Chưa có biện pháp đồng bộ để ngăn chặn hàng gian, hàng giả
Sáng nay (10/11), tại TP HCM, Báo Công an Nhân dân phối hợp với Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Cục Sở hữu trí tuệ, Công an TP HCM tổ chức chương trình tọa đàm "Nâng cao hiệu quả trong đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp".
Nhiều ý kiến tại tọa đàm thẳng thắn đánh giá, tình trạng hàng giả, hàng nhái ở Việt Nam hiện nay không chỉ dừng lại ở mức độ vụ việc, hành vi đơn lẻ mà thực sự trở thành "ngành công nghiệp đen tối mục ruỗng" đang tàn phá nền kinh tế trong nước, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, gây hoang mang trong xã hội.
Tình trạng hàng giả, hàng nhái ở Việt Nam hiện nay không chỉ dừng lại ở mức độ vụ việc, hành vi đơn lẻ. |
Chỉ trong trong 10 tháng qua, cả nước đã phát hiện gần 4.000 vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả, bắt 300 đối tượng, xử lý hình sự 179 đối tượng. Hàng gian, hàng giả tồn tại ngấm ngầm trong xã hội, ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế.
Điển hình như vụ phân bón của Công ty Thuận Phong, thuốc chữa bệnh của Công ty VN Pharma, Võng xếp Duy lợi và mới đây là mặt hàng tơ lụa của Khaisilk... Việc thực hiện đăng ký sở hữu trí tuệ và bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp vẫn còn nhiều kẽ hở, bất cập khiến việc phát hiện, xử lý còn nhiều khó khăn.
Để phòng chống hàng gian hàng giả có hiệu quả, các đơn vị tham gia buổi tọa đàm kiến nghị cần rà soát lại việc cấp phép lưu hành sở hữu trí tuệ về logo nhãn hiệu, trong đó, người tiêu dùng phải biết nói không với những hàng giả, hàng nhái...
Luật gia Phan Thị Việt Thu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Người tiêu dùng đơn cử, có trường hợp cơ sở biết nơi nhập hàng Trung Quốc nhái hàng Việt về bán, nhưng khi cơ sở báo với quản lý thị trường, đơn vị này đi xong về báo không có phát hiện.
“Hiện vẫn chưa có biện pháp đồng bộ để ngăn chặn hàng gian, hàng giả, việc thực thi pháp luật chưa nghiêm. Khi đã có phản ánh thông tin, các cơ quan có trách nhiệm cần tích cực phối hợp làm ngay, có như vậy mới sớm giúp cho người tiêu dùng bớt bị thiệt thòi”, bà Thu mong muốn./.