Chủ động, sáng tạo trong quản lý, triển khai nghiên cứu khoa học hậu cần
Thiếu tướng, PGS, TS Trần Đình Hướng, Phó giám đốc HVHC khẳng định: Đảng ủy, Ban giám đốc HVHC luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đầu tư phát triển KHQS hậu cần; gắn hoạt động khoa học-công nghệ (KHCN) với giáo dục-đào tạo, đồng thời bám sát thực tế bảo đảm hậu cần ở đơn vị để định hướng nghiên cứu KHQS, phát triển phương thức bảo đảm hậu cần phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của quân đội.
Thực tế từ những năm tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Phòng KHQS (khi đó là Phòng Nghiên cứu Biên soạn, Trường Sĩ quan Hậu cần) đã quan tâm bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên về kiến thức, phương pháp nghiên cứu, biên soạn tài liệu chiến thuật hậu cần phục vụ huấn luyện, đào tạo. Với phương châm "Nhà trường gắn với chiến trường, hướng về đơn vị", lãnh đạo, chỉ huy phòng đã tham mưu, đề xuất với cấp trên cử cán bộ đi thực tế chiến trường để nghiên cứu phương thức bảo đảm hậu cần, trên cơ sở đó biên soạn tài liệu, bổ sung, điều chỉnh nội dung, chương trình huấn luyện. Cán bộ của phòng đã đi vào tuyến lửa Mặt trận Trị-Thiên, các binh trạm ở Trường Sơn; tổ chức nghiên cứu, giúp đỡ hậu cần các mặt trận B2, B3... Đại tá, PGS, TS Lê Trường Sơn, Trưởng phòng KHQS cho biết: Hiện nay, những kinh nghiệm trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế đang được phòng vận dụng sáng tạo. Đội ngũ cán bộ, nhân viên của phòng hiện nay cơ bản trải qua các cương vị công tác ở đơn vị cơ sở, có nhiều kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, trình độ chuyên môn vững vàng, bảo đảm hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Cán bộ Phòng Khoa học Quân sự (Học viện Hậu cần) khảo sát kết quả đề tài nghiên cứu ứng dụng vào trồng nấm tại học viện. |
Trong những năm gần đây, nhiệm vụ của Phòng KHQS liên tục phát triển. Cùng với chức năng tham mưu giúp Ban giám đốc HVHC chỉ đạo, triển khai toàn diện, đồng bộ công tác KHCN và môi trường, phòng còn triển khai các hoạt động hội nghị, hội thảo khoa học; quản lý biên soạn, biên tập, xuất bản giáo trình, tài liệu, bảo đảm chính quy hóa... Cán bộ của phòng tham gia thực hiện nhiệm vụ thư ký các hội đồng khoa học và xét chức danh, danh hiệu khoa học, chuyên môn nghiệp vụ; xây dựng, hoàn chỉnh mạng truyền số liệu quân sự; bảo đảm công nghệ thông tin, ứng dụng phục vụ huấn luyện, đào tạo, diễn tập và các mặt công tác khác của học viện. Hằng năm, học viện tổ chức diễn tập cho học viên cuối khóa và diễn tập theo sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, cán bộ, nhân viên của phòng đã lắp đặt, bảo đảm kỹ thuật và vận hành tốt hệ thống trang thiết bị công nghệ thông tin; bảo đảm an toàn. Từ năm 2017, học viện áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001-2008. Theo đó, công tác KHQS của học viện có bước phát triển mới, bảo đảm chính quy, thống nhất.
Đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của HVHC, cấp ủy, chỉ huy Phòng KHQS thường xuyên quán triệt, giáo dục cán bộ, nhân viên nhận thức tốt nhiệm vụ; chủ động tích cực, sáng tạo trong quản lý, triển khai nghiên cứu KHCN. Hằng năm, từng cán bộ, nhân viên xây dựng kế hoạch, đề xuất nội dung công tác; thường xuyên liên hệ, phối hợp với cơ quan, đơn vị nắm tình hình, nhu cầu và hướng dẫn, giúp đỡ triển khai đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, bảo đảm đúng tiến độ, quy chuẩn, tạo thuận lợi trong đánh giá, nghiệm thu. Cơ quan và cá nhân phụ trách thường xuyên kiểm tra, đôn đốc công việc; lấy chất lượng, hiệu quả công tác KHCN và môi trường đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tập thể, cá nhân. Nhờ triển khai đồng bộ các biện pháp tích cực nên từ năm 2001 đến nay, toàn học viện đã có hơn 1.700 đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật hoàn thành, được đánh giá nghiệm thu. Riêng hai năm học 2015-2016 và 2016-2017, Phòng KHQS đã tham mưu, chỉ đạo triển khai, quản lý hơn 300 đề tài KHCN các cấp, sáng kiến cải tiến kỹ thuật của toàn học viện; tổ chức hội thảo, nghiệm thu đạt kết quả tốt, góp phần tích cực nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo và thực hiện nhiệm vụ của HVHC.