Chương trình chuyển đổi số - sự vào cuộc của các địa phương
Ban Chấp hành thị xã Phổ Yên đã tổ chức Hội nghị triển khai tới cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ dưới nhiều hình thức và xây dựng Chương trình hành động Chuyển đổi số. |
Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết của Tỉnh ủy, Ban Chấp hành thị xã Phổ Yên đã tổ chức Hội nghị triển khai tới cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ dưới nhiều hình thức và xây dựng Chương trình hành động Chuyển đổi số nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ số, phấn đấu đưa thị xã Phổ Yên trở thành Trung tâm chuyển đổi số và Thành phố thông minh theo định hướng xây dựng của tỉnh đến năm 2025 thuộc nhóm đầu về chuyển đổi số.
Đồng chí Bùi Văn Lương, Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Phổ Yên cho biết: "Chúng tôi nhận thức đây là một nội dung rất quan trọng, góp phần quản lý xã hội; đồng thời, góp phần vào việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn và củng cố sự lãnh đạo của Đảng, niềm tin của nhân dân đối với Đảng, điều hành của chính quyền các cấp thông qua việc chuyển đổi số trên địa bàn thị xã Phổ Yên".
Thị xã Phổ Yên ưu tiên chuyển đổi số trong lĩnh vực cải cách hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. |
Thực hiện mục tiêu trên, ngay từ những ngày đầu năm 2021, thị xã Phổ Yên đã phối hợp với các sở, ngành, đơn vị viễn thông liên quan trong triển khai thành lập Trung tâm điều hành thông minh, nhằm nâng cao công tác chỉ đạo điều hành, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và hiệu quả của cơ quan Nhà nước. Trong đó, ưu tiên chuyển đổi số trong lĩnh vực cải cách hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và phấn đấu giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính trong tất cả các lĩnh vực... Trong phát triển xã hội số thì y tế và giáo dục là 2 lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số vì cơ sở hạ tầng và các điều kiện ứng dụng công nghệ thông tin đã được triển khai tích cực trong nhiều năm qua.
Bà Nguyễn Thị Lương, Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo thị xã Phổ Yên cho hay: "Những việc làm liên quan đến chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục đào tạo mà Ngành Giáo dục và Đào tạo thị xã Phổ Yên đã thực hiện gồm: 100% các thủ tục hành chính lĩnh vực giáo dục đều được giải quyết ở mức độ 4; toàn bộ phần mềm quản lý văn bản, điều hành quản trị thông qua môi trường mạng; tăng cường các hình thức tổ chức hội nghị trực tuyến và dạy học qua internet. Chúng tôi đã sẵn sàng nếu như thị xã vận hành Trung tâm điều hành thông minh thì tất cả các dữ liệu dùng chung của Ngành Giáo dục và Đào tạo sẽ kết nối với Trung tâm này".
Bên cạnh đẩy mạnh các nội dung chuyển đổi số trong khối các cơ quan, xã, phường, thị xã Phổ Yên cũng xây dựng các cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội và cũng nhận được sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Doanh nghiệp thị xã Phổ Yên nhấn mạnh: "Chính quyền đã vào cuộc, đã quan tâm đến các nhà đầu tư, Hội Doanh nghiệp thị xã Phổ Yên. Chúng tôi đã họp Ban Chấp hành và Thường trực Hội, đã tuyên truyền tới các hội viên của mình để nắm bắt được các giải pháp và xử lý chuyển đổi số của hành chính công, đây là một chương trình để giảm các thủ tục hành chính".
Với nhiều giải pháp đồng bộ, phân kỳ theo từng năm, từng việc làm cụ thể, thị xã Phổ Yên phấn đấu đến năm 2025: 100 % dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; trên 80 % tổng số hồ sơ công việc cấp thị xã; trên 60 % tổng số hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; trên 50 % các hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý và tỷ lệ dân số có tài khaonr thanh toán điện tử đạt trên 50%...
Có thể thấy, với việc chủ động, tích cực trong triển khai chuyển đổi số của thị xã Phổ Yên, sẽ là cơ sở tạo tiền đề để Phổ Yên sớm xây dựng trở thành thành phố thông minh theo lộ trình đề ra và cũng góp phần thực hiện có hiệu quả, đồng bộ 3 trụ cột của chuyển đổi số đó là: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, từng bước đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm chuyển đổi số khu vực trung du và miền núi Bắc Bộ./.