Chuyển động Đồng Sơn
Chăm sóc thanh long |
Khi chưa có chương trình ngọt hóa ĐBSCL, Đồng Sơn chịu ảnh hưởng của nước mặn từ sông Tra nên đất nhiễm phèn, mặn nghiêm trọng. Một số khu vực trồng lúa được lại bị sâu rầy, triều cường nặng nề. Miếng cơm manh áo của người dân phụ thuộc vào 2 con nước lớn, ròng của dòng sông Tra để đánh bắt thuỷ sản. Cứ sau mùa lúa, phần lớn người dân Đồng Sơn tha phương kiếm sống.
Từ khi chương trình ngọt hóa khu vực Gò Công được thực hiện, hệ thống đê sông Tra cùng hệ thống đê trong khu vực hoàn thành, ngăn nước mặn giúp cây lúa đứng vững từ một vụ bấp bênh lên hai, ba vụ. Chương trình ô đê bao đã đưa gần 1.000ha lúa sản xuất 1 vụ lên 2 - 3 vụ ăn chắc với năng suất trên 5 tấn/ha.
Trong tuyến đê bao ở Ninh Đồng, Khương Thọ, hơn 380ha trồng lúa năng suất thấp được chuyển đổi trồng cây ăn trái, chủ yếu là trồng cây thanh long. Ấp Bình Trinh chuyển đổi hơn 10ha trồng cây mãng cầu xiêm. Đồng Sơn dần dần gặt hái thành công trong sản xuất nông nghiệp.
Đặc biệt chủ trương xây dựng nông thôn mới (NTM), xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm đã giúp người dân ổn định cuộc sống. Đến nay, xã đạt hơn 10 tiêu chí NTM. Thu nhập bình quân 35 triệu đồng/người/năm. Cả xã chỉ còn 152 hộ nghèo (chiếm 6,3%). Điện, đường, trường, trạm... được đầu tư phát triển. Đổi thay lớn nhất là điện thắp sáng và nước sạch đã về đến từng hộ dân; 98% các trục đường giao thông trải đá; vườn nối vườn, mái ngói xen mái tole.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng càng làm cho bức tranh làng quê Đồng Sơn tươi tắn. Màu xanh ngút ngàn của ruộng lúa, vườn cây ăn trái, những đầm tôm… như bức tranh thủy mặc. Xa xa từng đàn gia súc đủng đỉnh trên bờ đê cùng đàn vịt chạy đồng kêu vang hòa chung nhịp thở của ruộng đồng xen canh, luân canh giữa lúa và màu.
Đồng Sơn giữ vững diện tích 234ha thanh long và tiếp tục chuyển đổi 167ha đất canh tác theo dự án ở Khương Thọ, Ninh Đồng. Ban đêm, ánh đèn từ những đầm tôm nằm ngoài con đê sông Tra lung linh tỏa sang, làm cho Đồng Sơn tràn đầy sức sống. Cuộc sống đi lên, đời sống các hộ nông dân cũng cải thiện đáng kể.
Nhiều nông hộ làm giàu từ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Ông Phan Văn Quận (ấp Khương Thọ) nuôi 5,5 công tôm sú 7 năm liền. Mỗi năm, ông thả 2 vụ tôm, lợi nhuận hơn nửa tỷ đồng. Còn ông Nguyễn Văn Hoàng ở ấp Ninh Đồng có 1,2ha cây thanh long, mỗi năm thu hoạch 3 vụ, lời 25 triệu đồng/ha/vụ…
Riêng ở ấp Ninh Đồng A, B thành lập Tổ hợp tác (THT) trồng thanh long làm thí điểm với 15ha có 26 tổ viên tham gia. Đến nay THT đã hoạt động ổn định, hiệu quả, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống hội viên, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Thanh long vào mùa cho thu hoạch ổn định 3 vụ/năm, bình quân mỗi vụ 20 tấn trái/ha, trừ các khoản chi phí, một hội viên THT lãi hơn 100 triệu đồng. Đặc biệt khi bón phân, tưới nước cho thanh long cỏ dại cũng mọc theo, đây là nguồn thức ăn dồi dào đưa vào chăn nuôi, bò, dê…
Đó là những hình ảnh đổi mới ở xã Đồng Sơn - một địa phương nằm bên dòng sông Tra nối liền TP.HCM và các tỉnh miền Tây, nơi có chợ Dinh sầm uất trên bến dưới thuyền lưu dấu người dân đến sớm ở vùng Gò Công mở mang cơ nghiệp năm xưa. Nhiều tuyến đường ở Đồng Sơn đã được “lột xác” sau bê tông hóa, tráng nhựa phẳng lỳ.
Theo giới thiệu của Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thân Duy, nhờ có chương xây dựng NTM nên nhiều tuyến đường giao thông nông thôn khoác lên mình bộ mặt mới. Ông Duy cũng cho biết, trong nhiều cuộc họp triển khai kế hoạch hàng năm, lãnh đạo xã đã quy hoạch từng tiểu vùng kinh tế thích hợp cho Đồng Sơn. Cụ thể tiểu vùng nuôi thủy sản (tôm sú) nằm ngoài đê sông Tra 46ha; tiểu vùng 2 lúa - 1 màu hơn 300ha nằm trong đê thuộc chương trình ngọt hóa; ấp Khương Thọ, Ninh Đồng B (giáp Quơn Long) với 167ha trồng thanh long… Ngoài ra, xã đã có kế hoạch sửa chữa, xây dựng, mở rộng chợ Đồng Sơn (chợ Dinh), hướng đến thành lập chợ nông sản đầu mối của khu vực Gò Công Tây - Long An thông qua tuyến đường thủy huyết mạch miền Tây - TP.HCM. |