Chủ tịch nước: Chủ động kiểm toán những ngành dễ phát sinh tham nhũng
Sáng 13/4, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đến thăm và làm việc với Kiểm toán Nhà nước.
Năm 2016, Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm toán 276 cuộc; đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 38.000 tỷ đồng, cao nhất trong 22 năm hoạt động và tăng gấp 2 lần so với năm 2015.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang làm việc với cơ quan Kiểm toán Nhà nước |
Kết quả kiểm toán đã góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật của Nhà nước và góp phần tích cực vào việc phòng, ngừa tham nhũng, chống lãng phí, thực hành tiết kiệm. Đồng thời Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị, sửa đổi bổ sung, thay thế, hủy bỏ 150 văn bản nhằm bịt chỗ hổng thất thoát, lãng phí từ cơ chế, chính sách, chuyển nhiều vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra; cung cấp hàng chục bộ hồ sơ, tài liệu cho các Đoàn giám sát của Quốc hội, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát và thực hiện tố tụng.
Qua đó, nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính, tài sản công của các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị được kiểm toán đã được phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh kịp thời.
Năm nay, Kiểm toán Nhà nước tập trung xây dựng và hoàn thiện các văn bản thi hành Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015; nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu lực và hiệu quả hoạt động kiểm toán trên cơ sở tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán; xây dựng đội ngũ công chức, viên chức trong sạch, chuyên nghiệp, trách nhiệm, minh bạch và hiệu quả, có đủ phẩm chất, năng lực và trình độ chuyên môn…
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, Kiểm toán Nhà nước là công cụ quan trọng để phát hiện hiện tượng, dấu hiệu tham ô, tham nhũng, không tuân thủ pháp luật về kinh tế, tài chính, sử dụng kém hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước.
Chủ tịch nước đề nghị, Kiểm toán Nhà nước cần chủ động kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền ngăn chặn, phòng ngừa và xử lý các hành vi vi phạm; chuyển cơ quan điều tra các vụ việc có dấu hiệu phạm tội. Các cơ quan tư pháp phải có trách nhiệm tiếp nhận, điều tra theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, Kiểm toán Nhà nước phải chủ động kiểm toán những ngành, nghề, lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng như đất đai, tài nguyên, khoáng sản, môi trường và các dự án đầu tư xây dựng.
Chủ tịch nước yêu cầu hoạt động của Kiểm toán Nhà nước phải luôn theo sát và phục vụ quá trình quản lý, điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước; Phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan trung ương, cấp ủy và chính quyền địa phương trong hoạt động kiểm toán, góp phần tích cực, thiết thực vào công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước./.