Chương trình GDPT tổng thể: Giáo viên mong chờ cấu trúc, nội dung môn học
Dưới đây là ý kiến góp ý Dự thảo Chương trình GD phổ thông tổng thể của cô giáo Đinh Thị Tú, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vinshool.
Cô giáo Đinh Thị Tú, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vinshool. |
Linh hoạt tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo
Trái lại với ý kiến của một số người cho rằng dự thảo chương trình có nhiều môn học mới, tôi lại thấy rằng, hệ thống môn học trong chương trình rất hay, hợp lý và cấn thiết.
Ví dụ về trải nghiệm sáng tạo, tôi đánh giá đây là điểm mới rất hay trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.
Thực chất, trước đây chúng ta thường nói học đi đôi với hành. Học sinh phải được trải nghiệm, điều này giúp các con nắm được kiến thức, hiệu quả hơn rất nhiều giờ học lý thuyết.
Một tiết, một buổi đi trải nghiệm có thể giúp các con “vỡ” ra nhiều điều, được cả về kiến thức, kỹ năng và cả phát triển tư duy.
Trong chương trình quy định 105 tiết trải nghiệm cho 35 tuần thực học, tức là học sinh sẽ được học 3 tiết/tuần. Giáo viên có thể dạy 3 tiết/tuần hoặc linh hoạt dồn các tiết học lại để tổ chức một ngày hay một buổi đưa học sinh đi trải nghiệm sáng tạo.
Có một vài khó khăn khi triển khai hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong các nhà trường như đội ngũ giáo viên chưa được đào tạo; sắp xếp thời gian học phù hợp; cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu thốn; kinh phí tổ chức hạn hẹp; sự ủng hộ, phối hợp của phụ huynh và cộng đồng còn hạn chế…
Tuy nhiên, theo tôi, những khó khăn đó có thể khắc phục được bằng việc thực hiện linh hoạt tùy theo từng trường, từng địa phương. Nếu các trường không có điều kiện có thể dồn các tiết học trải nghiệm sáng tạo lại để đưa học sinh đi một buổi hay một ngày trong một tháng.
Vấn đề này đặt ra đòi hỏi về tích hợp liên môn, nghĩa là giữa các môn học phải có sự liên kết chặt chẽ. Các giáo viên của các bộ môn cũng phải ngồi lại với nhau để lên kế hoạch chương trình về một buổi trải nghiệm sáng tạo phù hợp với nhiều môn học như Toán học, có Ngoại Ngữ, Văn học, Lịch sử,…
Quan trọng là công tác đào tạo giáo viên
Về các môn học, việc một số ý kiến đánh giá chương trình ôm đồm hay không giảm tải cho học sinh, theo tôi là chưa chính xác. Hiện tại chúng ta mới chỉ có tên môn học, chưa có nội dung cụ thể, cấu trúc ra sao, đề cập đến những kiến thức nào thì chưa thể đánh giá là ôm đồm hay tăng áp lực cho học sinh.
Chương trình đã đưa được khung tổng thể ra, còn chi tiết nội dung từng môn học bố trí ra sao, cụ thể hóa ra từng bài giảng, mục tiêu chuẩn kiến thức như thế nào mới là điều mà đội ngũ giáo viên mong đợi.
Tôi rất quan tâm đến vấn đề đào tạo đội ngũ giáo viên đáp ứng chương trình đổi mới.
Tôi đã từng tham gia và chỉ đạo thực hiện đổi mới ở cơ sở và nhận thấy có một thực tế, khi chương trình mới đưa ra, việc tập huấn, đào tạo giáo viên sẽ triển khai theo từng cấp từ trung ương đến địa phương, nếu chúng ta không làm cẩn trọng, mỗi cấp sẽ rơi đi một chút và đến người thực dạy sẽ không còn tròn trịa nữa.
Thêm nữa trình độ, kỹ năng của người đào tạo không hề giống nhau, họ thẩm thấu như thế nào, họ tiếp thu ra sao, kiểm soát chất lượng đào tạo bằng cách nào là những câu hỏi phải được đặt ra ngay từ bây giờ để có phương án trả lời.
Theo tôi, đào tạo giáo viên cần phân theo trình độ, kể cả trong từng khối lớp. Từng khối lớp vẫn có tốp giáo viên giỏi, tốp giáo viên khá, tốp giáo viên trung bình. Những người giỏi sẽ được tham gia những lớp nâng cao trình độ và sau đó họ chính là nhân tố, là đội ngũ hạt nhân tập huấn cho những giáo viên khác. Riêng với tốp giáo viên có trình độ, năng lực trung bình lại cần đầu tư nhiều thời gian hơn trong công tác đào tạo để họ hiểu và làm tốt nội dung cơ bản.
Sau đó trong năm học sẽ giao cho sở, các trường sư phạm đào tạo, nâng cao dần chứ không phải gom tất cả các giáo viên cần tập huấn đào tạo vào cùng một lớp. Nếu đào tạo “cào bằng” sẽ không đạt được hiệu quả. Việc này dù khó khăn nhưng phải làm, có như vậy các học sinh - những đối tượng thụ hưởng của chương trình giáo dục mới không bị thiệt thòi.
Triển khai ngay từ năm học 2018-2019 thì sẽ gặp nhiều khó khăn
Tôi cho rằng, đổi mới là cực kỳ cần thiết vào thời điểm này. Xã hội đang biến đổi từng ngày, sự phát triển của khoa học công nghệ được tính bằng từng giây từng phút. Thêm nữa, thế hệ học sinh ngày nay cũng khác trước rất nhiều, các em có nhiều điều kiện tiếp cận để phát triển về trí tuệ và kĩ năng tư duy. Nếu chúng ta vẫn giữ chương trình cũ, phương pháp dạy học lỗi thời thì không đáp ứng được yêu cầu đào tạo.
Tuy nhiên, hiện nay, chương trình mới có khung tổng thể, chưa bắt tay vào xây dựng nội dung môn học, chưa viết sách giáo khoa, đội ngũ giáo viên tiếp cận với đổi mới sang năm vẫn đang miệt mài với chương trình của năm học này. Với điều kiện thời gian hạn hẹp như vậy, tôi e rằng nếu triển khai ngay từ năm học 2018-2019 thì sẽ gặp nhiều khó khăn.