội “máu” mang các gia súc, vật nuôi, tế lễ bằng những cảnh "đầu rơi, máu chảy".
Chỉ chú trọng thuần túy đến cảnh đâm giết, xem nhẹ các hoạt động khác, làm biến tướng dẫn đến hiểu sai về mục đích, tính chất của lễ hội chưa kể cảnh tượng "cuồng nộ" của những người tham gia vào các lễ hội đó đã một phần nào gây ra hình ảnh phản cảm của một lễ hội mang tính tâm linh, tế lễ thần linh nguyên gốc.
Việc có nên duy trì các lễ hội “máu” này không thì ngay trong giới học giả, nghiên cứu về văn hóa dân gian, văn hóa tâm linh có nhiều ý kiến trái ngược. GS Trần Lâm Biền thì cho rằng: “Luật đào thải tự nhiên, khi thấy không cần nữa thì tự nó sẽ mất... Phong tục tồn tại nhưng có thể mất đi, khi nhận thức của những người trong cuộc thay đổi… Còn chúng ta hãy tôn trọng văn hóa của của các cộng đồng, và đừng vội thay họ để đứng ra giải quyết câu chuyện”.
Dân làng quyết tâm giữ những lễ hội “máu”, cho rằng đó là “việc của làng”, là “bản sắc của cha ông”, cho dù việc chứng minh nguồn gốc nghi lễ đều khá mơ hồ, nhiều tích, nhiều truyền thuyết… Họ quan niệm, nếu không làm thế thì có thể năm ấy dân làng sẽ nghèo đói, ốm đau, làm ăn thất bại, mùa màng thất bát… nên vẫn muốn giữ những lễ hội “máu”.
Lễ hội Đền Đông Cuông năm 2017 (Yên Bái) đã bỏ cảnh treo trâu. |
Dân gian có câu: “Trống làng nào làng ấy đánh; Thánh làng nào làng ấy thờ!”. Nếu như các lễ hội “máu” này chỉ trong phạm vi làng, phạm vị tộc họ hay làng bản với đúng nghi thức nguyên thủy, và không “khua chiêng, gõ trống” cho thiên hạ kéo đến tham gia, trở thành một trò diễn mang tính bạo lực và kích động bạo lực thì có thể nó không phản cảm và gây nhiều ý kiến phản đối.
Thêm một lần nữa, mong các cơ quan quản lý văn hóa, các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, nhà sử học, xã hội học… nên cẩn trọng với những phong tục xưa được phục hồi, duy trì rồi nâng cấp vượt ra khỏi phạm vi làng xã, họ tộc… để thành “di sản văn hóa” cấp tỉnh, thành, quốc gia… .
Để đừng có thêm những lễ hội “đâm, chém, chặt, chọi, treo” đẫm máu các vật nuôi, như một cách gián tiếp tạo thêm cái ác trong đời sống, khi xu hướng thế giới luôn kêu gọi con người hãy sống hiền hòa, nhân bản, nền văn minh trong thế kỷ 21 là tôn trọng tất cả sự sống trên trái đất./.