Chuẩn hóa trang thiết bị dạy học theo hướng hiện đại
Giờ thực hành của học viên Học viện Hậu cần. |
Hiệu quả đầu tư thiết thực
Năm học 2016-2017, Đảng ủy, Ban giám đốc Học viện Hải quân xác định tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hóa TTBDH, nâng cao chất lượng đào tạo. Giới thiệu với chúng tôi về những hệ thống mô phỏng của học viện, Chuẩn đô đốc Ngô Quang Tiến, Giám đốc học viện cho biết: Được sự quan tâm của Bộ Quốc phòng, thời gian qua, chúng tôi đã được đầu tư 14 hệ thống mô phỏng huấn luyện kỹ thuật chuyên ngành và huấn luyện chỉ huy chiến đấu toàn tàu, chiến thuật, chiến dịch. Khai thác những hệ thống này, học viện đã tổ chức huấn luyện cho học viên, cho kíp tàu của các đơn vị thuộc các Vùng 2, 3, 4 Hải quân và sử dụng cho diễn tập tổng hợp cuối khóa, diễn tập chiến dịch 2 bên 2 cấp... giúp đánh giá đúng kết quả, nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo. Cũng theo Chuẩn đô đốc Ngô Quang Tiến, hệ thống mô phỏng đã khắc phục sự thiếu hụt về vũ khí trang bị kỹ thuật (VKTBKT) mới, giúp quá trình đào tạo của học viện gần hơn với thực tiễn VKTBKT mới của quân chủng và Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, nâng cao chất lượng đào tạo...
Không chỉ riêng Học viện Hải quân, nhiều trường quân đội như: Học viện Quốc phòng, Học viện Phòng không-Không quân, Học viện Biên phòng, Trường Sĩ quan Lục quân 1... cũng đã được đầu tư trung tâm mô phỏng, hệ thống mô phỏng, giúp cho quá trình dạy học và nghiên cứu khoa học của giảng viên, học viên đạt hiệu quả tốt hơn. Đại tá Nguyễn Thái Dũng, Chủ nhiệm Khoa Vũ khí, Học viện Kỹ thuật quân sự cho biết: “Phát huy hiệu quả 6 phòng thí nghiệm và các phòng học chuyên dùng được cấp trên đầu tư, thời gian qua, khoa luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học. Chỉ tính riêng trong năm học vừa qua, khoa đã hoàn thành 24 đề tài khoa học các cấp, 3 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật...”. Đó chỉ là một trong những kết quả minh chứng cho hiệu quả đầu tư của Bộ Quốc phòng trong việc từng bước chuẩn hóa TTBDH của các trường quân đội thời gian qua. Còn theo Trung tướng Trần Hữu Phúc, Cục trưởng Cục Nhà trường (Bộ Tổng tham mưu): Thực hiện Kế hoạch đầu tư, nâng cấp TTBDH giai đoạn 2011-2015, Bộ Quốc phòng đã bảo đảm một lượng ngân sách khá lớn để từng bước chuẩn hóa, hiện đại hóa TTBDH. Đến nay, các trường đã được đầu tư 626 phòng học phổ thông, 1.113 phòng học chuyên dùng, chuyên ngành; xây dựng, nâng cấp 42 trường bắn, hơn 100 thao trường huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật, nghiệp vụ, 53 hồ bơi, bể bơi, hàng chục nhà thi đấu, huấn luyện thể thao đa năng cùng nhiều TTBDH khác... Riêng năm học 2015-2016, các trường như: Học viện Hải quân, Học viện Phòng không-Không quân, Sĩ quan Không quân, Sĩ quan Thông tin còn được Bộ Quốc phòng nhất trí chủ trương đầu tư chiều sâu, ứng dụng công nghệ mô phỏng VKTBKT thế hệ mới vào đào tạo.
Bên cạnh kết quả đạt được, đi sâu tìm hiểu thực tế tại các trường, chúng tôi nhận thấy, TTBDH hiện vẫn còn nhiều hạn chế. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật mô phỏng vũ khí trang bị thế hệ mới phục vụ giảng dạy chuyên ngành, trong các phòng học chuyên dùng, phòng thí nghiệm của các trường hiện mới đáp ứng khoảng 30%-40% nhu cầu. Do khả năng bảo đảm kinh phí còn hạn hẹp nên nhiều trường chưa được đầu tư các trung tâm mô phỏng, phòng học mô phỏng vũ khí trang bị thế hệ mới. Mặc dù đã được Thủ trưởng Bộ Quốc phòng cho phép, nhưng đến nay, việc cấp phát một số loại VKTBKT nhóm 1 thế hệ mới cho các trường còn chưa kịp thời hoặc số lượng chưa đáp ứng với nhu cầu dạy học, nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên, học viên. Việc khai thác, sử dụng TTBDH mới của cán bộ, giảng viên, nhân viên một số trường cũng bộc lộ những hạn chế trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật mô phỏng, sử dụng ngoại ngữ...
Từng bước chuẩn hóa, hiện đại trang thiết bị dạy học
Trên cơ sở tổng kết, đánh giá kết quả triển khai thực hiện “Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo trong quân đội” giai đoạn 2011-2015, trong phương hướng đầu tư, nâng cấp TTBDH giai đoạn 2016-2020, Bộ Quốc phòng chủ trương tiếp tục xây dựng và đổi mới hệ thống TTBDH đồng bộ, thống nhất, từng bước hiện đại với chất lượng và hiệu quả cao, đáp ứng mục tiêu, nội dung, chương trình đào tạo. Tập trung xây dựng “chuẩn hóa” danh mục TTBDH, đầu tư chiều sâu và ứng dụng công nghệ mô phỏng VKTBKT thế hệ mới cho các trường, ưu tiên những trường thuộc các quân, binh chủng tiến thẳng lên hiện đại. Các TTBDH khác sẽ được đầu tư theo hướng sử dụng rộng rãi các phương tiện kỹ thuật hiện đại cho hầu hết các phòng học của các cơ sở đào tạo, đáp ứng cơ bản nhu cầu của các trường, khối trường về phòng thí nghiệm cơ bản, cơ sở ngành, thực hiện kế hoạch điều động, bổ sung VKTBKT quân đội hiện có cho các nhà trường.
Để thực hiện chủ trương trên, theo Trung tướng Trần Hữu Phúc, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng và nhà trường để triển khai thực hiện. Các trường cần xây dựng kế hoạch, phương án đầu tư TTBDH đúng chủng loại, chất lượng, các thông số kỹ thuật, bảo đảm hiệu quả. Việc đầu tư TTBDH cho các trường sẽ tiến hành có trọng tâm, trọng điểm, bên cạnh việc ưu tiên đầu tư cho các trường thuộc các quân, binh chủng tiến thẳng lên hiện đại sẽ tiếp tục quan tâm bảo đảm ngày càng tốt hơn về TTBDH cho các trường trọng điểm quốc gia, trường trọng điểm của quân đội. Đội ngũ cán bộ, nhân viên phục vụ cũng sẽ được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, sử dụng TTBDH để khai thác, sử dụng an toàn, tiết kiệm, lâu bền.
Thời gian qua, Quân đội ta đã mua sắm, sản xuất nhiều vũ khí trang bị mới, hiện đại như: Máy bay, tàu ngầm, tên lửa..., nhưng do số lượng có hạn, giá trị lớn nên không thể đưa về nhà trường nghiên cứu, giảng dạy. Từ thực tế đó, để khắc phục “khoảng cách” giữa nhà trường và đơn vị, bên cạnh việc ứng dụng công nghệ mô phỏng vào giảng dạy, kinh nghiệm của nhiều trường như: Học viện Kỹ thuật quân sự, Học viện Phòng không-Không quân, Sĩ quan Thông tin... đã chủ động cử cán bộ, giảng viên đi thực tế tìm hiểu, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm phục vụ quá trình giảng dạy và đưa học viên đi tham quan, thực tập để nâng cao năng lực thực tiễn, thực hành. Theo chúng tôi, đây vẫn là một trong những biện pháp, cách làm hiệu quả cần tiếp tục áp dụng trong những năm tới. Với lợi thế là nơi tập trung đội ngũ cán bộ, giảng viên có trình độ cao, các trường cần đẩy mạnh việc nghiên cứu sáng kiến, cải tiến TTBDH. Cùng với nguồn kinh phí đầu tư của cấp trên, các trường cần huy động những nguồn lực khác, nhất là nguồn kinh phí từ đào tạo phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa để tái đầu tư, “chuẩn hóa", hiện đại hóa TTBDH đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của nhà trường./.